Ỹ thức [Đức: Bewusstsein; Anh: consciousness]
Xem thêm: Thông giác, nhận thức, cáỉ Tôi, “Tôi tư duy”, Đồng nhất, Võng luận, Tri giác, Tâm lý học, Biểu tượng, Tự khởi, Chủ thể, Tổng hợp, Thống nhất,
Trong L, Kant định nghĩa ý thức như “sự hình dung rằng biểu tượng khác nằm trong tôi” tạo thành “điều kiện phổ quát cho mọi nhận thức nói chung” (L, tr. 544). Nó được cho là “đi kèm” với mọi nhận thức, xác định hình thức hay “cái làm thế nào” [có thể có được] của nhận thức (đối lập với chất thể hay nhận thức về “cái gì”). Với quan niệm về một “điêu kiện” vốn còn là một “sự đi kèm” với nhận thức, Kant tỏ ra là người thừa kế của một truyền thống tư tưởng rất phức tạp về địa vị chính xác của ý thức.
Trong De Anima [Vê Linh hồn], Aristoteles nêu ra nhiều vấn đề mà sau này sẽ xuyên suốt nỗ lực muốn định nghĩa ý thức. Ông tra hỏi liệu sự ý thức của việc nhìn có được mang lại cho ta qua thị giác “hay qua giác quan nào đó không phải thị giác” không, và nếu là cái sau, liệu “chúng ta hoặc phải rổi vào một sự quy thoái vô hạn, hoặc chúng ta phải giả định một giác quan có ý thức về chính nó” không (Aristoteles, 1941, 435b, 17). Aristoteles thích lựa chọn sau hon, nhưng vấn đề về địa vị của “sự có ý thức” hay “ý thức”, liên quan đến cái mà nó ý thức về, vẫn là một lý do cần quan tâm. Vấn đề giống vậy nảy sinh với tinh thần vốn “tự nó là có thể suy tưởng được theo cùng những cách thức giống như những đối tượng của nó” (Aristoteles, 1941, 430a, 2). Nếu không, hẳn chúng ta sẽ buộc phải tìm kiếm một hình thức của ý thức có thể chứa đựng cả tinh thần lẫn các đối tượng của nó, nếu thế thì làm thế nào chúng ta có thể trở nên có ý thức về điều này? Nói khác đi, ý thức đi kèm với một tri giác luôn vượt khỏi chính nó để chỉ đến một hình thức có tính thâu gồm [inclusive] hon của ý thức.
Trước thế kỷ XVII, không có một thuật ngữ riêng biệt nào tương ứng với “ý thức”; nó không được xem như một đặc tính của tinh thần hoặc các giác quan mà là một trong những hành động của chúng. Descartes mô tả những hành vi của việc trở nên có ý thức, chứ không phải những hành vi của một ý thức, trong khi Spinoza mô tả hành vi của linh hồn trở nên có ý thức về chính nó như “tính cảm giác”. Thuật ngữ “ý thức” lần đầu tiên được sử dụng nhất quán bởi Locke (1690), và theo sau ông là Leibniz (1765, Leibniz sử dụng thuật ngữ consciosite). Locke định nghĩa ý thức như “tri giác vê cái gì diễn ra trong tinh thần riêng của một người” (1690, tr. 42) và rút nó ra từ những hành vi của ý thức. Tuy nhiên, quan tâm chính của ông là lập luận từ sự kiện của ý thức, đến sự kiện của sự đồng nhất cá nhân, [để] biến ý thức thành cơ sở của một chủ thể: “Bởi lẽ, chính cùng ý thức như nhau đã làm cho một người là chính mình đối với chính mình, sự đồng nhất cá nhân phụ thuộc chỉ vào điều đó...” (tr. 163). Ý thức, từ việc là hành động của tinh thần hoặc của các giác quan, trở thành một hành vi của tự-ý thức đóng vai trò như một điều kiện cho mọi hành vi khác của ý thức. Với điều này, sự sợ hãi kiểu Aristoteles về một sự qui thoái vô tận đã được làm dịu đi. Kant phát triển tư tưởng rằng ý thức là một với tự-ý thức, nhưng không xem cái sau như thuộc tính của một chủ thể thường nghiệm.
