Tự mình, Cho mình, Tự mình và Cho mình [Đức: an, für und an und für sich; Anh: in, for and in and for, itself, himself, etc]
Đại từ phản thân ngôi thứ ba trong tiếng Đức là mình [sich]. Nó vừa ở số ít vừa ở số nhiều, bao quát cả ba giống. Theo đó, nó có nghĩa là “tự mình, tự anh ta, tự chị ta, tự nó; tự chúng; lẫn nhau”. Nó có thể là túc từ trực tiếp hoặc túc từ gián tiếp, nhưng không thể là chủ ngữ hoặc ở sở hữu cách. Nó đi cùng với nhiều động từ phản thân của tiếng Đức, và cũng có thể đi sau các giới từ. Chẳng hạn, cho mĩnh [für sich] (nghĩa đen “cho chính mình”, v.v.) xuất hiện trong những văn cảnh như “Anh ta cần một phòng cho mình”, “Cô ta sống nhờ chính mình”, và “Điều đó là một vấn đề tự mình, tức là, không kể đến những mối liên hệ của nó với các vấn đề khác”. Trong cách sử dụng thông thường, tự mình (“an sich”, v.v.) thường không khác mấy với cho mình: xét một vấn đề tự mình tức cũng phải xét nó mà không kể đến những liên hệ với bất kỳ vấn đề nào khác, và nếu một điều gì là chắc chắn tự mình, sự xác tín về nó là TRựC TIẾP và không phụ thuộc vào bất kỳ điều gì khác. Trong cả hai ngữ cảnh này, tự mình và cho mĩnh (“an und für sich”) đơn giản là một sự tương đương được nhấn mạnh hơn của tự mình mà thôi. Những thành ngữ khác thuộc loại này được Hegel sử dụng là bên trong mình [in sich] (“bên trong, vào trong, trong chính mình”, v.v.) và, quan trọng hơn, ở nơi chính mình [bei sich] (“(ở nhà, trong nhà) nơi chính mình”, V.V.), xuất hiện trong những văn cảnh như “sống khép kín”, nhưng đôi khi tương phản với “ra khỏi mình” [“mất tự chủ”] [äusser sich] (do lo buồn, V.V.).
Theo đó, trong tiếng Đức thông thường, một thành ngữ của loại này thường không có cách sử dụng xác định duy nhất, mà có một loạt các cách sử dụng chồng chéo lên các thuật ngữ khác. Vào thời Hegel, chỉ một thành ngữ được định hình theo nghĩa triết học là tự mình, được Wolff sử dụng cho kath’ hauto của Aristoteles (“tự mình”), và nghĩa là “(sự vật) xét như là sự vật, một cách TUYỆT ĐỐI, tách rời quan hệ của nó với bất kỳ vật nào khác”; chẳng hạn một con ngựa chạy tự mình hay kath’ hauto, còn người cưỡi nó chỉ chạy theo. Tự mình cũng được sử dụng để dịch một trong những thuật ngữ của Plato cho MÔ THỨC hay Ý NIỆM: chẳng hạn, mô thức của cái đẹp là “cái đẹp tự mình hay tự thân”. Với Kant, VẬT tự thân là sự vật thoát ly khỏi quan hệ của nó với NHẬN THỨC của ta và với phương thức nó xuất hiện ra [như là hiện tượng] cho ta: những vật-tự thân tồn tại “cho mình, ở bên ngoài ta (độc lập hay dựa vào chính mình)”. Như vậy, tự mình theo nghĩa này không trái nghĩa với cho mình, mà trái nghĩa với ở trong ta (“in uns”) hay cho ta (“für uns”).
