Trung thực (sự) [Đức: Wahrhaftigkeit; Anh: Truthfulness]
Cam kết mà người nói tạo nên, về nguyên tắc, để biện minh cho sự thành thật của mình với bất cứ ai thách thức họ. Như vậy, nó là một trong bốn yêu sách về giá trị hiệu lực/validity claim.
Cách hiểu của Habermas về sự trung thực chuyển đổi khi lý thuyết về hành động giao tiếp/communicative action của ông phát triển. Ban đầu, Habermas chịu ảnh hưởng từ nghiên cứu của ông về tâm phân học. Sự trung thực vì thế được hiểu qua sự tự do của các tác nhân cá nhân để trình diện bản thân với người khác. Bệnh nhân loạn thần kinh hay cuồng loạn không thể làm điều này, bởi vì anh/chị ta thiếu sự kiểm soát ý thức đầy đủ với thân thể mình (nơi, chẳng hạn, chứng liệt, những trở ngại về phát ngôn, ngất xỉu và những cơn đau có thể hoàn toàn là tự gây ra, mặc dù một cách vô thức, khiến cho những triệu chứng này đối diện với người bệnh như là những bệnh tật thể chất thuần tuý), và có những ký ức bị méo mó (bởi vì anh/chị ta không thể nhớ lại một cách có ý thức các sự kiện chấn thương ẩn sau các triệu chứng của mình). Tình trạng thiếu tự do hoặc thiếu khả năng tự trị này sẽ ngăn chặn khả năng của cá nhân trong việc tham gia vào sự giao tiếp tự do và cởi mở. Đặc biệt, nếu bị thách thức về sự thiếu nhất quán giữa những cử động hay cử chỉ của cơ thể với sự giải thích bằng lời cho những gì anh/chị ta đang làm, anh/chị ta sẽ không có khả năng trả lời (Habermas, 1970a; 1970b).
Sau đó, khi tâm phân học càng ngày càng ít ảnh hưởng đến việc hình thành lý luận của Habermas, quan điểm về sự trung thực cũng chuyển đổi, nhằm tập trung vào hành vi lảng tránh và châm biếm có chủ tâm của cá nhân. Cả người nói dối và người châm biếm đều không thể biện minh cho sự trung thực của những điều họ nói, mặc dù họ ý thức rõ ràng về điều này, và ít nhất trong trường hợp của người nói dối thì họ có thể sử dụng các bước này để duy trì ảo tưởng do lời nói dối tạo nên. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp với quan điểm trước đó, sự trung thực được nhìn nhận như là vấn đề bởi vì tính sai biệt giữa những gì được nói và những gì được làm của người phát ngôn. Người mỉa mai tán dương sáng kiến chống khủng bố của tổng thống Bush, trong khi lại bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Người nói dối nói anh/chị ta ở thư viện lúc 9 giờ, trong khi tôi thấy anh/chị ta trong quán bar vào thời gian đó. Điều này khiến sự trung thực là trường hợp đặc biệt trong số các yêu sách về giá trị hiệu lực, vì sự trung thực của người nói không thể được biện minh qua thảo luận hợp lý tính (vì họ có thể vẫn nói dối hay mỉa mai), mà phải viện dẫn tới hành động quan sát hành vi trước và sau của người nói.
Trong các tác phẩm gần đây hơn, Habermas bắt đầu liên kết sự trung thực với sự tự thể hiện (self-expression), và đặc biệt với vai trò mà nghệ thuật có thể giữ trong việc xiển minh sự tự nhận thức của các nhóm và các cá nhân. Thực ra, điều này nhằm để công nhận chức năng biểu đạt mà ngôn ngữ có thể phụng sự. Như vậy, sự trung thực, có lẽ theo cách khá bất tiện, trở nên có liên kết với năng lực nghệ thuật để tạo ra và diễn đạt cái nhìn về thế giới, và liên quan đến những thay đổi từ các ví dụ đơn giản của những người nói dối hay châm biếm, tới các ví dụ tinh tế hơn làm nảy sinh câu hỏi về sự thoả đáng của hình thức nghệ thuật đặc thù để biểu đạt đời sống nội tâm và các khuôn khổ văn hoá của cá nhân (1992b, tr. 205–227).