Tùy thể [Hy Lạp: symbebekos; Latinh: accidens; Đức: Akzidens; Anh: accident]
Xem thêm: Loại suy của Kinh nghiệm, Bản chất, Cảm tính hóa, “Tôi tư duy”, Niệm thức thuyết, Chủ thể,
Tùy thể được định nghĩa một cách cổ điển như đối lập với bản thể, và trong Logic học kinh viện hậu kỳ và logic học Descartes được xem như một trong năm “ý niệm phổ biến” bên cạnh loài (genus), giống (species), sự khác biệt (difference) và tính chất (property). Từ thời Aristoteles, thuật ngữ này đã nối kết nghĩa logic học và nghĩa bản thể học: một tùy thể vừa là cái gì có thể được gán làm vị từ cho một chủ thể vừa không thể tồn tại mà không có một chủ thể. Nó là cái đối ngược với bản thể hay là cái “không thể biểu thị một chủ thể vừa không hiện diện trong một chủ thể” (Aristoteles, 1941, 2a, 12). Đi theo Aristoteles, Aquinas định nghĩa một tùy thể như cái gì có “sự tôn tại” của nó “trong cái khác” (Aquinas, 1975, 1, 63, 3), và ông nói thêm rằng “một bản thể không phụ thuộc vào một tùy thể, mặc dù một tùy thể phụ thuộc vào một bản thể’ (sđd, I, 23, 7). Những tùy thể có thể xảy ra cho một bản thể, mặc dù chúng không cần thiết cho định nghĩa hay sự hiện hữu của bản thể. Descartes cải tiến điểm này, bằng cách dùng ví dụ về một hình tam giác để phân biệt giữa năm “ỷ niệm phổ biến”: một hình thể được giới hạn bởi ba đường thẳng
hình thành nên loại (genus) hình tam giác; một số hình được dị biệt hóa với những hình khác bởi chúng có một góc vuông, tức cái phân biệt chúng như một giống (species); những góc vuông này có tính chất là tổng số bình phương của các cạnh góc vuông bằng bình phương cạnh huyền [tức a2 = b2 + c2]. Cuối cùng, một số hình tam giác được dịch chuyển và một số khác thì vẫn đứng yên; tuy nhiên, sự vận động là một tùy thể và không có tính chất thiết yếu nào đối với định nghĩa về hình tam giác cả (Descartes, 1644, tr. 26; xem thêm Arnauld, 1662, tr. 58).
Leibniz phần lớn đi theo Descartes nhưng ông làm rõ tính cách thời gian của bản thể và tùy thể: “Một thực thể là tự thân [per se] hoặc là tùy thể [per accidens]; hay, một hạn từ có tính tất yếu hoặc có thể biến đổi. Vì thế, “người” là một thực thể tự thân, nhưng “người có học thức” hay “ông vua” lại là những thực thể có tính cách tùy thể. Bởi cái gì được gọi là “người” thì không thể thôi không là một con người, trừ phi bị thủ tiêu; nhưng ai đó có thể bắt đầu hoặc thôi là một ông vua hoặc một người có học thức, mặc dù người ấy tự họ vẫn là chính họ” (Leibniz, 1966, tr. 47). Bản thể vì thế được tái định nghĩa như cái có thể kéo dài qua thời gian, trong khi các tùy thể là những tính chất có thể biến đổi qua thời gian mà không thủ tiêu bản thể.
Hobbes, Locke và Hume có ý muốn xem nhẹ sự phân biệt giữa bản thể và tùy thể. Locke lưu ý rằng: “Những ai lúc đầu nghĩ ra quan niệm về các tùy thể, như một loại các tồn tại có thực nhưng cần có cái gì đó để bám vào, thì họ hẳn sẽ buộc phải tìm ra từ bản thể để nâng đỡ những tùy thể ấy” (Locke, 1690, tr. 86). Hume thậm chí còn ít khoan dung hơn: “cùng một thói quen khiến ta suy ra một mối liên kết giữa nguyên nhân và kết quả, cũng khiến ta ở đây suy ra một sự phụ thuộc của mọi đặc tính vào bản thể không được biết tới” (Hume, 1739, tr. 222). Nhưng ngay khi Kant tìm cách cứu vãn phạm trù về tính nhân quả ra khỏi thuyết hoài nghi của Hume, thì để làm vậy ông cũng đã bảo vệ phạm trù tương quan giữa bản thể và tùy thể, nhưng trong hình thức kiểu Leibniz, tức xét nó như một phương cách của tính thời gian.