Hegel thường sử dụng chữ mình trong nghĩa thông thường của chúng, không rút ra sự khác biệt đặc biệt, chẳng hạn, giữa tự mình và cho mình. Nhưng trong nhiều trường hợp, Hegel sử dụng chúng theo nghĩa đặc biệt, trong đó, tự mĩnh trái nghĩa với cho mĩnh và với tự mĩnh và cho mình. Sự tái lý giải và tái tổ chức của Hegel về những từ này bắt đầu từ cách sử dụng triết học của tự mình. Một vật HỮU HẠN có một bản tính nhất định chỉ nhờ vào các mối QUAN HỆ của nó với những vật khác, sự PHỦ ĐỊNH của nó với, và bởi, những sự vật khác. Điều này không chỉ đúng với những vật ở bên trong thế giới, mà còn đúng với vật-tự thân của Kant, vì nó cũng hữu hạn, khi nó tách rời và khác biệt với nhận thức của ta. Do đó, một vật khi nó là tự mình, thì không có tính quy định phoi bày ra bên ngoài: cùng lắm là nó có tính cách ở dạng tiềm năng mà sẽ chỉ được hiện thực hóa nhờ mối quan hệ của nó với những sự vật khác. Chẳng hạn, một đứa trẻ là có lý tính về mặt tự mình, nhưng tính lý tính của nó đơn thuần là tiềm năng, chưa hiện thực và chưa “cho một cái khác” hay chưa “ở nơi nó” (an ihm). Tự mình trong nghĩa này không trái nghĩa với cho ta: lý tính của đứa trẻ là cho ta, vì ta có thể thấy tiềm năng có lý tính từ những đặc trưng hiện thực mà nó có. Do đó, Hegel thường dùng cách nói tự mình hay cho ta (“an sich oder für uns”) để chỉ một điều gì chỉ mới là tiềm năng, chưa được bản thân nó biết đến mà chỉ được ta, là triết gia hay người quan sát bên ngoài, biết đến mà thôi. (Ở đây, ta có thể biết đứa trẻ về mặt tự mình mà không theo nghĩa tự thân - giống như vật-tự thân của Kant - vì đứa trẻ không hoàn toàn tự thân [an sich], mà có một số biểu hiện hiện thực của nó để từ đó ta có thể suy ra những tiềm năng của nó, nhưng sở dĩ như thế là bởi vì đứa trẻ không hoàn toàn cắt đứt mọi quan hệ với những sự vật khác).
Với Hegel, không giống như Kant, tự mình không tương đương với cho mình: cho mình tương phản với tự mình. Nhưng, tỗn tại-cho mình (“Fürsichsein”) là một quan niệm phức hợp, phần là vì nó không chỉ tương phản với tồn-tại-tự-mình (“Ansichsein”) mà còn tương phản với tồn tại- cho cái khác (“Sein-für-Anderes”). Trong KHLG, Hegel nối liền cho mình với thành ngữ phổ biến was für ein (ví dụ: Ding ist das), “cái đó thuộc loại/ kiểu (ví dụ: vật gì?)”, mà theo nghĩa đen là “(vật đó) để làm gì?” và muốn nói rằng để hỏi về loại của một điều gì đó thì phải hỏi nó là gì về mặt cho mình. Trong cùng văn cảnh hoặc trong những văn cảnh khác nhau, tồn tại-cho mình bao hàm một số ý tưởng sau đây:
