Đồng tính [Đức: Homogenität; Anh: homogeneity]
Xem thêm: Liên tục, Loài, Nguyên tắc điều hành,
Sự đồng tính, cùng với sự liên tục và sự dị biệt, là ba nguyên tắc điều hành “mà lý tính chuẩn bị miếng đất cho giác tính hoạt động” trong việc tạo nên kinh nghiệm một cách có hệ thống. Đây chính là một trong các “quy tắc có trước” của lý tính mà nếu thiếu nó thì giác tính không thể thực hiện chức năng được, vì Kant lập luận rằng: “Bởi vì, chúng ta có quan năng giác tính phải phục tùng tiền đề về những sự dị biệt trong tự nhiên, cũng giống như đã phục tùng những điều kiện rằng những đối tượng đều có sự đồng tính tự nơi chúng” (A 657/B 685). Trong khi nguyên tắc về sự dị biệt phát biểu rằng sự đa tạp được dị biệt hóa dưới “các giống thấp hơn”, thì nguyên tắc về sự đồng tính lại phát biểu rằng sự đa tạp là tương đồng dưới “các loài cao hơn”.
Hai nguyên tắc trên được hợp nhất thành nguyên tắc thứ ba căn bản hơn một cách rõ rệt là nguyên tắc về sự liên tục. Các nguyên tắc này cũng tương ứng với các quy luật siêu nghiệm vốn không phải là các đối tượng của kinh nghiệm, cũng không mở ngỏ cho sự diễn dịch, mà “xuất hiện trong vai trò các mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm có giá trị khách quan, tuy rằng bất định, có vai trò làm quy tắc cho kinh nghiệm khả hữu” (A 663/B 691). Quy luật của sự đồng tính “ngăn ngừa sự thái quá trong sự đa tạp của các loài nguyên thủy khác nhau, và ủng hộ sự đồng tính”, trong khi quy luật của sự dị biệt “hạn chế chính xu hướng muốn đi tới sự nhất trí này lại, và đòi hỏi sự phân biệt các nhánh trước khi người ta áp dụng khái niệm phổ biến vào những cá thể” (PPLTTT A 660/B 688). Cuối cùng, quy luật của sự liên tục hợp nhất cả hai quy luật trước, “bằng cách đề ra sự đồng tính ngay ở trong sự đa tạp tối đa thông qua bước chuyển theo cấp độ từ giống này sang giống khác” (sđd).
Như Huy dịch