Động cơ [Đức: Triebfeder; Anh: incentive]
Xem thêm: Mệnh lệnh nhất quyết, Xung lực, Mệnh lệnh, Động lực, Triết học thực hành, Phương diện, Ý chí,
Trong quyển CSPĐ, Kant phân biệt giữa động cơ như là một “cơ sở chủ quan của sự ham muốn” và động lực (motive) như là một “cơ sở khách quan của ý muốn” (tr. 427, tr. 35). Cả hai mang lại những mục đích cho việc quy định ý chí: động cơ mang lại mục đích chủ quan và động lực mang lại mục đích khách quan. Những nguyên tắc thực hành dựa trên mục đích chủ quan và động cơ thì có tính “chất liệu” và liên quan đến một chủ thể cá biệt, chỉ có thể mang lại cơ sở cho những mệnh lệnh giả thiết. Ngược lại, những nguyên tắc thực hành nào được thoát khỏi những mục đích chủ quan thì có tính mô thức, và có thể phổ quát hóa một cách tiềm năng cho tất cả mọi chủ thể có lý tính, có năng lực giữ vai trò của một mệnh lệnh nhất quyết.
Mặc dù không xem động cơ là nguồn cung cấp những cơ sở cho hành động luân lý đích thực (chúng chỉ đáp ứng cho quy tắc của tài khéo và sự khôn ngoan), Kant làm cuộc khảo sát khái niệm động cơ luân lý trong PPLTTH ở Chương III. Tại đây Kant định nghĩa động cơ một cách nhất quán với quyển CSPĐ như là một “cơ sở quy định chủ quan của một ý chí mà lý tính của nó - do bản tính tự nhiên của chính mình - không nhất thiết phải phù hợp với quy luật khách quan (tr. 72, tr. 74), và thừa nhận rằng điều này làm nảy sinh “một vấn đề không thể giải quyết được đối với lý tính con người” là “làm thế nào một quy luật tự nó có thể là một cơ sở quy định trực tiếp cho ý chí”. Thay vì tìm kiếm một câu trả lời theo kiểu một động cơ phù hợp với một quy luật luân lý, Kant đặt câu hỏi quy luật luân lý “tác động (hay đúng hơn phải tác động) như thế nào trong tâm thức, trong chừng mực nó là một động cơ” (tr. 72, tr. 75). Câu trả lời là “sự tôn kính quy luật”, không phải như là một động cơ cho luân lý mà như là “bản thân luân lý, được xét một cách chủ quan như là một động cơ”. Sự tôn kính quy luật luân lý bác bỏ “những yêu sách trái ngược của lòng yêu chính mình”, và, với tư cách là “tình cảm luân lý”, lòng tôn kính là “một động cơ làm cho bản thân quy luật này trở thành một châm ngôn” (tr. 76, tr. 78-9).
Mai Thị Thùy Chang dịch