Giác tính [Hy Lạp: dianoia; Latinh: intellectio; Đức: Verstand; Anh: understanding]
Xem thêm: Nước đôi (tính), Phân tích pháp, Khái niệm phản tư (các), Quan năng, Hữu hạn (tính), Trực quan, Logic học, Lý tính, Quy tắc (các), Cảm năng, Tự khởi (tính), Bảng các phạm trù/cácphán đoán,
Lịch sử của giác tính chủ yếu được xác định bởi các vấn đề trong việc xác lập mối quan hệ giữa những tác vụ của giác tính hay tư duy nói chung, với quan năng của tâm thức là quan năng chịu trách nhiệm cho những tác vụ này. Những tranh cãi ở thời kỳ đầu xoay quanh bản tính của quan năng giác tính làm động cơ cho một trong những tranh biện nổi tiếng nhất của Aquinas: vê tính thống nhất của giác tính chống lại những người phái Averroist (Aquinas, 1968) và kéo dài đằng đẵng suốt cả nền triết học trung đại trong lớp vỏ là vai trò của sự thần minh (divine illumination) trong những tác vụ của giác tính và sự đóng góp của những giác quan và trí tưởng tượng cho sự nhận thức. Trong Những suy niệm siêu hình học, Descartes gán cho quan năng của giác tính một vai trò lớn hơn trong việc tạo ra nhận thức, đặt sự đóng góp của nó lên trên sự đóng góp của trí tưởng tượng và các giác quan. Khi trả lời cho những chống đối, ông phân biệt một cách rõ ràng giữa những tác vụ của giác tính hay “intellection” và “giác tính như là quan năng” và do đó, đã nhận diện một cách rõ ràng mối quan hệ phức tạp giữa sự cấu tạo của quan năng với những tác vụ của giác tính mà quan năng ấy thực hiện.
Sự tranh luận về bản tính của giác tính và mối quan hệ của nó với những tác vụ của giác tính tạo ra một bước ngoặt thú vị trong sự đối đầu của Leibniz với lý thuyết của Locke về giác tính con người trong Những luận văn mới vê giác tính con người (1765). Trong Luận văn về giác tính con người (1690), Locke mô tả giác tính như là “không khác lắm một cái buồng kín hoàn toàn cách ly khỏi ánh sáng, chỉ được chừa một vài khe hở, để đưa vào những nét giống nhau có thể thấy được bên ngoài, hay những ý niệm về các sự vật bên ngoài” (tr. 76). Leibniz đáp rằng để nói lên đặc điểm của công việc của giác tính một cách đầy đủ, thì Locke ắt hẳn phải trang bị cho căn buồng của mình một tấm màn che, và tấm màn che ấy ắt sẽ không thuần nhất nhưng được căng ra, “được đa dạng hóa bởi những nếp gấp (folds) đại diện những mục của nhận thức bẩm sinh”; và sẽ hưởng ứng những ấn tượng giống như dây đàn trong một nhạc cụ (Leibniz, 1765, tr. 144). Sự đặc trưng hóa cực kỳ phức tạp về thao tác của giác tính con người không được những người theo trường phái triết học Wolff của Leibniz thừa nhận, mặc dù cũng giống như cả Leibniz lẫn Locke, những người phái Wolff xem giác tính như là “năng lực hình dung những sự vật khả hữu” (Meissner, 1737, mục từ “Verstand/Giác tính”); tức là, như một năng lực hình dung vốn gồm cả cảm năng và trí tưởng tượng” nhưng chỉ thao tác thông qua các khái niệm, các phán đoán và các suy luận.
Những dấu vết của quan niệm Wolff về giác tính như là năng lực hình dung nói chung vẫn tồn tại dai dẳng trong Kant, cho dù ông quan tâm đến việc tách giác tính xét như là quan năng ra khỏi cả cảm năng lẫn lý tính. Theo ông, ta có thể “quy mọi hành vi của giác tính vào những phán đoán” và do đó có thể hình dung giác tính như là một “quan năng phán đoán” (PPLTTT 69/B 94). Ông hiểu phán đoán là “nhận thức gián tiếp [trung giới] về một đối tượng, do vậy, là biểu tượng của một biểu tượng về đối tượng” (A 68/B 93), dù biểu tượng này là một trực quan hay một khái niệm. Mọi phán đoán, theo đó, là “những chức năng mang lại sự thống nhất cho những biểu tượng của ta”, cho nên giác tính có thể được xác định rõ hon như là một quan năng cho việc thống nhất những biểu tượng. Do đó, từ những tác vụ của giác tính - những phán đoán - Kant đi đến “sự phân tích về bản thân quan năng giác tính”, qua đó ông “nghiên cứu khả thể của các khái niệm tiên nghiệm” (A 65/B 90). “Manh mối” của ông trong việc tìm kiếm những khái niệm Cổ bản này của giác tính - những hình thức thống nhất Cổ bản của nó - là bảng các phán đoán gồm bốn nhóm: lượng, chất, tưong quan và tình thái của những phán đoán.