1. Một điều gì, ví dụ một người trưởng thành, có thể là, chẳng hạn, một thợ hàn, một thợ may, một người lính hay một thủy thủ. Nhưng việc anh ta là, chẳng hạn, một người thợ may, phụ thuộc vào những người khác bằng nhiều cách: nghề thợ may phải được thừa nhận như là một nghề, phải có những nghề khác để tương phản với nó (nếu ai cũng là thợ may thì không ai là thợ may cả), và anh ta phải được thừa nhận như là một thợ may. Như thế, việc anh ta là thợ may bao hàm việc anh ta tồn tại-cho cái khác. Nhưng anh ta cũng là người thợ may tự mình, không theo nghĩa đơn thuần là tiềm năng như nói ở trên, mà là có những tài năng nội tại nhất định làm cho anh ta thích hợp với vai trò này, và có những đặc điểm công khai nào đó khiến anh ta đúng là thợ may hơn là, ví dụ, thủy thủ. Vậy, tồn tại như là thợ may là một sự tương tác giữa tồn tại tự mhỉh và tồn ỉại-cho cái khác. Nhưng, một con người không đơn thuần chỉ là một vai trò nghề nghiệp. Anh ta cũng là một cái Tôi cá nhân, và với tư cách ấy, anh ta có thể giữ khoảng cách với vai trò thợ may của anh ta và suy tưởng về mình như cái Tôi cá nhân. Khi làm như thế, anh ta không còn tồn tại cho người khác nữa mà là cho mình, vì, tuy Tự-Ý THỨC của anh ta có thể tiền giả định sự thừa nhận của những người khác, nhưng cái Tôi thì không phải là một vai trò trong một hệ thống gồm những vai trò tương phản nhau: bất kỳ ai cũng là một cái Tôi. Theo nghĩa ấy, cái Tôi không có tính chất nhất định: sự tồn tại của anh ta chỉ ở sự tồn ỉại-cho mình, theo nghĩa có ý thức về chính mình, và thoát ly hay cô lập với những người khác. Trong Khoa học Lô-gíc, Hegel minh họa sự tồn tại-cho mình không chỉ bởi cái Tôi, mà còn bởi “cái một”, tức đơn vị hay nguyên tử khác biệt với các đơn vị hay các nguyên tử khác, không nhờ vào bất kỳ chất nhất định nào mà chỉ nhờ vào sự phân biệt số lượng, vào tồn tại-cho mình mang tính độc lập của nó.
2. Ý tưởng rằng cho mình là có ý thức về chính mình dẫn đến ý tưởng tiếp theo rằng một thực thể có thể có những đặc điểm tự mình nhưng không phải cho mình. Một đứa trẻ tự mình là có lý tính nhưng không phải cho mình, vì nó chưa ý thức được rằng nó có lý tính; một người nô lệ, với tư cách là con người, thì tự do về phương diện tự mình, nhưng có thể chưa tự do về phương diện cho mình.
3. Thông thường, nếu một người có một đặc điểm mà bản thân chưa ý thức được về nó, có nghĩa là đặc điểm ấy chưa được phát triển hay chưa được hiện thực hóa hoàn toàn. Sự không có ý thức của một đứa trẻ về lý tính của nó là do chưa phát triển đầy đủ về lý tính của mình; sự không có ý thức của người nô lệ về tự do của mình có thể là do trạng thái nô lệ của anh ta. Do đó, tự mình và cho mĩnh có nghĩa là “tiềm năng” và “hiện thực”, và có thể được áp dụng cho, ví dụ, sự PHÁT TRIỂN của cái cây, nổi không có vấn đề về có ý thức hay không có ý thức. (Theo nghĩa này, tự mình thường tương phản với chữ “ĐƯỢC THIẾT ĐỊNH” (gesetzt/' Anh: posited) hơn là với cho mình). Một cách đặc trưng, một thực thể hiện thực, đã phát triển hoàn toàn đầy đủ, tương phản với hạt mầm hay đứa trẻ, có đủ sự ổn định và khớp nối nội tại để tồn tại “bởi chính mình” hay cho mình, độc lập đến mức độ nào đó trong các mối quan hệ với các thực thể khác.
