Đồng nhất, Khác biệt và tính Khác/Tồn tại-khác [Đức: Identität, Differenz und Andersheit; Anh: identity, difference and otherness]
Những chữ tiếng Đức thông thường dùng để chỉ “sự đồng nhất” là derselbe, dieselbe, dasselbe. Những chữ này biểu thị sự đồng nhất về số lượng lẫn về chất lượng. (Giống như tiếng Anh, tiếng Đức cũng dùng những cách nói quanh co, chẳng hạn ein und derselbe/Anh: one and the same [cùng một thứ] để phân biệt sự giống nhau về số lượng và chất lượng). Tưong phản với những chữ trên là ander (khác), chữ này được dùng chỉ sự khác nhau cả về số lượng lẫn về chất lượng. Hegel thường dùng derselbe, V.V., nhưng không bàn về nó trong Lô-gíc học. Ông bàn về tính khác về chất dưới đề mục “TỒN TẠI-HIỆN CÓ”, ở đó “cái khác” là tương phản với “cái gì đó” (das Etwas), và tính khác về số lượng dưới đề mục “tồn tại-CHO MÌNH”, ở đó “cái khác” là tương phản với “cái Một” (das Eins). Nhưng “cái khác” và “tính khác/tồn tại khác” (Anderssein) là quan trọng xuyên suốt trong Lô-gíc học và hệ thống của ông xét như toàn bộ, chẳng hạn Tự-Ý THỨC và Tự DO cốt yếu là ở việc vượt qua tính khác.
Nghiên cứu chính của Hegel về sự đồng nhất là trong “Học thuyết về BẢN CHẤT” trong KHLG. Ở đó, ông du nhập [khái niệm] Identität (từ chữ La-tinh idem, “đồng nhất/cùng một thứ”) cùng với tính từ “identisch”. Từ này biểu thị chủ yếu sự đồng nhất về số lượng, dù trong tay của Hegel, chữ này còn được dùng để chỉ sự giống nhau về chất, vì theo ông chính sự phân biệt giữa sự đồng nhất về số lượng và sự đồng nhất về chất lượng là có vấn đề và khó nắm bắt. Hegel thường thích dùng chữ Einheit (sự thống nhất, nhất thể, từ chữ ein [một] và cũng là mạo từ bất định), vì ông muốn liên hệ Identitdtvới sự đồng nhất TRỪU TƯỢNG của GIÁC TÍNH. Tương phản chính với Identität là Unterschied, một chữ chung nhất để chỉ “sự khác biệt/sự phân biệt” (thường dịch sang tiếng Anh là difference hay distinction). Chữ này đến từ động từ unterscheiden (phân biệt, biện biệt) vốn xuất phát từ động từ scheiden (tách biệt, phân chia, V.V.). Vì chữ này có hình thức phản thân là sich unterscheiden (dị biệt hóa, nghĩa đen là tự phân biệt hay tự-dị biệt chính mình), Hegel xem Unterschied [khác biệt] như kết quả của một tiến trình tự-ảị biệt hóa. Do đó, khác biệt có thể biểu thị sự khác biệt về số lượng hoặc sự khác biệt về chất. Hegel phân biệt Unterschied với những chữ đồng nghĩa như verschieden (khác nhau) và Verschiedenheit (sự khác nhau). Những chữ này cũng bắt nguồn từ động từ scheiden, nhưng động từ gần nghĩa với chúng là verscheiden lúc ấy chỉ còn nghĩa là “qua đời, mất đi” (scheiden còn có nghĩa “đi khỏi”, chẳng hạn: “qua đời”). Vì thế Verschiedenheit mang hơi hướng thụ động hơn Unterschied; nó không hàm nghĩa về sự tự-dị biệt hóa chủ động. Nó gợi ra sự khác biệt về chất, chứ không chỉ đơn giản là sự khác biệt về lượng.
