Định đề [Hy Lạp: hypothesis; Đức: Postulat; Anh: postulate]
Xem thêm: Tiên đề (các), Định nghĩa, Tự do, Thượng đế, Bất tử (sự) của linh hồn, Nguyên lý,
Trong Phân tích pháp II (1941, 76a, 31-77a, 5) Aristoteles giới thiệu các định đề cùng với các tiên đề và các định nghĩa như là các nguyên tắc không chứng minh được của nhận thức chứng minh. Các tiên đê (axioms) là các nguyên tắc không chứng minh được có chung cho mọi khoa học; các định nghĩa (definitions) phát biểu các đặc trưng riêng dành cho những khoa học đặc thù; trong khi các định đê (postulates) là những phát biểu về sự kiện mà “sự tồn tại của sự kiện được suy luận ra phụ thuộc vào sự tồn tại của định đề này” (1941, 76b, 39). Ba nguyên tắc của nhận thức có thể được minh họa bằng quyển Các yếu tố của hình học của Euclid; trong đó, tiên đề đầu tiên của nó phát biểu chân lý chung của loài (generic truth) rằng “Những vật bằng với cùng một vật thì bằng nhau”; định nghĩa đầu tiên của nó định nghĩa đặc tính của điểm hình học là “cái gì không có bộ phận”; và định đề hóa rằng để các đối tượng hình học tồn tại, người ta phải mặc nhiên thừa nhận có thể “vẽ một đường thẳng qua hai điểm bất kỳ” (xem Euclid, 1956).
Sự sử dụng định đề của Kant vẫn còn nằm bên trong tính chính thống của trường phái Aristoteles, xem định đề là một điều kiện cần cho nhận thức chứng minh về “sự kiện được suy luận ra”. Trong L, Kant định nghĩa định đề là “mệnh đề thực hành, chắc chắn một cách trực tiếp hay một mệnh đề nền tảng quy định một hành động có thể có của cái gì được tiền giả định rằng cách thức thực hiện nó là chắc chắn một cách trực tiếp” (L, tr. 607). Thuật ngữ này được sử dụng trong triết học lý thuyết để mô tả các nguyên tắc tình thái của “các định đề của tư duy thường nghiệm” - sự xác định rõ có phương pháp về mối quan hệ giữa giác tính và sự tổng hợp các hiện tượng. Tuy nhiên, ứng dụng chủ yếu của nó là trong triết học thực hành.
Trong L, Kant viện đến “các định đề lý thuyết cho mục đích của lý tính thực hành” và lên danh sách chúng gồm sự hiện hữu của Thượng đế, sự tự do và sự hiện hữu của thế giới khác (tr. 608). Những điều này xuất hiện lại trong PPLTTH, và “thế giới khác” được thay bằng “sự bất tử”, thành ba “định đề của lý tính thuần túy thực hành”. Chúng là “các điều kiện tất yếu cho sự phục tùng” của một hữu thể hữu hạn đối với quy luật luân lý quy định ý chí của nó. Chúng phải được định đề hóa để xác lập sự tôn kính đối với quy luật luân lý, và khả thể cho việc hiện thực hóa quy luật ấy. Sự bất tử [của linh hồn] phải được định đề hóa để thỏa mãn “điều kiện cần về mặt thực hành, đó là một sự kéo dài [sự sống] tương ứng trọn vẹn với việc thực hiện hoàn chỉnh quy luật luân lý”; sự tự do được định đề hóa để thỏa mãn điều kiện của “sự độc lập với thế giới cảm tính và của quan năng quy định ý chí của ta dựa theo quy luật của một thế giới khả niệm”; và Thượng đế để thỏa mãn tiền giả định về “một sự Thiện-tối cao độc lập tự chủ” (PPLTTH, tr. 131, tr. 136).
Kant cũng đi theo Aristoteles trong việc xem các định đề là không thể chứng minh được. Bằng cách này, Kant giữ vững sự phê phán của ông đối với các nỗ lực muốn nhận thức các tồn tại như Thượng đế, vũ trụ và linh hồn trong “Biện chứng pháp siêu nghiệm” của PPLTTT, trong khi biện minh chúng trong PPLTTH như là các điều kiện của “khả thể cho các đối tượng của một ý chí được quy định bởi quy luật đó” (tr. 133, tr. 138). Trong một cách nói tương tự với định nghĩa của Aristoteles về các định đề đã được dẫn ở trên, Kant khẳng định rằng chúng được định đề hóa thông qua quy luật luân lý và vì quy luật luân lý” (tr. 131, tr. 13 3). Các định đề là các phát biểu mà sự hiện hữu của quy luật luân lý phụ thuộc vào, nhưng chính chúng lại rút ra tính giá trị hiệu lực của mình từ sự hiện hữu của quy luật luân lý ấy.
Những người kế tục Kant, đầu tiên là Hegel và tiếp theo là Nietzsche, khôngthể chấp nhận các định đề ấy. Với họ, trongthuật ngữ của Aristoteles, chúng là “các giả thiết không chính đáng”, thậm chí Nietzsche xem chúng như sự trừng phạt đối với Kant về việc ông đã tạo ra mệnh lệnh nhất quyết: nó đã dẫn ông “đi chệch hướng - nay quay trở lại với “Thượng đê”, “linh hồn”, “sự tự do”, và “sự bất tử”, giống như một con cáo lạc đường và quay trở lại cái cũi của mình, mặc dù nó vốn đã có đủ sức mạnh và sự thông minh để phá tung cái cũi ấy!” (Nietzsche, 1882 § 335).
Mai Sơn dịch