4. Trong trường hợp 2, khi một người trở thành cho mình những gì anh ta vốn là tự mình, anh ta thường nhận ra điều anh ta là cho mình là một sự diễn đạt tương xứng của những gì anh ta vốn là tự mình. (Mặc dù anh ta có thể cảm thấy rằng điều kiện hiện thực của tình trạng nô lệ hay những khả năng lý luận bị giới hạn - mà theo nghĩa nào đó, các khả năng này cũng là cho mình - còn nằm bên ngoài sự tương ứng với tự do tự mình hay lý tính tự mình của anh ta). Nhưng không phải lúc nào cũng như thế. Anh ta có thể đi tới chỗ là cho mình, nhờ vào hình ảnh chính xác về anh ta do người khác tạo ra hay nhờ vào thành quả, công trình của chính anh ta diễn tả đầy đủ về nhân cách của anh ta, nhưng [anh ta có thể vẫn] không nhận ra được chính mình ở trong đó. Một lý do tại sao anh ta không thể nhận ra chính mình là vì: hình ảnh hay công trình như vậy lẽ ra không chỉ cho anh ta thấy những gì là tự mình, mà còn hiện thực hóa các tư tưởng, tình cảm và các đặc điểm nơi mình, thì bây giờ chỉ mới là tiềm năng hay phôi thai. Chẳng hạn, đó là khi một nghệ sĩ không thường xuyên vạch kế hoạch đầy đủ cho tác phẩm trong tâm trí của mình trước khi bắt tay thực hiện: tác phẩm nghệ thuật lẽ ra phải biểu lộ, cũng như ngoại tại hóa, các tư tưởng của anh ta, v.v. Hegel khái quát hóa ý tưởng này: một người (hay một nhóm người) có thể tạo ra một công trình hay có một vật thể, cái làm cho anh ta trở thành cho mình, nhưng điều này đòi hỏi phải có thêm hoạt động, nhận thức hay thực hành, nếu anh ta muốn tìm thấy chính mình hay tìm thấy cái tự mình (Ansich) của mình (hay “BẢN CHÂT” của mình) ở trong nó. Nghịch lý là, trong quan niệm về cái Tôi ở trên, cái Tôi như là cái Tôi thường được xem đơn thuần là tự mình: tự mình, nó không được phát triển và khó nắm bắt; nó chỉ trở thành cho mình trong sản phẩm hay đối tượng của nó.
Mỗi ý niệm [tự mình, cho mình] ở trên dành chỗ cho giai đoạn thứ ba, giai đoạn của tôn tại-tự mình và-cho m' mh (Anundfürsichsein), hợp nhất tự mĩnh và cho mình:
(1) Sự quay trở lại của cái Tôi vào trong bản thân mình để lại thế giới đa tạp bên ngoài không được biến đổi. Người thợ may giữ khoảng cách với vai trò nghề nghiệp của mình để suy tưởng về chính mình như một cái Tôi có thể tiến một bước xa hơn tới việc hòa giải chính mình với nghề nghiệp của mình hoặc tìm kiếm một nghề khác, nơi anh ta được tồn tại như “ở trong nhà nơi chính mình” (bei sich).
(2) Người nô lệ và đứa trẻ có thể nỗ lực để đưa hoàn cảnh nô lệ hiện tại hoặc lý tính còn chưa hoàn thiện đến chỗ phù hợp với cái Tự mình (Ansich) hay cái bản chất của mình.
(3) Aristoteles phân biệt hai cấp độ của tính tiềm năng, cũng như của hiện thực đầy đủ:
(a) Khi đứa trẻ chưa học được một ngôn ngữ thì nó chỉ mới là một người giao tiếp tiềm năng.
(b) Một người biết một ngôn ngữ, nhưng hiện nay không nói được, là một người giao tiếp tiềm năng theo nghĩa cao hơn, và là một người giao tiếp hiện thực trái nghĩa với (a).
(c) Một người hiện nay đang nói được là một người giao tiếp hiện thực hoàn toàn.
Nhưng điều này không thể áp dụng được cho, ví dụ, một cái cây, và Hegel không thường sử dụng nó cho các sơ đồ NHỊP BA [sơ đồ tư biện] của ông. Với Hegel, sự phát triển là sự quay trở lại với cái khởi đầu hay với cái tự mình. Cuối cùng cái cây lại tạo ra những hạt giống. Tuổi già đi từ tính thích xung đột của tuổi trẻ trở lại với dạng mang tính từng trải của tính hồn nhiên, thân thiện với thế giới của tuổi ấu thơ.
(4) Tồn tại-tự mĩnh và-cho mình (“Anundfürsichsein”) thường được xem là tồn tại như “trong nhà nơi chính mình” (“Beisichsein”), hay đi đến với chính mình (“zu sich”), trong CÁI KHÁC. Do đó nó là tương tự với tính VÔ HẠN.
Nói chung, Hegel sử dụng chữ sich [mình] với nhiều nghĩa mềm dẻo, biến hóa hơn các nghiên cứu về hệ thống của ông thường nghĩ.
Nguyễn Văn Sướng dịch