Diễn dịch [Latinh: deductio; Đức: Deduktion; Anh: deduction]
Xem thêm: Thông giác, Phạm trù, Nối kết (sự), Khái niệm, Sự kiện, Tưởng tượng, Quy nạp, Trực quan, Sở hữu, Không gian, Tổng hợp, Thời gian, Giác tính,
Trong mỗi Phân tích pháp của ba quyển Phê phán, Kant đều đưa ra một sự diễn dịch: trong PPLTTT, là diễn dịch những khái niệm thuần túy của giác tính; trong PPLTTH, diễn dịch những nguyên tắc của lý tính thuần túy thực hành; và trong PPNLPĐ, diễn dịch tính chính đáng của những phán đoán thuần túy thẩm mỹ về sở thích. Không giống như Descartes, Kant không dùng sự diễn dịch theo nghĩa hình học để nói lên “bất kỳ cái gì được suy ra một cách tất yếu từ những sự vật khác vốn đã được nhận biết với sự chắc chắn” (Descartes, 1968, p.8). Ngược lại, sự sử dụng của Kant được rút ra từ thực tiễn hoạt động của những luật gia của Đế chế là những người “khi bàn về thẩm quyền và yêu sách, phân biệt trong hành động pháp luật vấn đề về thẩm quyền (hợp pháp luật) (quid juris) với vấn đề về sự kiện thực tế (vấn đề có thật và đang tồn tại) (quid facti); và họ đòi hỏi cả hai phải được chứng minh. Bằng chứng của vấn đề thứ nhất là phải khẳng định quyền hay yêu sách pháp luật, họ gọi đó là sự diễn dịch” (PPLTTT A 84/B 116). Sự diễn dịch triết học trong mỗi quyển phê phán đều đòi hỏi phải biện minh sự sở hữu và/hoặc sự sử dụng những khái niệm thuần túy lý thuyết của giác tính, những nguyên tắc thực hành của lý tính thuần túy thực hành và những phán đoán thẩm mỹ về sở thích.
Kant mô tả một cách nhất quán sự “diễn dịch về các phạm trù” trong PPLTTT như là một “vấn đề cực kỳ khó khăn” và cũng là một vấn đề trước nay chưa được ai thử làm” (PPLTTT A 98). Trong PPLTTT, Kant đã đảm nhận [vấn đề này] để biện minh “làm thế nào [mà] những khái niệm này [những khái niệm thuần túy của giác tính = những phạm trù] có thể quan hệ với những đối tượng trong khi những khái niệm ấy không được rút ra từ bất kỳ kinh nghiệm nào” (A 85/B 117). Kant phân biệt hình thức này của sự diễn dịch siêu nghiệm, tức cái tìm cách xác lập tính hợp pháp của những khái niệm như vậy, với một sự diễn dịch thường nghiệm, tức là sự đi tìm những nguồn gốc của chúng ở trong kinh nghiệm.
Trong SL và ấn bản lần hai của quyển PPLTTT, Kant đã quy cách thức tiến hành diễn dịch thường nghiệm cho Locke và Hume (SL tr. 260, tr. 6, PPLTTT B127) và đã đối lập nó với sự diễn dịch siêu nghiệm của chính mình, và để nhấn mạnh điểm này, một lần nữa Kant mô tả công việc này như “một nhiệm vụ khó khăn nhất phải đảm nhận để phụng sự siêu hình học” (SL tr. 260, tr. 6). Sự diễn dịch của Locke và Hume là một “sự phái sinh tự nhiên học”, không liên quan với sự hợp pháp (quid juris) mà chỉ liên quan đến sự kiện thực tế (quid facti) của việc sở hữu những khái niệm.
Cách thức tiến hành của Kant về diễn dịch siêu nghiệm có nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, Kant xác lập tính hợp pháp [tính chính đáng] của những mô thức của trực quan (không gian và thời gian). Vì lẽ các đối tượng chỉ có thể xuất hiện ra cho ta “nhờ vào các mô thức thuần túy như thế của cảm năng”, nên không gian và thời gian là “các trực quan thuần túy” hợp pháp “chứa đựng một cách tiên nghiệm các điều kiện cho khả thể của những đối tượng như là những hiện tượng” (PPLTTT A 89/B 121). Từ đây Kant tiếp tục đặt câu hỏi phải chăng “cũng có các khái niệm đi trước một cách tiên nghiệm như là các điều kiện [cũng có sẵn trong tâm thức] chính nhờ đó mà một cái gì - dù không được trực quan - vẫn được suy tưởng như một đối tượng nói chung, và nếu quả như vậy thì mọi nhận thức thường nghiệm về những đối tượng cũng phải phù hợp một cách tất yếu với các khái niệm này bởi, nếu không có tiền đề này, không có gì có thể trở thành đối tượng của kinh nghiệm được cả” (PPLTTT A 93/B 126). Sự diễn dịch về các phạm trù sẽ được hoàn tất nếu có thể chứng minh rằng “chỉ nhờ chúng, một đối tượng mới có thể được suy tưởng” (PPLTTT A 97). Số lượng và tính cách của những phạm trù đã được xác lập trong một sự diễn dịch siêu hình học từ những hình thức của phán đoán (xem PPLTTT A 70/B 95ff).