Đôi khi Hegel dùng chữ phái sinh từ tiếng La-tinh Differenz [sự khác biệt]. Chữ này chủ động hơn Verschiedenheit, vì nó cho ra đời động từ differenzieren (dị biệt hóa) và tương phản với indifferent, giống như từ tương đương trong tiếng Anh, có hơi hướng của việc “không tạo ra hay không biện biệt sự khác biệt (quan trọng) nào”. Vì thế Differenz biểu thị một sự khác biệt vốn tạo ra khác biệt, chủ yếu là đối với những cái đã được dị biệt hóa. Chữ Đức thông thường dùng để chỉ “indifferent” (cả theo nghĩa trong câu “không phân biệt là nó thế này hay thế kia...” và trong câu “tôi dửng dưng...” là gleichgültig (nghĩa đen là “có giá trị hiệu lực như nhau”). Đặc điểm phân biệt của Verschiedenheit, theo Hegel, là ở chỗ những đơn vị khác nhau là dửng dưng (gleichgültig) đối với sự khác biệt giữa chúng. Điều này dẫn ông đến chỗ xem xét chữ gleich (ngang bằng nhau, như nhau). Chữ này cũng biểu đạt sự dửng dưng/không phân biệt, như trong câu “đối với tôi thì cũng như nhau thôi”, nhưng nó chủ yếu biểu thị sự ngang bằng nhau hay đồng nhất về chất của hai hay nhiều vật, hoặc ít ra những vật ấy là còn nhiều hơn là xấp xỉ giống nhau (ähnlich). (Gleichheit (sự như nhau) và gleich (như nhau) còn được dùng để chỉ “sự bình đẳng” chính trị và bình đẳng của con người). Gleich cho ra đời động từ gleichen (làm bằng nhau, như nhau), nhưng có ý nghĩa hơn với Hegel là động từ vergleichen (so sánh, ví). Nếu các đơn vị khác nhau là dửng dưng [có giá trị hiệu lực như nhau] đối với sự khác nhau, sự giống nhau và không-giống nhau của chúng, thì sự khác nhau, v.v. là do một người quan sát bên ngoài đang so sánh chúng gán cho chúng. Nhưng không phải mọi sự khác biệt giữa các vật đều thuộc loại này: chẳng hạn, loài vật, tôn giáo và các đảng phái chính trị tự-dị biệt hóa với nhau một cách chủ động. Vì thế sự PHÂN LOẠI các loài vật không đòi hỏi sự so sánh bên ngoài nào, nhưng đòi hỏi sự ghi lại những phương cách các loài tự dị biệt hóa bản thân chúng. Những khác biệt trong những trường hợp như thế không phải không đáng kể nhưng cũng không quá lớn: chúng là những khác biệt về loài dựa trên cơ sở là sự đồng nhất về giống. Đây là một sự phân biệt NHÂT ĐỊNH (bestimmter Unterschied). Rốt cục điều này sẽ được nâng lên thành sự ĐỐI LẬP: mỗi cái đối lập (chẳng hạn cực bắc và cực nam) về bản chất là phụ thuộc vào nhau, và vì thế quay trở lại một loại hình của sự đồng nhất.
Trong nghiên cứu này, Hegel nghĩ đến ba vấn đề sau:
1. Các “QUY LUẬT tư duy” của Lô-gíc học hình thức, nhất là luật đồng nhất (“Mọi vật đều đồng nhất với chính mình hay A = A”), và luật Verschiedenheit hay luật về sự đồng nhất của những cái không thể biện biệt của Leibniz (“Mọi vật đều khác biệt về chất với vật khác” hay “không có hai vật giống nhau hoàn toàn”.
2. Các học thuyết thần học và siêu hình học về sự đồng nhất hay sự thống nhất [nhất thể] của thế giới: chẳng hạn học thuyết Plato-mới cho rằng thế giới đa dạng lưu xuất từ một nhất thể nguyên thủy; định đề của Schelling về một sự đồng nhất trung tính hay sự bất-phân biệt nằm bên dưới tự nhiên và tinh thần, và thuyết phiếm thần hay quan niệm rằng THƯỢNG ĐỂ là đồng nhất với thế giới.
