NGỦ
[VI] NGỦ
[FR] Sommeil
[EN] Sleep
[VI] Giấc ngủ chiếm khoảng 1/3 thời gian trong cuộc sống, . Nhờ điện não đồ có thể theo dõi diễn biến của giấc ngủ: lúc thức xuất hiện những làn sóng nhanh, hiệu thế thấp (sóng alpha), lúc ngủ là những làn sóng chậm, biên độ rộng; hai nhịp sóng này xen kẽ nhau, cùng xảy ra là một số hiện tượng khác, như những vận động của con mắt. Những đặc điểm của điện não đồ kết hợp với một số hiện tượng khác cho phép phân biệt một thời ngủ sóng chậm (NSC) và một thời ngủ nghịch lý (NNL – sommeil paradoxal). Thời NSC gồm 4 kỳ: kỳ I với sóng alpha thất thường, kỳ II với xuất hiện hình thoi (fuseaux), kỳ II, sóng chậm, vài hình thoi, kỳ IV chỉ còn sóng chậm. Kỳ I là lúc thiu thiu, II là lúc ngủ chưa say, III, IV là ngủ say. Trong lúc ngủ, các cơ dãn mềm, nhịp thở và tim đều, con ngươi co thắt. Trong thời NNL, điện não đồ giống như trong kỳ I, lâu lâu có vài hình răng cưa; cơ bắp dãn mềm hoàn toàn, tim và thở theo nhịp nhanh, và nhất là xuất hiện những vận động nhanh ở mắt. Thời NNL là thời giấc mộng, nếu đánh thức, chủ thể cho biết là đang chiêm bao. Qua điện não đồ và vận động con mắt, biết được là đêm nào cũng có mộng. Và nếu hễ thấy mắt vận động, đánh thức ngay, không cho mộng tiếp diễn, giấc ngủ bị rối loạn. Một đêm ngủ diễn ra theo mấy pha: pha thiu thiu rồi ngủ say, khoảng 80120 phút sau khi thiu thiu, đến kỳ NNL chừng 15 phút ; đó là chu kỳ I. Tiếp theo chu kỳ II khoảng 90 phút, kết thúc với một thời NNL. Trong đêm có thể kế tiếp 4-5 chu kỳ. Trẻ em mới sinh ra ngủ khoảng 20 tiếng/ ngày, thời gian ngủ giảm dần; cần biế là nhịp ngủ, nhiều hay ít, đều hay không rất khác nhau từ em này sang em khác, không thể theo một quy luật chung, và cũng không nên ép theo một quy trình quá chặt chẽ. Ở trẻ em, trong năm đầu chưa xuất hiện sóng alpha ở điện não đồ, mà giấc ngủ gồm hai pha xen kẽ nhau, một pha ngủ yên lặng , một pha bất an. Đến cuối năm thứ nhất, điện não đồ dần dần giống như của người lớn. Đến 6 tuổi còn phải ngủ 10-12 giờ trong ngày – đêm. Mất ngủ, khó ngủ là một chứng rất thông thường, và do rất nhiều nguyên nhân gây ra; không thể đơn giản quy kết vào một nguyên nhân nào để có một cách chữa đồng nhất, phải tìm ra căn nguyên một cách chính xác. Rối loạn giấc ngủ là một triệu chứng của nhiều bệnh thực thể hay tâm căn.