Công bằng/Công lý/Pháp quyền [Đức: Recht; Anh: justice]
Xem thêm: Hôn nhân, Sở hữu, Quyền sở hữu, Hình phạt, Quyền, Xã hội, Nhà nước,
Những bàn luận của Kant về pháp quyền trong SHHĐL có thể được phân chia thành dân luật và hình luật: dân luật liên quan đến những mối quan hệ của những cá nhân với nhau; hình luật liên quan đến những mối quan hệ giữa những cá nhân và luật hình sự công cộng. Ông trình bày ba hình thức của luật dân sự, tức luật phòng vệ, luật giao dịch và luật phân phối, xem hai cái đầu bao gồm tư pháp, cái thứ ba bao gồm công pháp. Ông còn xếp luật giao dịch và luật phân phối vào dưới quyền tự nhiên, hay còn gọi là quyền không theo luật định mà mọi người có lý tính đều có thể nhận biết một cách tiên nghiệm; như thế, quyền tự nhiên “không chỉ bao gồm công lý giữa các nhân thân với nhau (iustitia commutative) mà cả công lý phân phối nữa (iustitia distributive)” (SHHĐL, tr. 297, tr. 113). Hai hình thức đầu của công lý hiện diện trong trạng thái tự nhiên, nhưng hình thức thứ ba chỉ có thể có trong “điều kiện dân sự” với sự hiện hữu của một tòa án để thực thi công lý phân phối.
Sự phân biệt giữa công lý giao dịch và công lý phân phối được Kant minh họa rất hay qua ví dụ về việc mua một con ngựa. Một quyền được xác lập “theo đúng những thủ tục của hành vi trao đổi (commutatio) giữa chủ sở hữu sự vật và người đang [muốn] thủ đắc nó” (SHHĐL, tr.301, 116). Nhưng đây chỉ là một quyền giữa những nhân thân (ius ad personam), chứ không phải một quyền đối với một sự vật (irus ad rem). Do đó, những chủ sở hữu với những quyền nhân thân ưu tiên dựa theo công lý giao dịch có thể lấn lướt và đứng ra tuyên bố một quyền lợi. Điều này dẫn đến tình huống trong đó “không có sự giao dịch nào về những sự vật bên ngoài, cho dù nó có thể nhất trí với những điều kiện hình thức của loại công bằng này (iustitia commutativa) như thế nào đi nữa, có thể bảo đảm một sự thủ đắc chắc chắn” (SHHĐL, tr. 302, 117). Trong khi sự thủ đắc không thể được đảm bảo trong một trạng thái tự nhiên, có thể dẫn đến sự không-công bằng, thì bên trong trạng thái dân sự, nó có thể được đảm bảo trước một tòa án bằng sự công bằng phân phối. Điều này đạt đến được bằng việc tòa án biến đổi một quyền nhân thân thành một quyền hiện thực: “Cái gì tự thân là một quyền dựa vào một nhân thân, khi được mang ra trước một tòa án, sẽ được xem như một quyền đối với một sự vật” (SHHĐL, tr. 303, 118). Bằng cách này, công bằng phân phối được sử dụng để đảm bảo những yêu sách của công bằng giao dịch đối với sự sở hữu và sự trao đổi.
Quan niệm của Kant về pháp quyền hình sự là sự đáp trả kiên quyết có tính trừng phạt, dựa trên ius talionis [luật đáp trả] hay một “nguyên tắc” tiên nghiệm “về sự bình đẳng” qua đó tòa án áp dụng một hình phạt cho người phạm tội ngang bằng với sự phạm tội của họ. Chẳng hạn, kẻ trộm có thể bị trừng phạt bằng tình trạng khổ sai tạm thời hoặc vĩnh viễn; những kẻ giết người và những tòng phạm của chúng phải chịu hình phạt tử hình, ở đây Kant phản bác thẳng thừng những ý tưởng của Cesare Beccaria (1783-1794) (xem Beccaria, 1764); và Kant cho rằng những kẻ hãm hiếp và những kẻ đồng bóng phải bị hoạn. Ông cũng không khoan nhượng trước logic có tính đáp trả này trong những trường hợp như giết trẻ Sổ sinh của người mẹ đối với một đứa trẻ bất hợp pháp: việc sinh ngoài giá thú đặt đứa trẻ “bên ngoài sự bảo vệ của pháp luật” và vì thế luật pháp sẽ “làm ngổ” trước “sự tiêu diệt một đứa trẻ như thê” (SHHĐL, tr. 337, tr. 145). “Tính nhân thân bẩm sinh” của con người đòi hỏi rằng không được đối xử với con người như “những sự vật” chỉ đưa đến việc là hình phạt chỉ dành cho tội ác, chứ không phải như một phưong tiện cho mục đích khác nào đó (chẳng hạn, khiến những người khác sợ không làm, hoặc phục hồi [nhân phẩm]). Nó không nói lên quyền trừng phạt của nhà nước, mà đảm bảo rằng hình phạt là có thể tiên liệu và không-thiên lệch. Mặc dù luận cứ về trừng phạt như là sự đáp trả của Kant đã được Hegel phát triển (1821), [nhưng] mãi đến gần đây nó vẫn bị che mờ bởi những nghiên cứu “ngoại trị” nhấn mạnh đến mục đích ngăn chặn và phục hồi [nhân phẩm] qua vai trò của hình phạt. Tuy nhiên, từ thập niên 1980, đã có sự quan tâm trở lại đối với những triết học về hình phạt như là sự đáp trả, nổi bật với phiên bản của Kant.
Kant kết thúc cuốn SHHĐL với một số suy nghĩ về công lý thần linh. Ông lập luận rằng công lý thần linh không được hiểu thông qua những sự tư ổng tự [loại suy] với công lý dân sự hay công lý trừng phạt. Công lý thần linh không thừa nhận những quyền và những bổn phận, nó cũng không có tính trừng phạt; những mối quan hệ như thế chỉ có thể được áp dụng cho những mối quan hệ giữa con người, chứ không phải đối với tính thần linh. Điều này đánh dấu một sự áp dụng thú vị sự ngăn cấm có tính phê phán nói chung về việc mở rộng những mối quan hệ dựa trên tính hữu hạn của con người vào những đối tượng tuyệt đối.
Hoàng Phú Phương dịch
Công lý [Đức: Recht; Anh: justice]
-> > Công bằng,