Tình cảm [Đức: Gefühl; Anh: feeling]
Xem thêm: Kích động, Lương thức/Cảm quan chung, Phân khoa, Tâm thức, Xu hướng, Sự sống, Vui sướng, Tôn kính, Cảm năng,
Tình cảm là một trong những khái niệm hàm hồ nhất và do đó quyến rũ nhất của Kant. Phần lớn các trước tác của ông có thể được đọc như nỗ lực riêng ông để định vị [khái niệm] “tình cảm” cho triết học lý thuyết và triết học thực hành, trong đó, khái niệm này liên tục di chuyển giữa các phần ngoại biên và phần trung tâm trong triết học của ông. Sự vận động này được minh họa bằng vị trí của tình cảm đối với quan năng nhận thức và quan năng ham muốn: Kant loại trừ tình cảm khỏi triết học phê phán thực hành của ông chỉ để cho nó được mang trở lại trong hình thái của tình cảm về sự tôn kính quy luật (chẳng hạn, PPLTTH, tr. 76, tr. 79); nó cũng bị loại trừ không được xem xét tương tự trong PPLTTT như nằm “ngoài lĩnh vực các quan năng nhận thức” (A 802, B 830) và chỉ được mang trở lại trong Lời dẫn nhập cho PPNLPĐ như một điều kiện cần thiết cho “kinh nghiệm bình thường nhất” (§VI). Nhưng nó không những có vẻ không được giải quyết trong các ngữ cảnh của triết học lý thuyết và triết học thực hành, mà thậm chí nó còn được xem như đối tượng của một nhánh đặc biệt của triết học quan tâm đến các tình cảm của sự vui sướng và không-vui sướng và đến những cái đối ứng của chúng là cái đẹp và cái cao cả (ĐVCC, A, Quyển 2), tức nhánh triết học đóng vai trò như nhịp cầu cho hai nhánh triết học kia và rút cuộc, trong PPNLPĐ, như là mảnh đất chia sẻ chung của hai nhánh triết học ấy.
Mặc dù được mô tả cùng với không gian và thời gian trong THTN như một khái niệm có thể phân tích được phần nào, Kant nhất quán gán một số đặc trưng nhất định cho tình cảm. Trước tiên, nó thể hiện điều kiện chủ quan của hữu thể cảm tính, hữu hạn “thường xuyên bị cưỡng bách phải vượt khỏi trạng thái hiện tại” (NLH, tr. 133) và kinh nghiệm của hữu thể ấy có một đặc tính tràn ngập cảm tính (PPLTTH, tr. 67, tr. 79). Đặc trưng này không những nối kết tình cảm với các chủ đề về sự hiện thân và sự sống mà còn giải thích cho cấu trúc phân cực của nó như tình cảm về sự vui sướng và không-vui sướng (Lust und Unlust). Trong ĐLPĐ (tr. 181 và tr. 220) và NLH (§ 60) sự vui sướng và không-vui sướng được mô tả như “các đối ứng” quy định lẫn nhau; và bởi lẽ đối với Kant đời sống của một hữu thể hữu hạn cốt yếu ở hoạt động, nên tình cảm về sự vui sướng và không-vui sướng vừa đóng vai trò như một sự biểu hiện vừa như một động cơ cho những hoạt động xa hơn. Hoạt động như thế cốt yếu ở những sự trào dâng và sự kiềm chế quy định lẫn nhau của “năng lượng sống” vốn là cái làm phát sinh “các chuỗi chập chờn của các tình cảm vui sướng (thường xuyên xen lẫn với tình cảm không-vui sướng)” (NLH § 60). Sự dao động giữa sự vui sướng và không-vui sướng khơi gợi toàn bộ “những tình cảm khác nhau của sự hài lòng và không hài lòng” và không dựa quá nhiều vào bản tính của các sự vật bên ngoài, tức là khơi dậy mọi “tình cảm khác nhau về sự thích khoái và không-vui sướng”, và không dựa “quá nhiều vào bản tính tự nhiên của các sự vật bên ngoài gây ra chúng cho bằng dựa vào tâm thế riêng của mỗi con người để được chúng kích động gợi ra sự vui sướng hoặc không-vui sướng” (DVCC, tr. 207, tr. 45). Sự dao động này xuyên suốt vô số tình cảm “mà ta kinh nghiệm trong các hoàn cảnh hết sức phức hợp của cuộc sống” (NM, tr. 182, tr. 220) gồm các tình cảm như sự cảm thông/ sự thù địch, sự thân thiện/ sự thù hằn, tình yêu/ sự căm ghét, cái đẹp/ cái cao cả.