3. Sự phân loại khoa học về loài, giống, các yếu tố hóa học, v.v.
1. Hegel không thích sự đồng nhất trừu tượng của Lô-gíc học truyền thống và luật đồng nhất. Một số phản bác của ông về điều này (chẳng hạn rằng nó giới hạn ta vào những phát biểu thuộc kiểu “hành tinh là hành tinh” và rằng một yêu sách về sự đồng nhất thuộc dạng “A=A” hay “A=B” ipso facto (tự bản thân sự việc) là gồm hai thực thể (tức là hai kí hiệu ngôn ngữ học)) đã bị hiểu sai. Những phản bác cơ bản của ông là như sau:
a) Ông gặp khó khăn trong việc không biết làm thế nào một vật có thể có một QUAN HỆ (Beziehung) với chính mình mà không qua đó tự nhân đôi chính mình. Chữ tiếng Đức để chỉ “được quan hệ (với)” là động từ phản thân sich beziehen (auf) (áp dụng, quan hệ với), vốn gợi ý đến sự tự-quan hệ chủ động mà không có chữ tương đương trong tiếng Anh, là một tác nhân cho khó khăn ấy. Một tác nhân khác là mô hình hay hệ hình (paradigm) của sự tự đồng nhất đối với Hegel và các nhà duy tâm Đức khác chính là sự đồng nhất của cái Tôi, tức Tôi = Tôi, vốn có vẻ bao hàm một loại tự-nhân đôi chính mình.
b) Ông xem yêu sách rằng một vật là tự đồng nhất một cách trừu tượng có nghĩa là nó hoàn toàn tự khép kín và không chứa đựng sự tự-dị biệt hóa bên trong nào cả. Tuy nhiên, một vật thuộc loại này ắt hoàn toàn trống rỗng và vô-quy định. Chỉ bằng cách tự-quan hệ với những vật khác một cách chủ động và tự-dị biệt hóa chính mình với những vật khác, và trong quá trình tự-dị biệt hóa mình với chính mình, thì một thực thể mới có được một bản tính nhất định. Một lần nữa, mô hình lại là cái Tôi: Tôi = Tôi xét như là cái Tôi là trống rỗng; nó có được nội dung bằng cách quay trở lại với chính mình từ cái khác.
Hegel cũng phản bác luật về Verschiedenheit [sự khác nhau] trong chừng mực nó xem sự khác nhau chỉ là dửng dưng đối với các hạn từ khác nhau chứ không như kết quả của sự tự-dị biệt hóa chủ động.
2. Các học thuyết thần học và siêu hình học về sự thống nhất đòi hỏi nhiều hon là sự đồng nhất trừu tượng và sự khác biệt trừu tượng của giác tính. Chúng đòi hỏi một loại đồng nhất hay thống nhất [nhất thể] vốn tự dị biệt hóa thành tính số nhiều [đa thể], hoặc một loại đồng nhất cho phép ta không chỉ đơn giản nói rằng Thượng Đế là đồng nhất hoàn toàn hoặc tách biệt hoàn toàn với thế giới, mà còn nói được rằng Ngài quan hệ với nó bằng một sự đồng nhất-trong-sự khác biệt đang tự phát triển. Những gì Hegel tâm niệm không phải sự đồng nhất được gán cho một thực thể được mô tả một cách khác biệt (chẳng hạn “Cicero = Tully”) hay sự đồng nhất qua thời gian (chẳng hạn “Octavian = Augustus”), cho bằng sự đồng nhất của các thực thể hoàn toàn thuộc về những cấp độ bản thể học riêng biệt (chẳng hạn “Linh hồn = Cơ thê” hay “Tinh thần = Bộ não”). Loại đồng nhất này chứa đựng sự PHỦ ĐỊNH, và Hegel thường nói về nó như “sự thống nhất phủ định”.
3. Quan niệm của Hegel về sự phân loại trong các khoa học thường nghiệm và nhất là cả trong hệ thống của ông, chứa đựng một sự đồng nhất hay thống nhất vốn tự-dị biệt hóa chính mình và một sự khác biệt như là kết quả của sự tự-dị biệt hóa ấy. Trong Lô-gíc học, nghiên cứu của ông về sự đồng nhất, khác biệt, v.v. là điển hình cho tiến trình phân loại như thế. Chẳng hạn, khái niệm về sự đồng nhất tiến lên một cách BIỆN CHỨNG thành khái niệm về Unterschied [Khác biệt] và vì thế không tách biệt hoàn toàn cũng không đồng nhất hoàn toàn với nó.
Hoàng Phú Phương dịch