Tư duy/suy tưởng [Đức: Denken/Anh: thinking]
Xem thêm: Nhận thức, Cho-là-đúng (sự), “Tôi tư duy” (cái), Phán đoán, Nhận thức.,
Tư duy khác với cái biết hay tri thức (Wissen/knowing) lẫn sự nhận thức (Erkenntnis/cognition), mặc dù các sự phân biệt đó không được nhận thấy trong khi chuyển ngữ, và chúng cũng không được Kant xét một cách thuần nhất. Tư duy là “việc hợp nhất những biểu tượng trong một ý thức”, còn ý thức là một sự mô tả của phán đoán, “do đó, tư duy chính là việc phán đoán” (SL §22). Với tư cách ấy, nó là một hoạt động riêng biệt của giác tính, vì “chỉ dựa vào trực quan đon thuần, không có gì được suy tưởng cả” (PPLTTT A253/B309). Sự hợp nhất những biểu tượng trong tư duy được đặt Cổ sở trên thông giác tự khởi và thuần túy của cái “Tôi tư duy”, cũng được gọi là “sự thống nhất siêu nghiệm của Tự-ý thức” để biểu thị “khả thể của một nhận thức tiên nghiệm ra đời từ sự thống nhất này” (PPLTTT B132). Mặc dù có khi Kant mô tả tư duy là “sự nhận thức bằng những khái niệm” (PPLTTT A69/B94), có vẻ như cho rằng tư duy là một hình thức của nhận thức, nhưng trước sau ông vẫn nhất quán phân biệt chúng với nhau. Để nhận thúc một đối tượng, “tôi phải có thể chứng minh được khả thể của nó bằng tính thực tại được kinh nghiệm xác nhận, hoặc một cách tiên nghiệm bằng lý tính”, trong khi đó, “tôi có thể suy tưởng cái gì tôi muốn, miễn là không tự mâu thuẫn với chính mình” (PPLTTT B 26). Như thế ta có thể suy tưởng về vật-tự thân, nhưng không thể biết chúng, vì lẽ Kant luôn “nhắc nhở” người đọc ông rằng “trong việc suy tưởng, các phạm trù không hề bị các điều kiện của trực quan cảm tính hạn chế, trái lại, các phạm trù có lĩnh vực hoạt động vô hạn” (PPLTTT B 166). Dĩ nhiên tư duy có thể phù hợp với nhận thức, như trong trường hợp của những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm khi “tư duy là một hành vi nổi đó các trực quan được cho liên hệ với một đối tượng” (PPLTTT A 247/B 304). Tư duy ấy phải thỏa ứng những điều kiện cho sự thâu gồm các trực quan vào dưới các khái niệm, và theo đó, các đối tượng của nó bị giới ước trong khuôn khổ các đối tượng của một kinh nghiệm khả hữu mà thôi.
Cù Ngọc Phương dịch