Để nêu bật đặc trưng làm thế nào giác tính có thể tạo ra những khái niệm thuần túy của chính nó, Kant phải phân biệt nó với hai quan năng khác là cảm năng và lý tính. Việc làm này dẫn tới điều mà bản thân ông thừa nhận là những định nghĩa “theo nhiều cách khác nhau” về giác tính. Giác tính được định nghĩa như là “một sự tự khởi của nhận thức (trong sự phân biệt với tính thụ nhận của cảm năng)” (PPLTTT A 126), bởi lẽ những khái niệm của nó là những thể cách của sự thống nhất siêu nghiệm của thông giác, mang tính chất nguyên thủy và tự khởi. Nó cũng được mô tả như là một “quan năng để suy tưởng”, “một quan năng của những khái niệm”, ở chỗ nó gồm những phạm trù qua đó nó mang lại “quy luật của sự thống nhất tổng hợp mọi hiện tượng” (A 128), một quan năng của phán đoán, và “quan năng của những quy tắc”. Dưới lớp vỏ của cái sau, giác tính “bao giờ cũng tập trung vào công việc soi xét những hiện tượng với mục đích phát hiện nổi chúng một quy tắc nào đó” (A 126). Tuy nhiên, những quy tắc này “thoát thai một cách tiên nghiệm từ bản thân giác tính”, vì nó cũng được xác định đặc điểm như là “sự ban bố quy luật (Gesetzgebung) cho Tự nhiên” (sđd.ỵ Một trong những cách đọc về sự mô tả này của Kant về giác tính có vẻ khiến ta hiểu rằng giác tính được cảm năng cung cấp những chất liệu của kinh nghiệm, rồi sau đó chỉ có việc thâu gồm chúng vào dưới một quy tắc. Nhưng cách hiểu này không thể hiện được đầy đủ phẩm cách mà ông dành cho giác tính như là “sự ban bố quy luật cho Tự nhiên”, vì nó cũng có thể “buộc những hiện tượng phục tùng quy luật, và vì thế làm cho kinh nghiệm có thể có được” (A 126).
Mối quan hệ mà Kant xác lập giữa giác tính và cảm năng là cực kỳ rối rắm và phức tạp, và đó là việc mang những trực quan và những khái niệm dị tính lại với nhau. Cả trực quan lẫn khái niệm đều là những biểu tượng, nhưng cái trước khởi sinh trong tính thụ nhận của cảm năng của con người, cái sau khởi sinh trong tính tự khởi của giác tính. Những trực quan và những khái niệm phải được thích ứng với nhau theo một cách tôn trọng tính dị tính hay dị loại của chúng, nhưng lại cho phép sự tổng hợp của chúng được thực hiện hoàn tất. Kant đánh bạo mô tả sự tổng hợp ấy được hoàn tất trong thuyết niệm thức (schematism) và trong các nguyên tắc. Quan hệ của giác tính với lý tính được đặc trưng hóa theo một cách trực diện hon. Giác tính đảm bảo “sự thống nhất cho những hiện tượng nhờ các quy tắc” trong khi lý tính theo đuổi “sự thống nhất cho những quy luật của giác tính dưới các nguyên tắc” (PPLTTT A 302/B 359). Trong khi giác tính được giới hạn vào phạm vi của kinh nghiệm khả hữu, thì lý tính “bao giờ cũng chỉ liên quan đến cái toàn thể tuyệt đối trong sự tổng hợp những điều kiện” (A 326/B 382); điều này đã dẫn lý tính đến việc đẩy những khái niệm của giác tính vượt khỏi những giới hạn hợp thức của chúng và làm sản sinh những suy luận sai lầm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong “Biện chứng pháp siêu nghiệm” của PPLTTT.
Giác tính đã là một chủ đề gây tranh cãi đối với triết học phê phán. “Những siêu-phê phán” thời kỳ đầu, như của Hamann (1967) và Herder (1953) chống lại sự tách rời giữa giác tính và cảm năng, trong khi những phê phán sau này như Fichte (1794) và Hegel (1807, 1812) đã phê phán sự tách rời giữa giác tính và lý tính. Những thế hệ các nhà phê phán sau này, trước hết là Nietzsche và các nhà Kant mới cuối thế kỷ XIX, kháng cự lại khuynh hướng của Kant muốn làm biến đổi sự bàn thảo về những tác vụ của giác tính thành sự giải phẫu quan năng của giác tính. Trào lưu phê phán này, nổi lên với những lối đọc phản-duy tâm lý về triết học Kant, vẫn còn ảnh hưởng rất lớn suốt thế kỷ XX, và được thấy rất rõ khi ta đọc The Bounds of Sense [Những ranh giới của giác quan] (1961) của Strawson.
Đinh Hồng Phúc dịch