Loài [Hy Lạp: genos; Latinh: genus; Đức: Gattung; Anh: genus]
Xem thêm: Liên tục (sự, tính), Định nghĩa, Xác định/Quy định, Bản chất, Đồng tính (sự),
Một loài là một “kiểu” hay “loại” và thường được dùng chung với thuật ngữ “giống” (species). Nguyên được khai triển bởi người Hy Lạp, ý niệm về loài có cả ý nghĩa bản thể học lẫn ý nghĩa logic học. Ở Platon, chữ “loài” thường được sử dụng đồng nghĩa với chữ “ý niệm”, và trong đối thoại Sophist [Nhà biện sĩ] sự phân chia các ý niệm căn cứ theo loài được gọi là “biện chứng” (Platon, 1961, Sophist, 253b). Ở Aristoteles, ý nghĩa bản thể học của loài bị hạ thấp để nhấn mạnh những thuộc tính logic của nó trong việc vị ngữ hóa. Ở đây, loài được dị biệt hóa, hay được xác định, thành những giống bằng một sự khác biệt đặc thù, sự khác biệt này vốn nối khớp một cách nội tại với loài. Trong khuôn khổ vị từ, Aristoteles đã trình bày các phạm trù như là những loài cơ bản của tồn tại mà bản thân chúng không thể nào được rút ra từ những loài cao hơn. Các khả thể bản thể học của quan niệm này đã được các nhà siêu hình học phái Platon-mới như Plotinus phát triển thành một quan niệm lưu xuất luận (emanationalist) có tính thứ bậc về sự thông dự của các ý niệm và các tồn tại cá thể. Quan niệm này đã ảnh hưởng to lớn đến triết học trung đại, triết học này, nói rộng ra, đã mập mờ nước đôi giữa nghĩa bản thể học và nghĩa logic học của [khái niệm] loài. Chẳng hạn, Aquinas nhận diện bốn nghĩa của từ loài: thứ nhất, nghĩa của nguyên tắc sản sinh ra các giống; thứ hai, arche [căn nguyên] hay khởi lực hay nguyên nhân đầu tiên; thứ ba, “chủ thể’ làm Cổ sở cho các tùy thể thuộc về các giống khác nhau; và thứ tư, nghĩa được phát biểu lần đầu tiên trong một định nghĩa và những sự khác biệt đặc thù của loài là những tính chất (chẳng hạn: loài = động vật; sự khác biệt đặc thù = có lý tính/không có lý tính; định nghĩa = “động vật có lý tính”, tức là “con người”).
Sự bàn luận minh nhiên của Kant về loài và giống là rất hạn chế, được giới hạn trong L và PPLTTT; tuy nhiên, Sổ đồ này lại được giả định một cách mặc nhiên xuyên suốt triết học của ông. Trong L, Kant mô tả các khái niệm bằng loài và giống, và chỉ ra “sự phụ thuộc của các khái niệm” hay thuộc tính của chúng bao gồm cả loài lẫn giống: “Một khái niệm chung [conceptus communis] được gọi là loài đối với các khái niệm được chứa đựng dưới nó, [tuy vậy] còn được gọi là giống đối với các khái niệm mà bản thân nó được chứa đựng” (L tr. 191). Sự tiếp cận này đối với sự nối khớp của những khái niệm bằng loài và giống được tiếp tục khai triển trong những sự phản tư của Kant về sự hoàn chỉnh có tính hệ thống của tri thức trong PPLTTT. Đó là một điều kiện cho sự sử dụng lý tính khi các cá thể khác nhau có thể được tập hợp vào dưới các giống, và các giống vào dưới các loài. Điều này làm nảy sinh ba nguyên tắc điều hành của lý tính: sự đồng tính, sự dị biệt và sự liên tục. Thứ nhất là nguyên tắc sản sinh, thứ hai là nguyên tắc dị biệt hóa, và thứ ba là nguyên tắc cho phép đi từ sự đồng tính của loài đến sự dị biệt hóa của các giống (PPLTTT A 658/B 686).
Xuyên suốt công trình của mình, các nghiên cứu của Kant về năng lực phán đoán lý thuyết, thực hành và thẩm mỹ được diễn đạt bằng sự thâu gồm vào dưới các loài phổ quát dù đó là các phạm trù, các quy luật hay các quy tắc và sự hạ thấp của các sự khác biệt về giống trong những trường hợp, những ví dụ và những trường hợp đặc thù. Phần lớn những vấn đề thú vị nhất nảy sinh trong công trình của ông có thể được truy ngược đến những khó khăn do sơ đồ này gây ra, những khó khăn này có một phả hệ triết học lâu đời. Sơ đồ này [loài/giống] cũng thấm nhuần sự bàn luận của ông về sự phân loại động vật - và cả sự phân loại con người thành các chủng riêng biệt.
Nguyễn Thị Thu Hà dịch