Ảo tượng [Đức: Schein; Anh: illusion]
Xem thêm: Cảm nănghọc/Mỹ học, Hiện tượng, Đẹp (cái), Biện chứng pháp, Lẫn lộn (sự), Chân lý,
Sự phân tích về bản tính của ảo tượng là một trong những chủ đề không thay đổi trong tác phẩm của Kant, và là động Cổ chính thúc đẩy ông định nghĩa lại siêu hình học. Ngay từ GM (1766), Kant đã tuyên bố như là cương lĩnh rằng siêu hình học phải là “môn khoa học về những ranh giới của lý tính con người”, là môn khoa học “loại bỏ ảo tưởng và tri thức rỗng tuếch tâng bốc giác tính” (GM tr. 386, tr. 354). Ông lấy lập trường tương tự trong LA (1770), theo đó siêu hình học cần phải tự thanh lọc khỏi các tiên đề và các nguyên tắc ảo tưởng “đánh lừa giác tính và tràn ngập toàn bộ siêu hình học một cách thảm hại” (LA §24). Phù hợp với dự án này, PPLTTT được chia ra thành Phân tích pháp làm nhiệm vụ xác định những ranh giới của siêu hình học, và Biện chứng pháp hay “Logic học vê ảo tượng”, là môn cho thấy những ranh giới này bị lý tính vượt qua như thế nào khi tạo ra những ý niệm siêu việt và vì thế, là những ý niệm ảo tưởng.
Cách hiểu của Kant về bản tính của ảo tượng được phát triển đáng kể từ các tác phẩm thời tiền-phê phán đến PPLTTT. Trong GM, ông tập trung vào những ảo tượng của trí tưởng tượng được hiểu bằng cách loại suy với ảo tượng quang học. Ở đây, ông quan tâm đến phương cách mà “các nhà thấu thị” như Emanuel Swedenborg “chuyển dịch ảo tượng trong trí tưởng tượng của họ và đặt nó ở ngoài bản thân họ” (tr. 343, tr. 331). Một quan niệm tương tự xem ảo tượng là một dạng sai lầm của thị giác cũng chiếm ưu thế trong NH (§13). Bên cạnh quan điểm xem ảo tượng là ảo giác có thể tránh được trong GM, Kant cũng gợi ý một xu hướng cơ bản hơn và không thể tránh khỏi của con người hướng đến ảo tượng khi đưa ra ẩn dụ về sự thiên lệch của giác tính con người quá hướng về “hy vọng trong tương lai” (GM tr. 349, tr. 337).
Trong LA, Kant đã cải tiến một cách đáng kể nghiên cứu của ông về ảo tượng, bằng cách tập trung vào “những ảo tượng của giác tính” hay “những tiên đề lẫn lộn” “đang cố bỏ qua những gì là cảm tính như thể điều này nhất thiết thuộc về một khái niệm của giác tính” (LA §24). Ông đề nghị phải nghiên cứu chúng sâu hơn để tìm ra “viên đá thử”, nhờ đó phân biệt phán đoán đúng với phán đoán sai. Nhằm mục đích này, ông trình bày ba loại tiên đề lẫn lộn hay “những ảo tượng của các nhận thức cảm tính”: một là, điều kiện khả thể cho việc trực quan một đối tượng bị nhầm tưởng là một điều kiện khả thể cho bản thân đối tượng; hai là, những điều kiện cảm tính được dùng để so sánh cái được mang lại để tạo ra một khái niệm lại bị nhầm tưởng là những điều kiện cho khả thể của đối tượng; ba là, những điều kiện cảm tính của việc thâu gồm một đối tượng vào dưới một khái niệm bị nhầm tưởng là những điều kiện cho khả thể của các đối tượng (LA §26-9). Trong mỗi trường hợp, ảo tượng là sự sai lầm khi xem một hiện tượng là chân lý. Trong LA, Kant vẫn tán thành với những hoài nghi của Descartes về bản tính ảo tượng của bản thân (perse) hiện tượng, cho dù ông bắt đầu tiến hành khai triển sự phân biệt, rất hệ trọng đối với triết học phê phán, giữa hiện tượng và ảo tượng. Sự phân biệt này xuất hiện trong vê ảo tượng cảm giác và hư cấu thi ca (1777) (tr. 203) và tạo thành một trong những luận cứ trung tâm của PPLTTT.
