Sự phủ định [Đức: Negation und Negativität; Anh: negation and negativity]
Tiếng Đức bản địa dành cho chữ “phủ định” là Verneinung, từ động từ verneinen (“trả lời “không” (nein) cho một câu hỏi, để phủ nhận hay nói ngược một khẳng định”). Từ trái nghĩa của nó là Bejahung (“sự khẳng định”), từ động từ bejahen (“trả lời “có” (ja) cho một câu hỏi, để đồng ý với một khẳng định”). Nhưng Hegel thường thích sử dụng chữ Negation hon, từ động từ La-tinh là negare (“phủ nhận”), cùng động từ là negieren (“phủ định”), tính từ negativ, danh từ tính từ (das) Negative (“cái” phủ định”), và danh từ Negativität (“sự phủ định, có tính phủ định, tiến trình phủ định”). Các chữ này tương phản với Realität, Affirmation và affimativ, và với Position (hiếm được sử dụng), positiv, và Positivität. (Positivitât thường, và positiv [mang tính thực định] trong nhiều trường hợp, không đối lập với Negativität và negativ, mà đối lập với “tính có lý/hợp lý” hay “tính tự nhiên”, và chỉ sự hiện hữu ngang nhiên trong thực tế của điều gì đó, chẳng hạn như một đạo LUẬT, hay một TÔN GIÁO, không xét đến tính hợp lý tính của nó), [do đó, được dịch là “thực định”].
Trong triết học ngoài Hegel, khái niệm về sự phủ định có nhiều cách sử dụng. Nó chủ yếu được áp dụng cho PHÁN ĐOÁN hay MỆNH ĐỂ phủ định: “Hoa hồng này không phải màu đỏ”. Mở rộng ra, nó áp dụng cho các khái niệm hay vị từ: “không phải đỏ” hay “không-đỏ”. Nó cũng được dùng trong toán học để chỉ những lượng phủ định/âm, - a, - 6, đối lập với (+) a, (+) 6. Sự phủ định cũng được gán cho sự vật: chẳng hạn, Kant xem bất kỳ vật nào, hay chất của một vật, là nằm trên một thang liên tục giữa Realität (“thực tại”) và Negation (“phủ định”), chẳng hạn, giữa màu đỏ đậm nhất đến màu hồng rồi nhạt dần thành không màu. (Kant sử dụng ý tưởng này để bác bỏ chứng minh của Mendelssohn về sự BÂT TỬ của LINH HỒN, theo đó, nhờ tính đơn tố của nó, linh hồn không có khả năng bị phá hủy bởi sự phân rã. Nhưng Kant trả lời, nó có thể mờ nhạt dần đến không còn gì. Trong truyền thống Leibniz-Wolff mà Kant mang ơn ở đây, bất kỳ thực thể HỮU HẠN nào cũng bao hàm sự phủ định, tức là, không chất nào của nó là thực tồn đến mức cao nhất; chỉ có Thượng Đế mới thực tồn hoàn toàn và không có bất cứ sự phủ định nào. Hegel tán thành học thuyết của Spinoza rằng mọi sự KHẮNG ĐỊNH đều là sự phủ định, nhưng ông bác bỏ quan niệm của Spinoza rằng THựC TẠI xét đến cùng là một BẢN THỂ hoàn toàn bất định, vì trừ phi bản thân bản thể bao hàm tính phủ định, nếu không, những sự phủ định cấu thành những thực thể nhất định chỉ có thể đến từ một trí tuệ mặc nhiên ở bên ngoài bản thể, hay cái TUYỆT ĐỐI. Các nhà huyền học chẳng hạn như Böhme cũng quy sự phủ định, giống như sự MÂU THUÂN, cho bản tính của các sự vật: “Mọi sự vật đều gồm Có và Không”.