Trường phái triết học Wolff đã xem ý thức như hành vi của việc có ý thức (Bewust seyn, conscium esse), hoặc như Meissner (1737) đã định nghĩa nó là “một đặc tính mà qua đó ta biết rằng ta đang suy tưởng”. Nó là một đặc tính thuần túy hình thức mà không có bất kỳ hàm ý nào gây ra những vấn đề tranh cãi về tự-ý thức và sự đồng nhất cá nhân. Kant tán thành quan điểm này về ý thức, khẳng định trong võng luận thứ ba rằng “vậy, sự đồng nhất của ý thức về chính tôi trong những thời gian khác nhau chỉ là một điều kiện mô thức của các ý tưởng của tôi và của sự nối kết giữa chúng, chứ không hề chứng minh sự đồng nhất số lượng của chủ thể tôi” (PPLTTT, A 363). Điều kiện mô thức này là sản phẩm của một “hành vi của tính tự khởi” vốn không thể được áp dụng vào bất kỳ chủ thể thường nghiệm nào hết; nó là “Tự-ý thức, tức là cái một khi làm nảy sinh biểu tượng “tôi tư duy” thì mọi biểu tượng khác đều phải có thể đi kèm theo ngay, và nó vẫn là nó trong mọi [hành vi của] ý thức và nó không thể lại đi kèm theo một biểu tượng nào khác nữa” (PPLTTT, B 132). Hành vi này, đồng nhất với thông giác thuần túy, tạo ra “sự thống nhất siêu nghiệm của tự-ý thức” vừa là điều kiện vừa là cái đi kèm của kinh nghiệm trong khi tự nó lại không phải là một đối tượng có thể có của kinh nghiệm. Nó đem lại một chân trời tiên nghiệm cho những phán đoán của kinh nghiệm vốn không gì khác hon là “sự thống nhất các biểu tượng trong một ý thức” (SL § 22). Như thế, nó phải được phân biệt triệt để với ý thức về chính chúng ta như những hữu thể thường nghiệm, hữu hạn, vốn là quan tâm của “ý thức (được áp dụng trong) tâm lý học” (NLH, § 7).
Thế hệ các triết gia ngay sau Kant đã biến Tự-ý thức thành “nguyên tắc cao nhất” của các hệ thống triết học của họ. Schelling, chẳng hạn, tuyên bố rằng “chắc chắn là với chúng ta, nhận thức Sổ yếu là nhận thức về chính ta, hay tự-nhận thức” (1800, tr. 23). Tuy nhiên, Hegel đã nỗ lực vượt khỏi triết học về ý thức. Ông phân biệt giữa ý thức, là cái quan hệ với một đối tượng, với Tự-ý thức là cái quan hệ giữa một chủ thể với Tự-ý thức khác. Ông phê phán Kant và Fichte đã bỏ qua [sự phân biệt] ý thức và Tự-ý thức, và cho rằng điều này đã dẫn đến việc đặt ra một cái Tự-ý thức bất khả tri nhưng lại có tính chủ quyền, xem các Tự-ý thức khác như thể chúng là những sự vật. Trong Hiện tượng học Tinh thần, Hegel đưa ra một khảo sát về sự ra đời của ý thức và Tự-ý thức dựa trên một sự đấu tranh giành sự thừa nhận, trong đó Tự-ý thức được khám phá thông qua sự thừa nhận của Tự-ý thức khác. Thoát ly khỏi việc đặt ngang hàng, trên phưong diện lý thuyết, giữa Tự-ý thức với chủ thể thống nhất, sự phát triển này đã báo trước nhiều bước phát triển trong triết học về ý thức của thế kỷ XX, nhất là những phát triển trong lĩnh vực phân tâm học, ở đó cái vô thức được xem như một nguồn suối của ý nghĩa được định vị ở bên kia chủ thể cá nhân (xem Freud, 1915). Chủ đề về ý thức có tầm ý nghĩa chính trị trong lý thuyết mácxít và nghiên cứu mácxít về ý thức giai cấp (xem Tenin, 1902; Tukács, 1922).
Hoàng Phú Phương dịch