Mô thức/Hình thức [Đức: Form; Anh: form]
Xem thêm: Nguyên mẫu, Đẹp, Phạm trù, Khái niệm phản tư, Hình thức [thuyết], Mô thức của trực quan [các], Ý niệm, Vật chất, Thuần túy,
Phân tích về “các mô thức của tư tưởng” được mô tả trong 1796a như là “lao động liên tục và một công việc cẩn trọng” (tr. 404, tr. 70) của triết học siêu hình học. Kant biện minh yêu sách này bằng một nghiên cứu lịch sử về vấn đề mô thức nơi Platon và Aristoteles, và ảnh hưởng của họ lên “giọng điệu mởi được cất lên gần đây trong triết học”. Kant phê phán việc Platon tìm kiếm nguồn gốc của các mô thức trong “sự hiểu biết thần thánh” hay “nền tảng sơ khởi của vạn vật” thay vì trong giác tính của chính chúng ta. Trong quan niệm của Kant, điều này dẫn đến một sự nhân đôi thế giới thành hai phương diện nguyên mẫu và bản sao, cho phép những người nhiệt tình với triết học và tôn giáo có thể yêu sách về nhận thức trực quan trực tiếp về “thế giới đúng thật” mà không cần trải qua sự vất vả của việc làm triết học. Aristoteles cũng bị lên án là đã vi phạm tương tự trong việc ông nỗ lực mở rộng các mô thức của nhận thức từ thế giới vật lý sang thế giới siêu hình học. Nhưng trên hết, đối với Kant, Platon phải là người chịu trách nhiệm về nhiệt tình triết học, mặc dù Kant không quy trách nhiệm cá nhân cho Platon (tr. 391, tr. 54). “Giọng điệu mởi được cất lên gần đây” mà Kant chỉ trích, đó là việc trực quan mô thức một cách thần bí, hoặc bác bỏ nó vì cho rằng đó “chỉ đơn thuần là giáo điều” hay “chế tạo ra mô thức” (tr. 404, tr. 70). Chống lại cả hai khuynh hướng này, Kant đề nghị một sự nghiên cứu có phê phán về mô thức xét như một đặc trưng thuần túy, tiên nghiệm của kinh nghiệm.
Trong PPNLPĐ, Kant chấp thuận trích dẫn công thức kinh viện forma dat esse rei (“mô thức mang lại bản chất của vạn vật”) rồi đưa ra một sự phản tư phê phán về công thức này. Nếu các sự vật đang được bàn đến là “các đỗi tượng của giác quan” thì các mô thức của các sự vật là “các mô thức của trực quan” đã được nhận diện trong PPLTTT là không gian và thời gian. Kant nói thêm rằng, toán học không gì khác hơn là học thuyết về các mô thức của trực quan thuần túy. Ngược lại, siêu hình học hay “triết học thuẫn túy” được đặt cơ sở trên “các mô thức của tư tưởng” mà mọi đối tượng hay “chất liệu của nhận thức” có thể được thâu gồm vào dưới chúng. Các hình thức hay mô thức này của giác tính (tức các phạm trù) là các điều kiện cho khả thể của nhận thức tổng hợp. Trong PPLTTT, Kant cũng bổ sung thêm rằng “các ý niệm của lý tính” là những mô thức của lý tính, nhưng trong PPNLPĐ Kant nhấn mạnh (không phải là không nhất quán) việc sử dụng có tính mô thức của lý tính chỉ được giới hạn vào các quy luật thực hành, trong đó không phải phưong diện chất liệu của một hành động - tức một mục đích được ham muốn - mà chỉ mô thức của nó mới có ý nghĩa luân lý. Điều này cốt yếu ở sự thích hợp của một châm ngôn để được biến thành một quy luật phổ quát. Đối với phần tóm tắt của Kant về tầm quan trọng của mô thức trong triết học lý thuyết và triết học thực hành trong PPNLPĐ, ta có thể thêm vào vai trò của nó trong triết học mỹ học của ông. Trong PPNLPĐ, chất của một phán đoán sở thích được thoát ly khỏi chất liệu của đối tượng nghệ thuật, và chỉ liên quan đến “hình thức của tính hợp mục đích” của nó mà thôi (§17).