Bàn luận của Kant về bản thể và các tùy thể có nhiều đặc điểm thú vị: substantia et accidens [Bản thể và các tùy thể] là phạm trù đầu tiên của các phạm trù về tương quan (PPLTTT A80/ B 106), “tuy phạm trù [bản thể] này vẫn phục tùng các đề mục của phạm trù về tương quan nhưng [lại được xem] như là điều kiện cho các phạm trù tương quan hơn là tự bản thân nó cũng chứa đựng một mối tương quan” (PPLTTT, A 187/ B 230). Như Mellin đã nhận xét, điều này biến phạm trù bản thể thành “nền tảng cho mọi phạm trù khác” (Mellin, 1797, tập 1, tr. 49). Kant còn thấy rằng sự phân biệt giữa các tùy thể với bản thể, vốn “ở thời nào cũng vậy”, được thừa nhận “không chỉ bởi các triết gia mà ngay cả trong tâm trí bình thường của mọi người” như “nền tảng của mọi kinh nghiệm” “vì ai cũng cảm thấy cần nó trong nhận thức thường nghiệm”, “mà lại không hề được chứng minh” (PPLTTT A 184-185/ B 227-228).
Từ việc không được chứng minh, Kant không kết luận rằng ông nên đi theo Hume để vứt bỏ các tùy thể và bản thể, nhưng ông cho rằng bản thân hình thức của sự chứng minh phải được xem xét lại (SL §46). Thức nhận của Kant về tính vô bổ của việc tìm kiếm nền tảng của sự tương quan ở trong một sự tương quan khác dẫn ông đến việc thách thức tính nước đôi giữa phương diện logic học và phương diện bản thể học của các tùy thể và bản thể. Bản thể không thể được xem như thể nó là chủ từ của một phán đoán hay một mệnh đề, và các tùy thể cũng không thể được xem như thể chúng đơn thuần là những vị từ. Ta không thể nào đạt đến được chủ từ tối hậu - tức bản thể - bằng phương pháp suy lý được, vì tư tưởng suy lý có xu hướng đi tới một sự quy thoái vô tận, trong đó mỗi chủ từ thực ra chỉ là vị từ của chủ từ khác. Kant kết luận rằng: “chúng ta không được xem bất kỳ cái gì mà chúng ta có thể đạt đến được là một chủ thể tối hậu, và bản thể-tự thân không bao giờ có thể được suy tưởng bằng giác tính của ta được, cho dù chúng ta có thể thâm nhập vào sâu đến đâu, thậm chí cả khi toàn bộ tự nhiên được vén mở ra cho ta” (SL §46). Vì kỳ cùng - và đây là bài học của những võng luận - không khéo chúng ta sẽ đi theo những người theo phái Descartes và xem chủ thể tư duy, hay cái Tôi của cogito, như một chủ thể hay bản thể tuyệt đối.
Tuy vậy, quả có một nhu cầu cần chứng minh về các tùy thể/ bản thể, và nhu cầu ấy chỉ có thể được thỏa mãn bằng một luận cứ loại suy dựa vào nguyên tắc về sự thường tồn/ sự biến đổi. Thay cho việc xem bản thể như chủ thể, như một “vật tự thân’ đối với những tùy thể vốn có thể được gán làm thuộc tính, thì cần thiết phải chứng minh rằng nguyên tắc loại suy về sự thường tồn và sự biến đổi hình thành nên một điều kiện cần cho kinh nghiệm. Chứng minh này được trình bày trong loại suy thứ nhất của kinh nghiệm trong PPLTTT.
Với lập luận bằng loại suy, Kant vừa bảo tồn mối quan hệ truyền thống giữa bản thể và tùy thể, trong khi vừa chuyển dịch nó thành nguyên tắc hiện đại về sự thường tồn và sự biến đổi. Trong sự chuyển dịch này, tùy thể và bản thể được giải thoát khỏi sự phụ thuộc của chúng vào sự vị từ hóa về mặt logic và được xem xét dựa vào các thuật ngữ bản thể học là hiện hữu và thời gian. Kant lập luận rằng sự biến đổi - sự cùng tồn tại và sự tiếp diễn của các hiện tượng - là phụ thuộc vào sự thường tồn theo một cách tư ổng tự với sự phụ thuộc của các tùy thể vào bản thể. Tức là, sự biến đổi không thể được kinh nghiệm, đo lường hay hình dung mà không có sự thường tồn.
