Tiền tệ [Đức: Geld; Anh: Money]
Hình mẫu của phương tiện điều hướng phi biểu trưng/non-symbolic steering medium, tức là tiền tệ được sử dụng trong các nền kinh tế hiện đại để hướng dẫn hành động của con người cá nhân, để duy trì sự toàn vẹn và ổn định của nền kinh tế như là một hệ thống con/sub-system trong xã hội, và xét xã hội như là một toàn bộ. Habermas cho rằng tiền tệ có nhiệm vụ tổ chức các xã hội và sự tương tác xã hội ‘theo chiều ngang’, trong chừng mực nó phục vụ cho việc tạo nên sự hội nhập của một xã hội (ngược lại với quyền lực/power, tổ chức xã hội ‘theo chiều dọc’ thành những tầng riêng rẽ).
Tiền tệ ràng buộc xã hội lại với nhau bằng cách tạo điều kiện cho sự trao đổi dễ dàng giữa người dân. Sự trao đổi có thể được xem như đã từng giữ vai trò quan trọng trong việc hợp nhất các xã hội bộ lạc quy mô nhỏ, trước lúc sử dụng tiền tệ. Trong các xã hội như thế, hoặc các lễ vật hoặc phụ nữ thường là các đối tượng trao đổi. Quà tặng ràng buộc hai nhóm với nhau thông qua nghĩa vụ đáp tặng, và sự trao đổi phụ nữ ràng buộc các dòng giống với nhau thông qua quan hệ hôn nhân (Habermas, 1987, tr. 161). Trong xã hội đương đại, tiền tệ vận hành theo một cơ chế hiệu quả hơn, nhất là ở chỗ nó có thể duy trì các hình thức phức hợp hơn nhiều trong việc tổ chức xã hội. Nó có những lợi thế nhờ khả năng định lượng chính xác, và như vậy cho phép mức tính toán chi ly và kiểm soát những hoạt động trao đổi cũng như những tương tác xã hội tiếp theo đó; tiền tệ có thể được tích luỹ và cất giữ, và như vậy có thể được sử dụng khi thích hợp nhất, tối đa hoá hiệu năng về tổ chức; và nó luân chuyển dễ dàng trong hệ thống xã hội, nhanh chóng đưa toàn bộ xã hội vào dưới sự điều hướng của nó. Như vậy, trong xã hội đương đại, gần như mọi hành động của chúng ta đều được những suy xét về tiền bạc dẫn hướng theo cách này hay cách khác, từ việc chúng ta chọn nền giáo dục, đào tạo và công việc cho đến sự chọn lựa người bạn đời, số con chúng ta nuôi dạy, và hệ thống giáo dục mà bọn trẻ nhận được.
Mối quan tâm của Habermas, được thể hiện trong nghiên cứu của ông về sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonisation of the lifeword, là uy thế thống trị này của tiền tệ (và quyền lực) đối với đời sống chúng ta bắt đầu làm xói mòn tự do của chúng ta. Điều này không chỉ vì thực tế là các hành động của chúng ta bị hạn chế ở cấp độ lớn hay ít nhất bị định hình bởi sự khả dụng của tiền tệ, mà còn bởi vì tiền là phi biểu trưng, do đó nó đặt sự tổ chức và kiểm soát các định chế then chốt nhất bên ngoài phạm vi tranh biện thông qua lý tính giao tiếp. Chẳng hạn, một công ty có thể bị thách thức nếu nó tạo ra khoản lợi nhuận không đủ (vì lợi nhuận có thể đo lường một cách chính xác theo giá tiền tệ và được dùng như là sự chỉ dẫn về tính hiệu quả của công ty đó). Nhưng nó biến thách thức thành một yếu tố định lượng thuần tuý. Đó là làm ra một lượng tiền không đủ. Hỏi rằng, liệu công ty hoàn toàn có cần làm ra tiền hay không (bởi vì, chẳng hạn, sản phẩm của nó là cực kỳ quan trọng đối với phúc lợi và nhu cầu của rất nhiều người cần được chính phủ trợ cấp và phân phối) có thể trở nên hầu như vô nghĩa. Nó đòi hỏi rằng mục đích, và thực tế chính là bản chất, của một công ty (và ngay cả cơ chế thị trường rộng lớn hơn mà nó là một bộ phận) bị lệ thuộc vào cuộc tranh biện hợp lý tính, và với Habermas, nó ắt phải dẫn đến một cuộc tranh biện trong đó mọi người, vốn bị các hoạt động của công ty gây tác động, đều có tiếng nói, và tiếng nói của họ sẽ phải được lắng nghe và tôn trọng. Những khó khăn của việc chỉnh sửa các quy tắc thương mại thế giới vốn đang đương đầu với Ngân hàng Thế giới và các quốc gia G8 đều có thể được xem, ít nhất phần nào, dựa vào ở chính vấn đề này.