Nhận thức [Đức: Erkenntnis; Anh: cognition]
Xem thêm: Khái niệm, Quan năng, Cho-là-đúng (sự), Trực quan, Tri thức, Tri giác, Biểu tượng, Tư duy,
Những sự phân biệt của Kant giữa nhận thức (Erkenntnis), tri thức hay cái biết (Wissen) và sự suy tưởng (Denken) không được các dịch giả chú ý một cách nhất quán - đôi khi cũng không được chính Kant chú ý đến. Thậm chí Kemp Smith trong bản dịch PPLTTT đầy ảnh hưởng của ông lược bỏ có hệ thống sự phân biệt giữa tri thức và nhận thức bằng cách dịch Erkenntnis là “tri thức” (“knowledge”). Trong loại hình học về các biểu tượng trong PPTTTT A 320/B 377, Kant định nghĩa nhận thức là “tri giác khách quan” hoặc “biểu tượng khách quan đi kèm với ý thức”. Có hai loại nhận thức, đó là nhận thức trực quan và nhận thức khái niệm, tương ứng với hai nguồn suối của nhận thức trong cảm năng và giác tính (A 291/ B 351). Nhận thức - đôi khi có những ngoại lệ - được phân biệt với cả tri thức lẫn sự suy tưởng. Tri thức biểu thị sự đầy đủ về mặt chủ quan và về mặt khách quan của một phán đoán, và vì thế là một phẩm chất của sự suy tưởng. Sự suy tưởng, đến lượt nó, chính là sự hợp nhất của những biểu tượng trong một ý thức, hay phán đoán. Trong khi các phạm trù của sự suy tưởng “không hề bị các điều kiện của trực quan cảm tính hạn chê”, thì nhận thức “những gì ta suy tưởng, tức để xác định đối tượng thì cần có trực quan” (PPTTTT B 166). Vì như Kant đã phản tư, “để nhận thức một đối tượng, điều đòi hỏi là tôi có thể chứng minh được khả thể của nó (hoặc bằng tính thực tại của nó do kinh nghiệm xác nhận, hoặc một cách tiên nghiệm bằng lý tính). Còn suy tưởng về một đối tượng, tôi có thể suy tưởng cái gì tôi muốn, miễn là, không tự mâu thuẫn với chính mình” (PPTTTT B 26). Nhận thức về cái mà ta suy tưởng không chỉ đòi hỏi rằng những nhận thức trong hình thái của những khái niệm và những trực quan phải có mặt, mà còn đòi hỏi rằng sự phán đoán, vốn là cái hợp nhất chúng, phải thỏa mãn nguyên tắc mâu thuẫn: đó là những điều kiện mà ta gặp trong trường hợp những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm.
Hoàng Phong Tuấn dịch