Kant không nói, như một số nhà bình luận phân tích đã khẳng định, rằng bản thân sự thường tồn trong thời gian trở thành bản thể; mà đúng hon ông nói rằng nó đứng trong một mối quan hệ với sự biến đổi tưong tự như quan hệ của bản thể với các tùy thể. Nó là “cái đối ứng lâu dài” của sự biến đổi; nó có thể được suy tưởng mà không cần có những sự vật có thể biến đổi, nhưng những sự vật này không thể được suy tưởng mà không có nó. Mối quan hệ giữa sự thường tồn và sự biến đổi là tưong tự với mối quan hệ giữa bản thể với những tùy thể: “Bản thể là. thường tồn và chỉ có những tùy thế’ là. thay đổi” (PPLTTT A 184/ B 227); “tùy thể chỉ là phưong cách làm thế nào để sự tồn tại của một bản thể được xác định một cách tích cực” (A 187/ B 230). Nó là cái mà Kant gọi trong PPNLPĐ là “sự cảm tính hóa” (hypotyposis) hay “sự trình bày gián tiếp” (PPNLPĐ §59). Trong quyển ấy, ông trực tiếp trích dẫn Locke và ví dụ về bản thể và tùy thể để minh họa sự phân biệt giữa biểu trưng với niệm thức và những sự sử dụng suy luận loại suy (PPNLPĐ §59). Trong trường hợp này, tùy thể và bản thể cung cấp một biểu trưng về một mối quan hệ, trong khi sự thường tồn và sự biến đổi cung cấp niệm thức cho nó.
Vì lẽ giác tính chỉ có thể suy tưởng bản thể và tùy thể dưới phạm trù về tương quan, nên nó tách rời chúng khỏi nhau một cách giả tạo hơn là xem chúng như phụ thuộc lẫn nhau một cách không thể tách rời được. Tương tự như thế, giác tính tách rời sự thường tồn với sự biến đổi, xem những cái đang tồn tại như đang trải qua sự biến đổi trong thời gian, hơn là phân biệt rõ tính không thể tách rời được giữa sự thường tồn và sự biến đổi. Tuy nhiên, chính xác là, sự phụ thuộc này là nền tảng cho mối quan hệ logic và vì thế cho mọi sự tổng hợp về mặt phạm trù, và do đó, mang lại “tiêu chuẩn thường nghiệm về sự thường tồn tất yếu này và cùng với nó, về tính bản thể của các hiện tượng” (PPLTTT, A 189/ B 232).
Sự sử dụng của Kant về suy luận loại suy không được những người kế tục nhìn nhận đầy đủ: hầu hết những nhà phê phán và những nhà bình giải hoặc nắm lấy nghiên cứu của ông về bản thể và tùy thể theo nghĩa đen, hoặc làm ngơ nó hoàn toàn. Trong Wissenschaftslehre [Học thuyết-Khoa học], Fichte phê phán Kant là đã không giải thích mối quan hệ giữa bản thể và các tùy thể của nó (Fichte, 1794, tr. 23) và Fichte tiến hành làm việc đó bằng cách cải biến bản thể thành chủ thể hay “cái Tôi [tự-]thiết định” (sđd, tr. 185). Schopenhauer tuyên bố một sự chính đáng hóa bề ngoài của Kant cho sự đồng nhất hóa của ông về bản thể với vật chất, và các tùy thể với những phương cách hành động hay vật chất đang vận động (Schopenhauer, 1813, tr. 119). Nietzsche, khoảng cuối thế kỷ XIX, phê phán Kant đã thông đồng với truyền thống [Descartes] trong việc lược bỏ chủ thể logic bằng cách thay vào đó bản thể bản thể học và vì thế đã biến những hiện tượng thành những biểu lộ đơn thuần của một bản thể bất khả tri (xem Nietzsche, 1901, §§484-485). Công trình gần đây đã dẫn đến một cách hiểu được làm mới lại về những hình thức loại suy của lập luận (xem Derrida, 1987, tr. 75-76) và đã mở ra con đường cho một sự tán thưởng tinh vi hơn về sự sử dụng chiến lược của Kant đối với những thuật ngữ cổ điển như tùy thể và bản thể.
Hoàng Phú Phương dịch