Nhân văn (tính) [Đức: Humanität; Anh: humanity]
Xem thêm: Thông báo (sự, công việc), Văn hóa, Lịch sử, Mệnh lệnh, Nhân cách, Hợp quần (tính),
Tính nhân văn được định nghĩa trong PPNTPĐ §60, một mặt có nghĩa là tình cảm liên đới phổ biến, mặt khác là khả năng có thể thông báo một cách phổ biến về cái tự ngã thâm sâu nhất của mình; cả hai phẩm chất này kết hợp lại tạo nên tinh thần hợp quần (Geselligkeit) của loài người, phân biệt với tính hạn hẹp, co cụm của những thú vật cấp thấp. Trong TG, sự phân biệt giữa tính nhân văn và tính thú vật được duy trì, song được bổ sung bằng một sự phân biệt tiếp theo giữa tính nhân văn (humanity) và tính nhân cách (personality). Kant nhận diện ba tố chất nơi nhân loại: đầu tiên là “tố chất của tính thú vật trong con người, hiểu như là một sinh thể, thứ đến là tố chất của tính nhân văn trong con người, được coi vừa là hữu thể sống, vừa là hữu thể có lý tính, và cuối cùng là tố chất của tính nhân cách trong con người, hiểu như một hữu thể có lý tính, đồng thời như hữu thể có thể quy trách nhiệm” (TG tr. 26, tr. 21). Bởi vậy, tính nhân văn chiếm một vị trí trung gian giữa tính thú vật và một tính nhân cách chịu trách nhiệm, tự do và thuần túy lý tính.
Trong khi vẫn thuộc phạm vi sự phân biệt cơ bản giữa tính nhân văn và tính thú vật, ở cuốn SHHĐL, định nghĩa về tính nhân văn đã trở nên đầy đủ một cách đáng kể. Con người khác thú vật ở chỗ có năng lực tự đặt ra các mục đích cho bản thân, cũng như năng lực đào luyện cho việc này (ĐLPĐ tr. 392, tr. 195). Các xung lực nơi thú vật đều nhắm hướng tới sự tự bảo tồn, bảo tồn nòi giống, và bảo tồn năng lực hưởng thụ cuộc sống. Đối lập với những điều này, bổn phận của một cá nhân, theo Kant, là ở sự nhất quán của các châm ngôn hình thức của ý chí với phẩm giá của tính nhân văn (ĐLPĐ, tr. 420, tr. 216). Phẩm giá con người gắn liền chặt chẽ với ý tưởng về tính nhân văn, với nhân loại xét như những gì phải là - tức như những hữu thể có lý tính, tự do và đầy tiềm năng - chứ không phải xét như những gì đang là. Thật vậy, Kant cho rằng sự tự do hay “việc không phụ thuộc vào sự áp đặt đến từ chọn lựa của kẻ khác” là “quyền nguyên thủy duy nhất, nhờ vào tính nhân văn của mình, mà ai ai cũng sở hữu” (ĐLPĐ tr. 237, tr. 63).
Định nghĩa này về tính nhân văn thấm nhuần sâu sắc đạo đức học của Kant, được nêu bật nơi một trong những công thức của mệnh lệnh nhất quyết: “Hành động theo một cách mà ở đó, tính nhân văn, dù trong nhân cách của chính ta hay trong nhân cách của kẻ khác, luôn đồng thời được đối xử như là một mục đích, chứ không bao giờ như là phương tiện” (CSSĐ tr. 429, tr. 36).
Như Huy dịch