Sự phủ định và tính phủ định là mang tính nền tảng đối với tư tưởng của Hegel, và sự diễn giải của ông về chúng là mới lạ trong một số khía cạnh:
1. Nếu một vật là sự phủ định của cái khác, thì sự phủ định cũng xác định như cái nó phủ định. Điều này vừa xung đột với quan niệm chung về sự phủ định có tính mệnh đề, vừa xung đột với học thuyết của Kant rằng sự phủ định của một thực tại “=0” (PPLTTT, A 167; B 209). Sự phủ định của một mệnh đề “Hoa hồng là màu đỏ”, có những câu là, “Hoa hồng không phải màu đỏ” (hay “không phải rằng hoa hồng là màu đỏ”) là xác định trong chừng mực nó khác với sự phủ định của “Nước thì nóng” (vậy nên không phải “=0”), nhưng nó ít xác định hon mệnh đề mà nó phủ định: nó để mở việc hoa hồng có màu gì, việc phải chăng hoa hồng có một màu nào đó, và thậm chí phải chăng có một bông hoa hồng hay là không. Theo nghiên cứu của Kant, một lần nữa, sự phủ định của màu đỏ là ít xác định hon thực tại của màu đỏ: là cái không có màu, nó không khác với sự phủ định màu xanh, hay thậm chí với sự phủ định vị ngọt. Tuy nhiên, Hegel đáp trả điều này như sau: cho dù cái gì đó là đỏ đậm hay đỏ nhạt, nó vẫn bao hàm sự phủ định, vì nó không phải là màu xanh lá cây hay màu xanh da trời, V.V., và nó chỉ nhờ vào chỗ không phải xanh lá cây, không phải xanh da trời, V.V., mà nó mới là màu đỏ. Do đó màu xanh lá cây, xanh da trời, V.V., phủ định hay hạn định màu đỏ, cũng như màu đỏ phủ định chúng.
2. Trong Lô-gíc học hai giá trị chuẩn (môn Lô-gíc học hình thức duy nhất được Hegel biết tới), nếu cái gì đó bị phủ định, và sự phủ định đến lượt nó lại bị phủ định, ta sẽ quay trở lại điểm xuất phát: “không có trường hợp rằng không có trường hợp hoa hồng là màu đỏ” sẽ dẫn đến “Hoa hồng là màu đỏ”. Đối với Hegel, sự phủ định của phủ định dẫn đến kết quả khẳng định, nhưng một sự khẳng định khác với cái được phủ định ban đầu: cái gì đó (das Etwas/Anh: something), chẳng hạn, (một) vật (màu đỏ), bị phủ định bởi CÁI KHÁC (das Andere), chẳng hạn, (một) vật (màu xanh), nhưng, đến lượt nó, nó cũng phủ định cái khác ấy và do đó là sự phủ định của phủ định. Điều này tuyệt nhiên không đơn giản là một sự quay trở về lại cương vị ban đầu, chưa bị phủ định của nó: giai đoạn (i) là TỒN TẠI NHẤT ĐỊNH đơn giản nói chung, không phải là một cái gì đó xác định; giai đoạn (ii) là sự phân đôi thành cái gì đó và cái khác phủ định nó; giai đoạn (iii) là một sự khẳng định của cái gì đó, bằng sự phủ định của nó đối với cái khác, của một bản chất nội tại của chính nó, của một thực tế rằng nó là nhiều hơn việc chỉ đơn giản là một khoảng trống được đánh dấu tách biệt bởi (những) cái khác.
3. Hegel bàn về các phán đoán khẳng định và phán đoán phủ định, nhưng ông không quan tâm nhiều đến sự phủ định xét như một đặc điểm của các phán đoán. Giống như các quan niệm về sự mâu thuẫn, SUY LUẬN, và bản thân phán đoán, sự phủ định trước hết là một đặc tính của khái niệm và sự vật. Nhưng Negation và Negativität giữ lại hương vị tích cực của việc phủ định hay phủ nhận thuộc về phán đoán. Sự vật và khái niệm không chỉ có tính phủ định hay loại trừ, chúng còn phủ định nhau một cách chủ động nữa. Như trong trường hợp của sự hạn định, Hegel có khuynh hướng dồn chung các ý niệm về sự phủ định thuộc về khái niệm và sự phủ định thuộc về vật lý.
Sự phủ định và sự phủ định của phủ định vận hành ở những cấp độ khác nhau và theo những cách thức khác nhau:
(a) Một sự tương tự đơn giản (và quá giản lược) trong lịch sử về phép biện chứng giữa “cái gì đó” với “cái khác” là đây: trước khi có sự xuất hiện của đạo Tin Lành, Công giáo chỉ là Kitô giáo xét như là Kitô giáo (phương Tây). Sau đó nó sinh ra đạo Tin Lành, là cái phủ định nó. Đạo Tin Lành không chỉ là không phải Công giáo, mà nó còn chủ động tự dị biệt hóa với Công giáo và mang những đặc điểm của Công giáo mà nó phủ định. Công giáo, đến lượt mình, lại phủ định đạo Tin Lành, qua đó, chấm dứt việc chỉ là Kitô giáo một cách đơn giản xét như là Kitô giáo và mang những đặc điểm của sự tự dị biệt hóa chủ động của nó với đạo Tin Lành.