Trong khi mô thức là khái niệm trung tâm của triết học phê phán, nó lại không thoát khỏi tính nước đôi. Điều này chủ yếu bắt nguồn từ việc Kant duy trì một sự phân biệt kiểu Platon giữa mô thức và chất liệu trong khi vẫn cố gắng vượt qua nó: có lúc, ông xem mô thức và chất liệu là không thể tách biệt nhau được, nhưng có khi lại không cho rằng chúng liên hệ với nhau trên mọi phưong diện. Vì vậy có lúc trong PPNLPĐ, Kant có thể tuyên bố rằng chất của một phán đoán sở thích cốt yếu ở tính hợp quy luật thuần túy về hình thức của nó, lúc khác lại cho rằng hình thức này chỉ có thể được phát hiện bằng cách đặt tưong phản nó với “sự hấp dẫn” hay chất liệu của phán đoán sở thích (§ 14). Quan trọng hon, trong [chưong] bàn thảo về các khái niệm phản tư trong PPLTTT, chất thể và mô thức cùng được cho là “cổ sở cho mọi sự phản tư khác”, trong đó chất liệu đóng vai trò như “cái có thể được quy định (das Bestimmbare) nói chung”, còn mô thức là “sự quy định của nó [cái quy định]” (A 266/B 322). Cả chất thể và mô thức được bện xoắn vào nhau, vì mô thức xét như sự quy định là vô nghĩa nếu không có một chất liệu được quy định. Hon nữa, sự đối lập giữa mô thức và chất liệu được trình bày một cách tưong tự trong những sự đối lập xuyên suốt các văn bản của Kant, như sự đối lập giữa hai bên: mô thức là thuần túy, chất liệu là không thuần túy; mô thức là mang tính phổ quát, chất liệu là mang tính đặc thù; mô thức là đồng nhất, chất liệu là khác biệt; và thậm chí mô thức là chủ thể, chất liệu là đối tượng.
Nếu mô thức có rất ít ý nghĩa bên ngoài sự đối lập của nó với chất liệu, thì vấn đề sẽ nảy sinh khi ta cố tách biệt các yếu tố mang tính mô thức với các yếu tố mang tính chất liệu. Những vấn đề này được bàn thảo chu đáo dưới rất nhiều lớp áo bởi Kant và những người kế thừa cũng như những nhà phê phán sau ông. Chúng có thể được quy khái quát thành hai loại vấn đề có liên quan với nhau: loại thứ nhất liên quan đến việc thâu gồm chất liệu bởi mô thức; loại thứ hai liên quan đến nguồn gốc của mô thức. Nếu mô thức không liên quan gì với chất liệu, nếu không có mối tưong quan giữa cái quy định và cái có thể được quy định, thì sẽ chẳng có hành động nhận thức hay luân lý nào cả: vì nhận thức là nhận thức về các hiện tượng có thể xác định, và những hành động luân lý là những hành động của một tồn tại hữu hạn nhất định. Khi đối diện với điều này, Kant phát triển một vài sự loại suy cực kỳ tinh tế cho sự thông dự kiểu Platon, như thuyết niệm thức và các nguyên lý trong PPLTTT và cái điển hình trong PPLTTH. Phân tích pháp về sự vui sướng trong PPNLPĐ cũng đánh dấu sự cố gắng liên kết hai mặt hình thức và chất liệu của sự vui sướng thẩm mỹ, mặc dù ở đây, thỉnh thoảng có vẻ như thể Kant từ bỏ sự đối lập kiểu Platon còn sót lại giữa mô thức và chất liệu để ủng hộ cho một khái niệm rộng hon về “tính cân đối”.
Khó khăn chính của lập luận mà Kant gặp phải trong những phần này là khó khăn trong việc giữ chất liệu ở đúng vị trí của nó, cho phép nó liên kết với mô thức bên ngoài mà không trở nên quá phụ thuộc. Vấn đề này bị làm phức tạp hon lên trong phân tích pháp của Kant khi nghiên cứu về nguồn gốc của mô thức. Kant không thừa nhận những lập luận của phái duy nghiệm cho rằng mô thức có thể được rút ra từ kinh nghiệm về chất liệu; Kant khẳng định rằng mô thức đi trước “bản thân những sự vật” (A 267/B 323) và ông khẳng định bằng cách giới hạn phạm vi của triết học phê phán vào phân tích pháp về các hiện tượng trong không gian và thời gian. Nhưng đồng thời, Kant cũng muốn tránh lập trường đối lập, tức lập trường cho rằng mô thức có nguồn gốc thuần lý; điều này đặt Kant vào một nguy Cổ xem xét mô thức trong các thuật ngữ của trường phái Leibniz hay Wolff như là một sự trực quan về sự hoàn hảo thuần lý, hoặc trong thuật ngữ của Malebranche như một món quà của Thượng đế. Kant cũng thận trọng với mọi phả hệ học tâm lý về mô thức, hoặc như một ý niệm bẩm sinh, hoặc như vấn đề của tình cảm. (Các) lập trường phức hợp nổi tiếng của chính Kant rút mô thức ra từ sự thống nhất siêu nghiệm của thông giác, như trong PPLTTT, hay từ sự giao tiếp giữa chủ thể và thế giới trong PPNLPĐ và các tác phẩm sau.
Những vấn đề xung quanh khái niệm về mô thức đã và đang gây ra rất nhiều bình luận phê phán. Với tư cách là một trong những vấn đề nền tảng của triết học, nó có thể sẽ được nhắc lại luôn mãi, và không chỉ giới hạn trong phạm vi sự phê phán của Kant. Điều không phủ nhận được là: Kant, dù vẫn nằm trong một lập trường kiểu Platon, đã tái xác định một cách căn bản các thuật ngữ của vấn đề này, xem nó như một vấn đề bắc cầu cho triết học lý thuyết, triết học thực hành và triết học mỹ học, và có xuất phát điểm không phải là lĩnh vực siêu cảm tính, mà là kinh nghiệm của con người như là chủ thể hữu hạn.
Mai Sơn dịch