Quy nạp (phương pháp, sự) [Đức: Induktion; Anh: induction]
Xem thêm: Diễn dịch (sự), Suy luận (sự),
Trong “Logic học Blomberg”, quy nạp được định nghĩa như là một sự suy luận mang hình thức: “Những gì thuộc về nhiều thứ mà tôi từng biết cũng phải thuộc về mọi thứ cùng giống và cùng loài này” (L. tr. 232). Ông mô tả hình thức suy luận này như một “chỗ tựa” cho giác tính, nếu không có chỗ tựa này thì hầu hết nhận thức của chúng ta ắt sẽ không thể có được, nhưng nó lại là cái “đối lập hoàn toàn với quy tắc logic”. Trong “Logic học Hechsel”, ông mở rộng điểm sau bằng cách cho rằng “tính phổ biến” của suy luận chỉ là tính phổ biến thường nghiệm, đối lập với tính phổ biến thuần lý trong đó “những gì mà tôi gán cho khái niệm một cách phổ biến, trên thực tế, phải thuộc về tất cả mọi sự vật không có sự ngoại lệ” (tr. 408). Cơ sở của tính phổ biến thuần lý như vậy là nguyên tắc mâu thuẫn, và nguyên tắc này xuyên suốt những suy luận diễn dịch.
Trong PPLTTT, đặc điểm logic liên quan đến phương pháp quy nạp được mở rộng thành tính phổ quát và tính tất yếu của những quy tắc của sự tổng hợp dành riêng cho các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Trong khi những phán đoán phân tích được biện minh dựa theo nguyên tắc mâu thuẫn, thì điều này lại không đủ để biện minh cho các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Các phạm trù có tính phổ quát và tất yếu nghiêm ngặt, là những cái tuyệt nhiên không thể được biện minh bằng nguyên tắc mâu thuẫn lẫn bằng sự quy nạp. Điều này được minh họa bằng phạm trù “tính nguyên nhân” được thảo luận trong loại suy thứ hai. Kant phê phán việc suy ra theo cách quy nạp khái niệm về nguyên nhân từ việc ta “tri giác các chuỗi tiếp diễn của những sự kiện và khi so sánh chúng với những hiện tượng đi trước thấy có sự trùng hợp” để chỉ mang lại tính phổ quát và tất yếu “thường nghiệm” hay “giả tưởng” (PPLTTT A 196/B 241). Ông cho rằng chỉ có bước ngoặt siêu nghiệm mới cung cấp cái tiêu chuẩn mong muốn, và hon nữa, nó làm cơ sở cho chính khả thể của phương pháp quy nạp: “Ta có thể rút ra được từ kinh nghiệm những khái niệm thật rõ ràng về [những biểu tượng tiên nghiệm], chỉ vì chính ta đã đặt chúng vào trong kinh nghiệm, và vì thế, chỉ nhờ chúng, mới làm cho kinh nghiệm hình thành được” (A 196/B 241).
Mai Thị Thùy Chang dịch