Sự kiện [Latinh: factum; Đức: Faktum, Tatsache; Anh: fact]
Xem thêm: Diễn dịch, Tự do,
Dù sử dụng cả Faktum gốc Latinh lẫn Tatsache của tiếng Đức như là những chữ tương đương với factum, phân từ quá khứ của fecere (làm) có nghĩa là “cái gì đã được làm”, nhưng trước sau Kant vẫn phân biệt hai thuật ngữ này. Ông dùng thuật ngữ Faktum trong PPLTTH để biểu thị rằng nó được dùng bằng cách loại suy với Tatsache. Tuy nhiên, tình hình lại trở nên phức tạp bởi việc ông sử dụng không nhất quán thuật ngữ Tatsache trong PPLTTT và PPNLPĐ. Faktum trong “sự kiện của lý tính” của PPLTTH được sử dụng bằng cách loại suy với nghĩa hẹp của Tatsache trong PPLTTT, trong khi đó trong PPNLPĐ, Tatsache được gán một ý nghĩa rộng hơn chứa đựng cả nghĩa lý thuyết và nghĩa thực hành của thuật ngữ.
Trong chương về sự diễn dịch của PPLTTT, Kant dịch quid facti hay, câu hỏi về cái gì đúng với sự thực (“Cái gì được làm?”), là “die Frage... die Tatsache angeht” [“câu hỏi... liên quan đến sự kiện”]. Câu hỏi về sự kiện nhắm đến sự sử dụng và nguồn gốc của một khái niệm chứ không phải nhắm đến tính hợp pháp của việc sử dụng nó (PPLTTT A 84/B 116). Ở đây sự kiện quy chiếu tới cái việc đơn thuần được mang lại của các khái niệm thường nghiệm cho phép ta sử dụng chúng - “gán cho chúng một ý nghĩa và nội dung do ta tự nghĩ ra” (sđd) - mà không cần đến sự diễn dịch nào để biện minh sự sử dụng ấy cả. Tính trực tiếp của sự kiện được sử dụng bằng loại suy trong PPLTTH để mô tả ý thức về quy luật luân lý, nhưng sự sử dụng này được nói rất rõ trong PPNLPĐ §91, ở đó Kant phân loại “các sự vật có thể nhận thức được” thành “những sự việc của tư kiến”, “những sự việc của sự kiện” (Tatsachen) và “những sự việc của lòng tin”. Nhưng khi không còn được mang lại một cách trực tiếp và không nghi vấn, các sự kiện là những đối tượng “trả lời cho những khái niệm có thể được chứng minh” bằng kinh nghiệm hoặc bằng lý tính thuần túy. Những đối tượng này bao gồm các thuộc tính của những đại lượng hình học, các sự vật có thể kiểm tra được bằng kinh nghiệm và cuối cùng, và ngoại lệ, một ý niệm của lý tính, cái ý niệm duy nhất có thể được chứng minh bằng kinh nghiệm. Đó là ý niệm về sự tự do, một ý niệm có tính chất sự kiện duy nhất mà “tính thực tại của nó, xét như tính thực tại của một loại tính nhân quả đặc thù” được kiểm chứng bằng cả “các quy luật thực hành của lý tính thuần túy” lẫn bằng “những hành vi diễn ra, tuân theo các quy luật ấy”.
Trong phần diễn dịch về sự tự do xét như là một sự kiện, Kant báo hiệu một sự thay đổi về chiến lược khi nói đến “sự kiện của lý tính” trong PPLTTH. Trong PPLTTH, Faktum là không thể kiểm chứng được; nó mô tả cái ý thức trực tiếp về quy luật cơ bản của lý tính thuần túy đang “áp đặt lên ta một cách vô-điều kiện như một “sự kiện của lý tính”, và “tự tuyên bố là nguồn khởi sinh quy luật” (tr. 31) Quy luật luân lý hay “sự kiện của lý tính thuần túy” là “sự chắc chắn hiển nhiên”, không dựa vào bất cứ căn cứ có thể kiểm chứng nào mà chỉ vì ta có “ý thức một cách tiên nghiệm” về nó. Nó giống với Tatsache trong PPLTTT ở chỗ nó không được gọi ra để trả lời cho bất cứ câu hỏi nào về quyền hạn hay quaestio quid juris (câu hỏi vê cái gì là đúng pháp luật), nhưng khác với Tatsache trong chừng mực nó có thể không bao giờ được gọi ra để làm việc đó; nó được “xác lập một cách vững chắc tự bản thân mình” (tr. 47, tr. 48). Vì thế Kant dùng thuật ngữ theo kiểu loại suy, và biểu thị rõ điều này khi nói rằng quy luật luân lý được mang lại “hầu như” (gleichsam) bằng một sự kiện. Không phải quy luật luân lý là một sự kiện, mà đúng hơn, tính trực tiếp của nó có thể được mô tả bằng sự loại suy với tính trực tiếp của một sự kiện. Tuy nhiên, trong PPNLPĐ, Kant lại từ bỏ luận cứ bằng sự loại suy này, và chuộng cách lập luận rằng sự tự do, cũng như bất cứ sự kiện nào khác, có thể được kiểm chứng bằng cả sự tự do lẫn kinh nghiệm.
Nguyễn Thị Thu Hà dịch