THỨC TỈNH
[VI] THỨC TỈNH (Cơ sở sinh lý)
[FR] Vigilance
[EN]
[VI] Từ thức tỉnh đến ngủ mê, từ tỉnh táo trung bình đến tập trung chú ý hay cảnh giác cao độ cho đến cảm kích là nhiều mức độ khác nhau của một tình trạng chung, là tư thế, thái độ của con người trước những biến động của môi trường chung quanh, sẵn sàng hay không sẵn sàng đối phó. Tất cả những tình trạng ấy đều có một cơ sở sinh lý chung, là một số phản ứng đặc thù của một số bộ phận: - Biến động điện não đồ (x. từ này) - Biến động trương lực cơ thể hiện qua điện cơ đồ - Biến động về các phản xạ gân - Biến động về thần kinh thực vật gây nên biến động nhịp tim, mạch thắt lại hay nở ra (đỏ hay tái mặt), con ngươi nở ra, nhịp thở bị rối, dạ dày và ruột rối loạn, các tuyến giảm hay tăng bài tiết. Biến động bài tiết tuyến mồ hôi ảnh hưởng đến điện trở của da. ( thể hiện qua điện đồ của da). Thể lưới (TL) (formation réticulée) là bộ phận não chi phối các phản ứng trên: đây là một khối nơ-ron nằm ở hạ não, kết thành một mạng lưới chằng chịt, với những dây trụ rất ngắn nối kết với nhau thành vô số vòng mạch phức tạp. Từ các giác quan (nội cảm, ngoại cảm, tự cảm), ngoài những tín hiệu truyền về các trung khu riêng biệt, còn có những tín hiệu không đặc thù truyền về TL; rồi từ TL lại phát ra những tín hiệu hoặc truyền lên vỏ não, hoặc truyền qua hệ thần kinh thực vật. Cắm những điện cực vào TL và kích thích, thấy rõ tác động của bộ phận này đến các phản ứng sinh lý nói trên, và gây ra những tình trạng thức tỉnh ở mức độ khác nhau. Người ta phân biệt được trong TL một bộ phận hoạt tính kích thích vỏ não và thần kinh thực vật, và một bộ phận ức chế. Vỏ não cũng có thể kích thích hay ức chế hoạt động của TL.