Trong triết học tiền-phê phán, Kant đã xác lập các kiểu mẫu cho việc khảo sát các tình cảm về sự vui sướng và không-vui sướng, cả vì giá trị của chính chúng lẫn vì [để giải quyết] sự đối lập giữa triết học lý thuyết và triết học thực hành. Trong ĐVCC, ông đưa ra một phân tích theo hướng thường nghiệm về tình cảm thông qua các phản tư về các ví dụ được tổ chức theo cái đẹp và cái cao cả. Quan điểm nhân học của văn bản này được mở rộng một cách có hệ thống trong các bài giảng của ông về Nhân học, và nhất là trong Quyển 2 “Về tình cảm về sự vui sướng và không-vui sướng” vốn hình thành sự chuyển tiếp từ Quyển 1 bàn về “quan năng nhận thức” sang Quyển 3 bàn về “quan năng ham muốn”. Cùng với sự đặc trưng hóa này về tình cảm dựa theo sự chuyển tiếp giữa triết học lý thuyết và triết học thực hành, Kant còn cố gắng phân biệt nó với cả hai lĩnh vực này. Trong những trang cuối của quyển THTN, ông phân biệt giữa quan năng hình dung về cái chân hay sự nhận thức với quan năng hình dung về cái thiện hay tình cảm, mô tả cái sau như tất yếu liên quan với “một hữu thể được phú bẩm với cảm năng” (tr. 299, tr. 273).
Một cấu trúc tương tự được duy trì trong triết học phê phán thực hành của SHHĐL và PPLTTH, nơi đây Kant xác định tình cảm và các nguyên tắc của lý tính như là “các nguyên tắc ngoại trị của luân lý” (SHHĐL tr. 442, tr. 46; PPLTTH tr. 40, tr. 41). Tuy nhiên, ở đây, tình cảm cảm tính - “điều kiện cho mọi xu hướng của ta” - cũng là một điều kiện cho tình cảm tôn kính do quy luật của “lý tính thuần túy thực hành” gây ra, chính điều này đã dẹp bỏ “sức nặng đối trọng của cảm năng đối với quy luật luân lý” (PPLTTH tr. 76, tr. 78). Mặc dù sự tôn kính là một “tình cảm đặc biệt” không thể so sánh được với các tình cảm khác, tuy vậy nó vẫn là một tình cảm. Thế nhưng, nó có hai nét riêng biệt làm cho nó không thể so sánh được: Một là, đối tượng của nó, khác hẳn với tình cảm về sự vui sướng và không-vui sướng, luôn luôn là một con người, chứ không bao giờ là một sự vật (tr. 77, tr. 79); hai là, nó không nảy sinh từ sự dao động giữa sự vui sướng và không-vui sướng vốn là đặc trưng cho sự sống của một con người hữu hạn, và không mang lại sự vui sướng lẫn sự không-vui sướng (tr. 78, tr. 80). Tuy nhiên, bất chấp sự phân biệt sau, tình cảm tôn kính có những tác động riêng; nó có một tác động tiêu cực khi nó đóng vai trò như một “sự cản trở” các khuynh hướng, tác động này được trải nghiệm như là “sự hạ nhục”, và một tác động tích cực khi nó đóng vai trò như một động cơ cho sự tuân phục quy luật (tr. 80, tr. 82).