Trong SL và Lời nói đầu cho ấn bản lần thứ hai của PPLTTT, Kant biểu lộ sự không hài lòng của mình với Chương hai của Phân tích pháp về diễn dịch siêu nghiệm, và đã viết lại chương này cho lần tái bản vào năm 1787. Vì lẽ có nhiều sự khác nhau giữa hai ấn bản [nên] đã dẫn đến việc chúng được mô tả, với vài sự cường điệu, như sự diễn dịch “chủ quan” và “khách quan”. Chìa khóa cho cả hai sự diễn dịch là ở chỗ “mọi hiện tượng ở trong kinh nghiệm không những phải phục tùng các điều kiện của sự thống nhất tất yếu của thông giác giống như trong trực quan đơn thuần chúng cũng phải phục tùng các điều kiện mô thức của không gian và thời gian” (PPLTTT A 110). Sự thống nhất của thông giác mang lại “trật tự và tính hợp quy luật trong những hiện tượng” (A 125) hoàn thành “sự thống nhất mang tính tổng hợp của tất cả những hiện tượng dựa theo những mô thức của những phạm trù. Trong ấn bản năm 1781, sự diễn dịch, sự nghiên cứu về tính thống nhất của thông giác được diễn tả bằng những hoạt động tổng hợp (sự lĩnh hội, sự tái tạo, sự tổng hợp) của một chủ thể hữu hạn mà tất cả những biểu tượng của nó đều “phục tùng điều kiện mô thức của giác quan bên trong, tức phục tùng thời gian” (A 99). Ân bản này nhấn mạnh công việc của “trí tưởng tượng tác tạo” khi quan hệ với “sự thống nhất của thông giác” cấu tạo nên giác tính, với những phạm trù của nó hay “những phương cách thuần túy một cách tiên nghiệm”.
Nghiên cứu về diễn dịch siêu nghiệm trong lần xuất bản thứ hai khác biệt với ấn bản lần thứ nhất ở đặc tính được gán cho sự thống nhất của thông giác: bây giờ nó được “tuyên bố là khách quan, và... được phân biệt với sự thống nhất chủ quan của ý thức, vốn là một sự quy định của giác quan bên trong” (PPLTTT B 139). Điều này dẫn đến một sự nhấn mạnh hơn vào sự nối kết và việc giảm nhẹ sự tổng hợp chủ quan, nhưng kết luận toàn thể vẫn không thay đổi: “những quy luật của những hiện tượng trong tự nhiên phải phù hợp một cách tiên nghiệm với giác tính và với mô thức tiên nghiệm của giác tính - tức với quan năng của giác tính nỗi kết cái đa tạp nói chung” (B 164).
Tuy nhiên, việc biểu lộ một sự ưu ái đối với ấn bản này hay ấn bản kia của các sự diễn dịch như đã nói trên dần trở thành một tiêu ngữ trong những nghiên cứu về triết học Kant, trong đó Heidegger và truyền thống lục địa ưu ái ấn bản lần thứ nhất, còn truyền thống Anh-Mỹ (Anglo-American) thiên về Descartes nhiều hơn lại chọn lấy ấn bản lần thứ hai.
Những diễn dịch của Kant trong quyển phê phán thứ hai và thứ ba còn xa mới có tính tỉ mỉ như diễn dịch siêu nghiệm của quyển phê phán đầu tiên. Trong quyển phê phán thứ hai, Kant tuyên bố rằng “tính thực tại khách quan của quy luật luân lý” không thể nào được chứng minh bằng bất kỳ một sự diễn dịch nào, tuy thế nó vẫn được xác lập (một cách vững chắc) tự bản thân mình như một nguyên tắc của sự diễn dịch về một quan năng không thể dò tìm vì không kinh nghiệm nào có thể chứng minh được (PPLTTH tr.47, 48).
Đó là “sự tự do như là một tính nhân quả của lý tính thuần túy”, và sự diễn dịch nó thông qua quy luật luân lý bù đắp sự thiếu hụt trong các Ý niệm vũ trụ học của quyển phê phán thứ nhất, mà Kant từng tuyên bố ắt là không chịu phục tùng một “sự diễn dịch khách quan” nào (PPLTTT A 336/B 393). Sự diễn dịch trong quyển thứ ba cũng đặc biệt ở chỗ, đối tượng của diễn dịch là một hình thức của phán đoán. Ở đây, sự diễn dịch cốt yếu là hợp pháp hóa những yêu sách của phán đoán thẩm mỹ về sở thích để chúng có hiệu lực phổ quát và tất yếu, cho dầu nó là một phán đoán chủ quan. Kant đề xuất một số Cổ sở cho tính hiệu lực này, bắt đầu từ một “thông báo phổ biến” đã được định đề hóa đến sự “hài hòa lẫn nhau giữa trí tưởng tượng và giác tính” cho tới một “cổ sở siêu cảm tính”.
Trần Kỳ Đồng dịch