Quy luật/Luật [Đức: Gesetz; Anh: law]
Xem thêm: Phạm trù, Mệnh lệnh, Công bằng, Châm ngôn, Tự nhiên, Bổn phận, Quyền, Quy tắc,
Khái niệm khái quát về quy luật, trong cả triết học lý thuyết lẫn triết học thực hành, có hai đặc điểm là tính phổ quát khách quan và tính tất yếu khách quan. Điều này phân biệt các quy luật lý thuyết với các quy tắc lý thuyết, và phân biệt các quy luật thực hành với các quy tắc thực hành và các lời khuyên. Một quy tắc lý thuyết về tương quan, như “nếu mặt trời chiếu đủ lâu trên một vật thể, nó sẽ nóng lên”, được biến thành một quy luật nếu nó được diễn đạt dựa theo tính nhân quả, như trong mệnh đề: “Mặt trời, do ánh sáng của chính nó, là nguyên nhân của sự tỏa nhiệt” (SL § 29). Trên phương diện này, “quy tắc về tương quan” được rút ra từ một phán đoán thường nghiệm được ban cho giá trị hiệu lực phổ quát và tất yếu của một quy luật (xem PPLTTT A 126). Một quy luật của triết học thực hành được mô tả tương tự như một quy luật có một “tính tất yếu tuyệt đối” (CSSĐ, tr. 389, tr. 2) phân biệt nó với các quy tắc của tài khéo lẫn với những lời khuyên của sự khôn ngoan; cái sau, giống như quy tắc lý thuyết về tương quan, chỉ có thể mang lại tính tất yếu có tính giả thiết chứ không mang lại tính tất yếu tuyệt đối hay nhất quyết (categorical).
Vượt khỏi sự giống nhau giữa các khái niệm lý thuyết và các khái niệm thực hành của quy luật là một vài khác biệt cực kỳ quan trọng. Tri thức lý thuyết liên quan đến “cái đang là” dựa theo tính nhân quả của các quy luật tự nhiên, trong khi tri thức thực hành liên quan đến cái “phải là” dựa theo tính nhân quả của các quy luật của tự do. Nghiên cứu của Kant về các quy luật lý thuyết khảo sát tính chất và các nguồn gốc của tính phổ quát và tính tất yếu của “cái đang là”, hay giới tự nhiên trong các phương diện mô thức và chất thể của nó, trong khi nghiên cứu của ông về các quy luật thực hành thẩm tra tính chất và các nguồn gốc xuyên suốt bổn phận hay “cái phải là”.
Nghiên cứu về các quy luật lý thuyết này nhấn mạnh mối quan hệ giữa các quy luật thường nghiệm của giới tự nhiên được các khoa học (vật lý, hóa học và sinh học) khám phá với các nguyên tắc của giác tính thuần túy. Trong PPLTTT, Kant chủ yếu quan tâm đến tính chất và các nguồn gốc của các quy luật vật lý; trong PPNLPĐ Kant chuyển sự quan tâm của mình sang sinh học. Trong PPLTTT, Kant mô tả mọi quy luật thường nghiệm như “những quy định đặc thù của các nguyên tắc của giác tính thuần túy”, vốn được mô tả như “sự ban bố quy luật cho tự nhiên” (A 127). Các nguyên tắc thường nghiệm áp dụng “các nguyên tắc cao hơn của giác tính” vào “các trường hợp đặc thù của hiện tượng” và rút ra tính tất yếu của chúng từ “các cơ sở có giá trị tiên nghiệm và có trước mọi kinh nghiệm” (A 159/ B 198). Điều này được rút ra từ tiên đề của Kant rằng các điều kiện cho khả thể của kinh nghiệm là các điều kiện cho khả thể của những đối tượng của kinh nghiệm, hay nói khác đi, “các phạm trù là những khái niệm ĐỂ RA quy luật một cách tiên nghiệm cho hiện tượng, tức là cho giới tự nhiên hiểu như tổng thể (Inbegriff) mọi hiện tượng (natura materialiter spectata)” (B 163). Do đó, các quy luật vừa được chủ thể áp đặt cho tự nhiên vừa có giá trị hiệu lực phổ quát và tất yếu, và trong trường hợp vật lý học, có thể được tập hợp thành một tổng thể có hệ thống.
Trong trường hợp các quy luật của sinh học được bàn thảo trong Phần II của PPNLPĐ, Kant không quá tin vào tính phổ quát và tất yếu của các quy luật cơ giới. Kant cho rằng: “Điều hoàn toàn chắc chắn là ta không thể nhận thức hoàn chỉnh chứ đừng nói đến giải thích được những thực thể có tổ chức lẫn khả thể nội tại của chúng đơn thuần dựa theo các nguyên tắc cơ giới của tự nhiên” (PPNLPĐ § 75). Thậm chí: “Thật là phi lý cho con người chúng ta khi ta ra sức hay hy vọng sẽ có một Newton khác xuất hiện trong tương lai có thể làm cho ta hiểu rõ về sự sản sinh dù chỉ là của một lá cỏ dựa theo các định luật tự nhiên mà không do một ý đồ nào đã sắp đặt cả”. Ở đây tính không đầy đủ của các quy luật cơ giới của tự nhiên trong việc giải thích các hiện tượng sự sống được đặt ngang hàng với một luận chứng về khả thể cho sự hiện hữu của một “tóc giả [Đấng Tạo hóa] của thế giới”, tức người đã thiết kế các quy luật tự nhiên mà tính khả niệm của nó vượt quá những sự giới hạn của lý tính chúng ta.
Bàn thảo về các quy luật của tự do trong triết học thực hành được đặt cơ sở trên tiền đề của năng lực của lý tính thuần túy là có tính thực hành. Đó là ở việc “buộc châm ngôn của mọi hành động phải phục tùng điều kiện của việc định tính chất cho nó như là quy luật phổ quát” (SHHĐL, tr. 214, tr. 42). Vì các châm ngôn của con người không tự động tuân phục các điều kiện để trở thành những quy luật phổ biến, nên quy luật được quy định như một mệnh lệnh hay một điều lệnh. Các quy luật như thế có thể được phân biệt dựa theo việc chúng được hướng đến “các hành động bên ngoài”, trong trường hợp này chúng có tính pháp lý, hay hướng đến “việc quy định các cơ sở của hành động”, trong trường hợp này chúng có tính luân lý (tr. 214, tr. 42). Sự tuân phục của hành động đối với loại trước cấu thành tính pháp lý, trong khi sự tuân phục đối với loại sau cấu thành luân lý. Các quy luật pháp lý “có thể được nhận thức như có tính cưỡng chế một cách tiên nghiệm bởi lý tính, thậm chí không cần có sự ban bố quy luật bên ngoài” là các luật lệ của pháp quyền tự nhiên (natural laws), trong khi những quy luật đòi hỏi “hành động ban bố quy luật hiện thực bên ngoài” là các điều luật thực định (positive laws). Chỉ có quy luật nền tảng của luân lý và nguồn gốc của bổn phận luân lý mới là quy luật duy nhất, và nó được phát biểu trong nguyên tắc được đặt nền tảng một cách tự trị của mệnh lệnh nhất quyết: “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí của bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là nguyên tắc của một sự ban bố quy luật phổ quát” (PPLTTH, tr. 30, tr. 31).
Mai Sơn dịch