Trong PPLTTT, Kant trình bày sự phân tích chín muồi của mình về ảo tượng. Ông phân biệt rạch ròi giữa hiện tượng (Erscheinung) với ảo tượng (Schein) căn cứ vào sự phán đoán: những hiện tượng được mang lại cho cảm năng không phải là những ảo tượng, mà là những hiện tượng tất yếu, trong khi “chân lý và sai lầm... và, do đó, cả ảo tượng như là sự dẫn dắt sai lạc đến chỗ sai lầm, chỉ được tìm thấy ở trong phán đoán, tức là chỉ trong mối quan hệ giữa đối tượng với giác tính của ta” (PPLTTT A 293/ B 350). Giác tính của ta có thể, chẳng hạn, suy luận một cách sai lầm rằng các sự vật của hiện tượng được trực quan qua các mô thức của trực quan (không gian và thời gian) không phải là những đối tượng của hiện tượng mà là những vật-tự thân. Trong trường hợp này, “sẽ là lỗi riêng của tôi nếu tôi làm cho những gì mà tôi xem là hiện tượng trở thành ảo tượng bề ngoài” (B 69). Sự khai triển này về các tiên đề lẫn lộn trong LA là hết sức quan trọng cho sự phân tích phê phán về những ranh giới của giác tính, nhưng nó không còn là tiêu điểm chính cho sự giải phẫu của Kant về ảo tượng trong PPLTTT nữa. Trong PPLTTT, nó nằm trong “ảo tượng siêu nghiệm” của lý tính con người, được khảo sát trong phần “Biện chứng pháp siêu nghiệm” và trong sự soi xét kỹ lưỡng của phần này về những suy luận sai lầm.
Kant bắt đầu phần Biện chứng pháp siêu nghiệm bằng một dẫn nhập có nhan đề: “Vê ảo tượng siêu nghiệm”, trong đó ông phân biệt ảo tượng siêu nghiệm với các “ảo tượng logic” ngẫu nhiên và có thể tránh được của các phán đoán sai lầm cũng như với các “ảo tượng thường nghiệm” có liên quan của sự lẫn lộn. Ảo tượng siêu nghiệm là “tự nhiên và không thể tránh khỏi” (PPLTTT A 298/B 354) và cốt yếu là “sự mở rộng giả trá [các phạm trù] của giác tính thuẫn túy” đến những điều kiện tuyệt đối của chúng, vượt khỏi những ranh giới của kinh nghiệm khả hữu. Biện chứng pháp siêu nghiệm hướng vào việc vạch trần sự mở rộng có tính siêu việt (transzendent) các khái niệm của kinh nghiệm, và phép biện chứng tất yếu mà nó gợi ra, tức phép biện chứng “không thể tránh khỏi của lý tính con người, dù đã bị vạch rõ sự lừa dối của nó, vẫn tiếp tục lừa phỉnh lý tính” (A 298/ B 355). Kant mô tả ba trường hợp của phép biện chứng tự nhiên về ảo tượng siêu nghiệm trên đó các “khoa học tự phong” được xác lập: tâm lý học, vũ trụ học và thần học. Trong mỗi trường hợp, các thuộc tính của “điều kiện chủ quan của tư duy” được mở rộng và được xem là sự “nhận thức về đối tượng” (A 397). Ở những trường hợp này, đó là nhận thức về các đối tượng như: linh hồn, thế giới như là toàn thể, và Thượng đế. Kant tiếp tục cho thấy làm thế nào, trong mỗi trường hợp, các khoa học về những đối tượng ảo tượng này không chống nổi một “phép biện chứng tự nhiên” và sau đó, đưa ra một nghiên cứu hay một môn logic học về những ảo tượng của chúng.
Trong PPNLPĐ, Kant khai triển một nghiên cứu sâu hon về ảo tượng, trong trường hợp này là ảo tượng nghệ thuật. Tác phẩm mỹ thuật không xuất hiện như là một sản phẩm, mà “phải có vẻ như là tự nhiên, cho dù ta ý thức rằng nó là nghệ thuật” (PPNLPĐ §45). Lập trường này chủ yếu là hệ quả của những điều kiện nghiêm ngặt đã được Kant xác lập cho một phán đoán thẩm mỹ đúng nghĩa trong phần “Phân tích pháp vê cái Đẹp”, là phần đã tước bỏ bất cứ sự quy chiếu nào đến mối quan tâm ở những phán đoán như thế. Quan niệm rằng tác phẩm nghệ thuật trình bày một “tự nhiên thứ hai” có tính chất ảo tượng đã tỏ ra có ý nghĩa rất lớn đối với mỹ học lãng mạn, và vẫn còn tồn tại lâu dài sau khi đã nhìn nhận những giới hạn của sự mô tả của Kant về phán đoán thẩm mỹ về sở thích.
Thánh Pháp dịch