Sở đắc/Thủ đắc (sự) [Đức: Erwerbung; Anh: acquisition]
Xem thêm: Diễn dịch, Ý niệm bẩm sinh, Đặt câu hỏi về mặt hợp pháp [Quaestio quid juris], Đặc tính, Quyền,
Thuật ngữ này, được phiên dịch từ luật tư pháp La mã, đã trải qua một sự biến hình đặc biệt trong triết học của Kant. Kant đã biến sự bàn luận trên phương diện pháp lý về những cách thức có thể sở đắc được các quyền trên các sự vật và trên những con người - được bàn trong tiết “Quyên tư pháp” của SHHĐL (đặc biệt là §10) - thành một khung cơ cấu để phân tích sự sở đắc và sự biện minh các khái niệm lý thuyết và thực hành. Triết học phê phán đóng vai trò như một “phiên tòa” phê phán “để vừa bảo vệ những yêu sách chính đáng, đồng thời bác bỏ mọi đòi hỏi không có cơ sở” (PPLTTT A 12), tức một phiên tòa sẽ xác lập một “sự kết toán tất cả tài sản mà ta có được nhờ lý tính thuần túy” (A 20).
Trong LA, Kant phân biệt quan niệm của ông về sự sở đắc các khái niệm với quan niệm của truyền thống duy nghiệm, khi nói rằng “không nghi ngờ gì là mỗi một khái niệm sở đắc được, thực tế, không phải bằng sự trừu tượng hóa khỏi tiến trình cảm giác về các đối tượng (vì cảm giác đem lại chất liệu chứ không phải mô thức của nhận thức con người), nhưng bằng chính hành động của tâm thức, là cái phối kết những gì được nó cảm giác, và làm việc ấy theo đúng các quy luật thường hằng” (LA §15). Đoạn văn này tập trung đồng đều vào những nguồn gốc của các khái niệm qua hoạt động phối kết của tâm thức cũng như vào sự biện minh cho việc sở hữu chúng dựa theo “các quy luật thường hằng”. Trong “Diễn dịch siêu nghiệm” của PPLTTT, nhìn chung, chính lối tiếp cận sau - tức biện minh cho sự sở hữu các khái niệm - chiếm ưu thế dưới lớp vỏ của sự diễn dịch các khái niệm thuần túy của giác tính.
Trong PPLTTT, Kant nói đến sự phân biệt về mặt pháp lý giữa câu hỏi về quyền (quid juris) và câu hỏi về sự kiện (quid facti). Phát biểu về “yêu sách hợp pháp” cho việc sở hữu một khái niệm - tức sự diễn dịch nó - đã bị làm cho phức tạp bởi “lệnh tòa án” của triết học phê phán chống lại bất kì sự viện dẫn nào đến kinh nghiệm hoặc đến lý tính. Không thể có bất kì sự viện dẫn nào đến những nguồn gốc của một khái niệm, hay nói khác đi, đến phương cách căn nguyên của nó - chính đáng hoặc không - về sự sở đắc. Tuy nhiên, đối mặt với những phê phán liên quan đến nguồn gốc của các khái niệm, từ thập niên 1790 Kant đã dung nạp việc nghiên cứu về sự sở đắc các khái niệm vào sự diễn dịch hay sự biện minh cho chúng.
Điều này là rõ ràng nhất trong PH, trong đó Kant đã phủ nhận những ý niệm bẩm sinh hay những ý niệm được “gieo cấy” từ thần linh để ủng hộ cho việc xem mọi biểu tượng như là được sở đắc. Những biểu tượng này gồm các mô thức của trực quan và các phạm trù thuần túy của giác tính, tức những biểu tượng được sở đắc trong một hành vi của “sự sở đắc có tính căn nguyên (giống như cách phát biểu của các chuyên gia về pháp quyền tự nhiên)... của cái gì trước đây không tồn tại, và vì thế không thuộc về bất kì cái gì trước khi có hành vi ấy” (PH, tr. 221, 135). Hành vi sở đắc có tính căn nguyên này, cái phân biệt quan niệm của Kant về những nguồn gốc của các khái niệm với các nghiên cứu duy nghiệm và duy lý, đặt cơ sở cho hành vi sở đắc dựa trên “một nền tảng bên trong chủ thể vốn làm cho hành vi ấy có thể có để những biểu tượng ấy hình thành trong nó mà không theo cách thức nào khác”. Ông chỉ rõ nền tảng này bằng cách phân biệt các hình thức sở đắc: các trực quan là những sở đắc có tính căn nguyên mà nền tảng của chúng là tính thụ nhận; trong khi các khái niệm của giác tính là các sở đắc có tính căn nguyên mà nền tảng của chúng là “tính tự khởi của tư duy (phù hợp với tính thống nhất [nhất thể] của thông giác)” (PH, tr. 233, 136). Tuy nhiên, các khái niệm đặc thù lại là “những sở đắc được phái sinh” và tiền giả định hai sự sở đắc có tính căn nguyên nói trên.
Kant chủ tâm khai thác “sự tương đồng giữa mối quan hệ pháp lý của các hoạt động của con người và mối quan hệ cơ giới của các lực đang vận động” (SL §58), và nếu nói theo từ ngữ của Schopenhauer thì Kant sử dụng “những thuật ngữ pháp lý bằng tiếng Latinh để diễn giải những rung động ẩn mật nhất của trái tim người” (1841, tr. 105). Đối với Nietzsche, điều này đại diện cho một sự phóng chiếu nhân hình học những mối quan hệ pháp lý của con người lên tự nhiên. Triệt để hơn, Rose đã lập luận rằng việc đóng khung tự nhiên và hành động con người dựa theo luật La mã của Kant đánh dấu “sự hòa trộn cái “dominium” La mã (tức “sở hữu tuyệt đối”) với những quyền chủ thể hiện đại” trong một quan niệm có tính cưỡng đoạt về tự do (Rose, 1984, Chương 1).
Hoàng Phú Phương dịch