Trong PPLTTH, Kant định nghĩa lại tình cảm để xác lập một vị trí cho sự tôn kính như một loại tình cảm đặc biệt. Trong PPNLPĐ, khảo luận của ông về tình cảm và năng lực phán đoán, ông theo đuổi hẳn một chiến lược táo bạo bao quát hơn nữa. Thoạt nhìn, có vẻ như Kant đang đi theo lối tiếp cận của cuốn ĐVCC và NLH khi khai triển một triết học đặc biệt về những tình cảm thẩm mỹ về cái đẹp và cái cao cả, một triết học sẽ nằm ở các khe hở giữa lĩnh vực lý thuyết và lĩnh vực thực hành. Tuy nhiên, triết học đặc biệt này sớm nhận lấy vai trò không những là tạo thuận lợi cho việc chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực kia, mà còn mang lại một Cổ sở chung giữa chúng. Tình cảm về sự vui sướng và không-vui sướng được cho là mang lại một chìa khóa cho “chỗ bí hiểm trong nguyên tắc của năng lực phán đoán” (PPNLPĐ - Lời tựa) vốn đã gây rối cho triết học lý thuyết và triết học thực hành. Trong PPNLPĐ, việc đặt ngang hàng tình cảm và năng lực phán đoán đã có nhiều hệ quả thú vị; nó làm cho tình cảm vừa có tính chủ quan (trong trò choi tự do của các quan năng nhận thức) vừa có tính khách quan (như một năng lực phán đoán tất yếu và phổ quát); nó cũng hòa tan sự phân biệt tiêu biểu trong cuốn PPLTTH giữa các đối tượng của tình cảm về sự vui sướng và không-vui sướng và tình cảm về sự tôn kính, bởi lẽ nó quy chiếu đến cả các đối tượng lẫn con người; cuối cùng, tình cảm không còn “có tính bên trong” và chủ quan nữa mà là một hình thức của cảm quan chung “có tính chất xã hội” và liên-chủ thể (xem một phát biểu ngắn và cô đọng về các điểm này trong các đoạn viết của PPNLPĐ § 12). Các đặc điểm đã được tăng thêm này của tình cảm đã được tiếp tục mở rộng để làm Cổ sở cho cả triết học lý thuyết lẫn triết học thực hành: tình cảm mang lại Cổ sở cho cái trước trong sự dự báo về một sự hòa hợp giữa tính hợp quy luật của tự nhiên với giác tính của ta (PPNLPĐ, DN, §VI) và mang lại cho cái sau như summum bonum (Sự thiện-tối cao) của một cuộc sống thịnh đạt (ví dụ xem § 87). Trong PPNLPĐ, các lĩnh vực của năng lực phán đoán lý thuyết và năng lực phán đoán thực hành được cho là nảy sinh từ sự sắp xếp tiên nghiệm của tình cảm, tự nhiên, tính liên-chủ thể và năng lực phán đoán.
Chiều hướng của lập luận trong PPNLPĐ đã mang lại cho nó một địa vị khác thường trong sự nghiệp của Kant: đối với một số người, chiều hướng này đã biến nó thành giai đoạn cao trào của triết học phê phán, và đối với một số khác là một giai đoạn cuối thiếu thận trọng đối với triết học phê phán. Nguy Cổ của những phán đoán mâu thuẫn trên không chỉ nằm trong một sự khác biệt ý kiến về vị trí đúng đắn của tình cảm trong triết học của Kant, mà còn nằm ở vấn đề rộng hơn nhiều về mối quan hệ giữa sự tư biện triết học với những lĩnh vực của đời sống và hoạt động của con người vốn không tuân theo những khái niệm hình thức và có giới hạn của tính lý tính. Vấn đề tranh cãi về tình cảm nảy sinh trong hình thức nóng bỏng của câu hỏi về bản tính của triết học và mối quan hệ của nó với các lĩnh vực phi-triết học của kinh nghiệm. Việc giải quyết vấn đề này không bị hạn chế trong việc tiếp thu triết học Kant, mà hiển hiện rõ rệt xuyên suốt các văn bản của chính Kant.
Hoàng Phong Tuấn dịch