Siêu nghiệm (tính, cái)/Siêu nghiệm thể [Đức: transzendental; Anh: transcendental]
Xem thêm: Siêu việt,
Trong triết học trung cổ, những siêu nghiệm thể [Đức: Transzendentalien; Anh: transcendentals] biểu thị những thuộc tính của hữu thể vượt khỏi phạm vi phạm trù [extra-categorical] như: nhất tính, chân tính, thiện tính, mỹ tính (và, trong một số sự phân loại, vật tính và sự tính) [xem thêm: PPLTTT, Chương I, Phần 2A, tiết 3, mục §12, BVNS dịch và chú giải, NXB Văn học (2004), tr. 251]. Đối với triết học Kant, một dấu vết của cách dùng theo nghĩa này vẫn tồn tại trong việc Kant sử dụng thuật ngữ siêu nghiệm như một hình thức nhận thức, nhưng không phải về các đối tượng tự thân mà của những phương thức nhờ đó chúng ta có thể biết về các đối tượng đó, tức là những điều kiện của kinh nghiệm khả hữu. Vì thế, ông “gọi mọi nhận thức là siêu nghiệm, khi chúng không chỉ nghiên cứu các đối tượng mà nghiên cứu chung về phương cách nhận thức của ta về các đối tượng đó, trong chừng mực phương cách nhận thức ấy có thể có được một cách tiên nghiệm” (PPLTTT A 12, [BVNS, tr. 105 (B 25)]). Hệ thống các khái niệm cấu tạo nên tri thức tiên nghiệm có thể được gọi là triết học siêu nghiệm, vì thế phê phán lý tính thuần túy được mô tả một cách đa dạng như: một môn học dự bị, một bộ chuẩn tắc hay một kiến trúc học [của lý tính thuần túy]. Thuật ngữ siêu nghiệm còn được sử dụng khắp nơi để định tính chất cho các danh từ như: logic học, cảm năng học, sự thống nhất của thông giác, các quan năng, ảo tưởng; trong mỗi trường hợp, nó báo hiệu rằng danh từ mà nó định tính chất sẽ được xem xét trong quan hệ với các điều kiện của khả thể.
Nghĩa chính xác của thuật ngữ siêu nghiệm thay đổi trong suốt quyển PPLTTT, nhưng những thông số ngữ nghĩa của nó có thể được chỉ rõ ra bằng cách cho thấy những cách thức trong đó Kant phân biệt nó với những cái đối lập của nó. Cái siêu nghiệm được phân biệt với cái thường nghiệm, và được liên kết với cái tiên nghiệm, trong chừng mực cái tiên nghiệm bao hàm một sự quy chiếu đến phương cách nhận thức; nó “chỉ ra nhận thức đó khi liên quan đến khả thể tiên nghiệm của nhận thức, hay sự sử dụng tiên nghiệm của nhận thức đó” (PPLTTT A 56/B 86). Như thế, sự phân biệt siêu nghiệm và thường nghiệm bao hàm sự siêu-phê phán về nhận thức và về các nguồn gốc tiên nghiệm của nó. Kant xem việc nghiên cứu tâm lý học về nhận thức như một nhánh của nhận thức thường nghiệm, và vì thế ông lại phân biệt nó với nhận thức siêu nghiệm (A 801/B 829). Cái siêu nghiệm cũng được phân biệt với cái siêu hình học và cái logic. Chẳng hạn, một sự khảo sát [xem thêm: “Tôi hiểu “khảo sát” (Erörterung, expositio) là sự hình dung một cách minh bạch (dù chưa thật cặn kẽ) về những gì thuộc về một khái niệm...” (PPLTTT, BVNS, tr. 144) - ND] siêu hình học về không gian là một khảo sát trình bày những gì thuộc về khái niệm “không gian” như được mang lại một cách tiên nghiệm (A 23/B 38), trong khi một sự khảo sát siêu nghiệm lại giải thích khái niệm ấy “như một nguyên tắc từ đó có thể nhận ra được khả thể của nhận thức tổng hợp tiên nghiệm khác” (B 40). Một sự phân biệt siêu nghiệm giữa cái khả giác và cái khả niệm khác với một sự phân biệt logic học - tức nó phân biệt “hình thức của chúng hoặc là rõ ràng hoặc là lẫn lộn” - ở chỗ nó bàn về “nguồn gốc và nội dung” (A 44/B 62). Sau cùng, Kant phân biệt giữa siêu nghiệm và siêu việt (transcendent), bằng cách đối chiếu các nguyên tắc siêu việt, tức các nguyên tắc “khuyến khích ta kéo đổ hết các cột mốc ranh giới ấy để vưon đến mảnh đất hoàn toàn mới mẻ, không thừa nhận một đường giới tuyến nào”, với một “sự lạm dụng siêu nghiệm đối với các phạm trù, tức mở rộng sự áp dụng của chúng vượt khỏi những giới hạn của kinh nghiệm khả hữu, và “điều này chỉ đon thuần là một sai lầm của quan năng phán đoán” (A 296/B 352).
Hoàng Phú Phương dịch