Rõ ràng (sự, tính) [Đức: Klarheit; Anh: clarity]
Xem thêm: Ý thức, Khai minh, Xem-là-đúng, Tri thức, Chân lý,
Trong Những suy niệm vê Nhận thức, Chân lý và Các ý niệm (1684, xem Leibniz, 1976, tr. 294-5), Leibniz phân biệt các cấp độ của nhận thức bằng các sự đối lập giữa: rỗ ràng/tối tăm; lẫn lộn/phân minh-, thỏa ứng/không thỏa ứngvà biểu trưng/trực quan. Cặp đối lập thứ nhất đã chứng tỏ có ảnh hưởng rất lớn và là cặp đối lập then chốt trong sự phát triển của triết học Khai minh Đức, đặc biệt là triết học Christian Wolff. Đối với Leibniz, một khái niệm rõ ràng là một khái niệm đủ để nhìn nhận một biểu tượng, điều này lộ rõ khi “những dấu hiệu” làm cho nó được nhìn nhận có thể được mô tả và đánh số. Đối với những hậu bối thời Khai minh của Leibniz, tính rõ ràng và phân minh trở thành những đặc điểm đánh dấu những giai đoạn trong sự hoàn hảo của nhận thức. Việc đi từ tối tăm đến rõ ràng và phân minh được xét thông qua việc đi từ nhận thức của các giác quan đến nhận thức của giác tính, hay việc đi từ tiên kiến đến khai minh.
Sơ đồ có tính chất tăng tiến này bị thách thức trước hết bởi những đối thủ Pietist đối với những nhà Khai minh theo trường phái Wolff, họ lập luận rằng có những giới hạn đối với sự hoàn hảo của nhận thức. Quan niệm này đã được Kant chấp nhận và phát triển trong THTN, trong đó ông đã lập luận về sự tồn tại của những khái niệm nền tảng, không thể phân tích (tr. 279, tr. 252). Sự phê phán thời kỳ đầu này đối với mô hình Khai minh về sự hoàn hảo của nhận thức theo hướng tiến đến sự rõ ràng và phân minh hon được Kant ủng hộ mạnh mẽ, mặc dù các chữ “rõ ràng” và “phân minh” không được đề cập nổi bật trong cả ba quyển Phê phán. Mô hình ấy chỉ xuất hiện trong một số quyển Phản tư và trong một vài bài giảng đã được xuất bản, nhất là trong NLH và L.
Trong L, Kant khôi phục sự phân biệt của Leibniz và Wolff giữa sự hoàn hảo của nhận thức dựa theo chất lượng của sự rõ ràng với sự hoàn hảo của nhận thức dựa theo tính chất của sự phân minh như là “sự rõ ràng của các dấu hiệu”. Thực vậy, trong NLH, ông diễn tả sự phân biệt trong các thuật ngữ chính thống của Leibniz bằng cách định nghĩa sự rõ ràng là “ý thức về những biểu tượng đầy đủ của ta cho việc phân biệt giữa một đối tượng này với một đối tượng khác” và định nghĩa sự phân minh là “ý thức làm cho việc cấu tạo những biểu tượng trở nên rõ ràng” (§ 6). Ông cũng đi theo Baumgarten khi phân biệt giữa sự rõ ràng và phân minh chủ quan của nhận thức thẩm mỹ với những biến thể khách quan của nhận thức lý tính.
Ông phát triển một sự nỗ lực làm cho sơ đồ của Wolff phù hợp với những thức nhận mang tính phê phán của riêng ông bằng việc phân biệt giữa sự phân minh có tính chất phân tích với sự phân minh có tính chất tổng hợp: sự rõ ràng và sự phân minh có tính chất phân tích chỉ áp dụng cho những khái niệm và tách những khái niệm đó ra thành những bộ phận của chúng, trong khi đó sự rõ ràng và phân minh có tính chất tổng hợp áp dụng cho những đối tượng và mở rộng khái niệm. Sự phân biệt này về sau được triển khai thành sự phân biệt giữa logic học hình thức và logic học siêu nghiệm trong quyển PPLTTT (A 150/ B 190) mà không cần đến sơ đồ về sự rõ ràng và phân minh. Mặc dù đã có nỗ lực làm sống lại sơ đồ ấy bởi những nhà phê phán tân Leibniz về Kant như là Eberhard (xem PH) và Maimon (1790), nhưng nó chủ yếu vẫn còn ngủ im cho đến khi có sự quay trở lại của phân tích pháp về các khái niệm được Frege khơi mào vào cuối thế kỉ XIX.
Cù Ngọc Phương dịch