(b) Một tín đồ Công giáo chưa phản tư và một tín đồ Tin Lành chưa phản tư đi đến chỗ phản tư về những niềm tin riêng của họ (có lẽ nhờ vào ý thức của họ về sự khó khăn của việc chứng minh ĐỨC TIN của người này trong sự đối lập với đức tin của người kia). Bấy giờ, họ từ bỏ hay phủ định đức tin của họ. Nhưng mỗi người vẫn mang những dấu hiệu của đức tin mà họ phủ định hay thải hồi: một tín đồ Công giáo đã từ bỏ đức tin là khác với một người Tin Lành mất đức tin, vì sự phủ định như thế là mang tính xác định. Rồi thì, bằng sự tiếp tục PHẢN TƯ, mỗi người giành lại được đức tin mà mình đã đánh mất: họ phủ định sự phủ định. Nhưng cả hai đều không quay trở lại đức tin không-phản tư đã đánh mất: bây giờ nó là một đức tin có tính phản tư, được làm phong phú lên bởi hành trình quay trở lại, nhờ đó đạt đến đức tin được phản tư. (Hegel thường xem các giai đoạn muộn hơn của Lô-gíc học, LỊCH sử, sự sống, V.V., là sự khôi phục giai đoạn trước đó trên một cấp độ cao hơn).
(c) Các trường hợp (a) và (b) đều đòi hỏi sự gắn bó của các cá nhân với một trong những tín điều ngang hàng nhau, trong đó tín điều này phủ định (những) tín điều kia. Nhưng sự phủ định của phủ định thường dẫn đến việc vượt bỏ toàn bộ dãy của những sự phủ định ngang hàng nhau. Theo đó, sự phủ định của phủ định có thể là (i) nỗ lực tán thành và lần lượt thưởng thức sự đa dạng tưởng như vô tận của những tín điều cạnh tranh nhau {xem: sự CHÂM BIẾM); (ii) rút lui vào trong chính mình, thoát ra khỏi tất cả những tín điều và những niềm tin cạnh tranh nhau; hay (iii) chấp nhận một tín điều bao hàm tất cả những tín điều khác và không phủ định chúng, mà chỉ phủ định yêu sách độc quyền của chúng hay việc chúng phủ định lẫn nhau. Loại phủ định kép này là sự VÔ HẠN. Giải pháp (i) là, hay bị thống trị bởi tính vô hạn tôi, tức bởi sự tuần tự vô tận của các thực thể hữu hạn, mỗi cái phủ định cái trước nó. (ii) là một loại vô hạn đúng thật, vì nó bao hàm sự quay trở lại mang tính vòng tròn của cái gì đó vào trong chính mình. Trong Khoa học Lô-gíc, nó xuất hiện như là sự tồn tại-CHO-MÌNH, điển hình bởi cái Tôi tự phản tư, vượt lên trên dãy những CHÂT nhất định, (iii), cũng là vô hạn đúng thật, xuất hiện hầu như nổi bật trong Ý NIỆM tuyệt đối bao hàm mọi quy định của TƯ TƯỞNG đã xuất hiện trước đó trong Lô-gíc học. Mặc dù Hegel xem (i) và (ii) là các giai đoạn lịch sử tất yếu, nhưng ông chuộng giai đoạn (iii) hon, chẳng hạn như là một sự trả lời cho sự đa dạng của các nền triết học cạnh tranh nhau ở bề ngoài.
Mô hình “khẳng định giản đơn - phủ định - phủ định của phủ định” là thường xuyên lặp đi lặp lại trong suốt tư tưởng của Hegel, và sự phủ định của phủ định trong một sự ứng dụng nào đó lại tái xuất hiện như một sự khẳng định đơn giản cho sự ứng dụng khác nữa. Chẳng hạn, giai đoạn đầu của Ý CHÍ, sự rút lui vào trong chính mình của nó và sự phủ định mọi thứ xác định (một phiên bản của (ii) ở trên), bị phủ định bởi sự chấp nhận một lựa chọn nhất định, và điều này, đến lượt nó, được phủ định bởi chính bản thân ý chí của nó.
Trong Lô-gíc học (Học thuyết về Bản chất), cái phủ định và cái khẳng định được xem là hệ hình của sự đối lập, một hình thức của sự phủ định được nâng cao, trong đó mỗi hạn từ không đơn giản là khác với cái khác (như màu đỏ là khác với màu xanh dương, màu xanh lá, V.V.), mà chính là cái khác của nó (như hướng bắc là cái khác của hướng nam). Ở đây, cái phủ định đối lập với cái khẳng định là khác với cái phủ định quen thuộc trong sự phủ định của Hegel: cái khẳng định phủ định cái phủ định cũng ngang bằng như cái phủ định phủ định cái khẳng định, và vì thế, là mang tính phủ định cũng nhiều như là khẳng định.
Hoàng Phong Tuấn dịch