Tuyệt đối (tính, cái) [Đức: absolut, Absolute (das); Anh: absolute]
Absolut, trong tiếng Đức, là một tính từ hoặc trạng từ được sử dụng tương tự như chữ “absolute(ly)” trong tiếng Anh, bắt nguồn từ chữ La- tinh absolutus (rời khỏi, tách khỏi, hoàn toàn), và là quá khứ phân từ của động từ absolvere (tháo rời, tách rời, hoàn chỉnh), vì thế có nghĩa: “không phụ thuộc vào, không bị điều kiện hóa, không liên quan hay bị giới ước bởi bất cứ cái gì khác; tự mãn tự túc, hoàn hảo, hoàn chỉnh”. Xuất hiện đầu tiên như là danh từ nơi Nicholas Cusa (Nicholas von Kues). Trong De docta ignorantia (Về sự ngu dốt thông thái, 1440), Nicholas Cusa đã sử dụng từ absolutum để biểu thị Thượng Đế, như là Hữu thể không bị điều kiện hóa, không bị giới hạn hay không thể so sánh với bất kỳ hữu thể nào khác; và các triết gia Đức sau Kant cũng thường dùng từ das Absolute (cái Tuyệt đối) để chỉ thực tại tối cao, vô điều kiện. Thực tại này có thể, nhưng không nhất thiết phải có những đặc điểm mà theo truyền thống vốn gắn liền với Thượng Đế (tính ngôi vị V.V.). Nghiên cứu về “cái tuyệt đối” được Hegel quan tâm nhiều nhất là nghiên cứu của Schelling. Schelling, dù là môn đồ rất sớm của thuyết Duy tâm của Fichte, nhưng ông đã sớm từ bỏ để theo quan niệm cho rằng cái tuyệt đối là một sự “ĐỒNG NHÂT” trung tính, làm nền tảng cho cả “CHỦ THỂ” (hay tinh thần) lẫn “KHÁCH THỂ” (hay tự nhiên), - một quan niệm được thừa hưởng từ Spinoza hơn là từ Kant và Fichte.
Câu trả lời của Hegel cho Schelling (và Spinoza) là ông không phủ nhận rằng cái tuyệt đối hiện hữu: ông đồng tình rằng có một cái tuyệt đối, bởi ông tin rằng không phải tất cả mọi sự đều phụ thuộc vào một cái khác, và cũng bởi đức tin của ông vào Thượng Đế, tuy nhiên, theo quan niệm của ông, “cái tuyệt đối” là một thuật ngữ triết học, phải được tước bỏ hết mọi tiền-giả định có tính nhân hình. Vấn đề đặt ra là: cái tuyệt đối (hay Thượng Đế, về mặt nội dung) là gì? Bao lâu chưa trả lời được câu hỏi này, thì yêu sách về sự tồn tại của cái tuyệt đối là trống rỗng. Trong Lời Tựa cho quyển HTHTT, Hegel mô tả cái tuyệt đối của Schelling như là “đêm tối trong đó mọi con bò đều là bò đen cả”. Quan điểm riêng của Hegel là: một lý thuyết về cái tuyệt đối phải định đề hóa ba loại thực thể: (1) cái tuyệt đối; (2) thế giới hiện tượng (đất đá, cây cối, thú vật V.V.); và (3) tri thức của con người về (1) và (2) và, về mối quan hệ giữa chúng với nhau. Tuy nhiên, sơ đồ này lại gợi ra nhiều sự phê phán từ Hegel:
1. Cả Spinoza lẫn Schelling đều không mang lại một nghiên cứu thỏa đáng về việc làm thế nào và tại sao cái tuyệt đối lại sản sinh ra thế giới hiện tượng. Họ mặc nhiên cầu viện đến một người quan sát đứng bên ngoài, nhìn cái tuyệt đối xuất hiện trong nhiều dáng vẻ khác nhau; nhà quan sát ấy được xét một cách không nhất quán, vừa như là kẻ chịu trách nhiệm đối với sự tự-biểu hiện của cái tuyệt đối, vừa chỉ đơn thuần như là một trong những biểu hiện của cái tuyệt đối.
2. Cái tuyệt đối đơn độc, tức (1), không thể là cái tuyệt đối được, nếu nó không tự-biểu hiện ra trong hình thức của (2) và (3). Chỉ có sự biểu hiện của cái tuyệt đối mới làm cho cái tuyệt đối là cái tuyệt đối (cũng giống như chỉ có sự phát triển, ceteris paribus [La-tinh: trong khi những điều khác không thay đổi], của con nòng nọc thành con ếch mới cho phép ta phân loại nó như là con nòng nọc). Như thế, cái tuyệt đối, tức (1), phụ thuộc vào những sự biểu hiện của nó, không khác gì những sự biểu hiện này phụ thuộc vào cái tuyệt đối. Vì thế, cái (1) đơn độc, bởi nó phụ thuộc vào (2) và (3), không phải là cái tuyệt đối; trái lại, cái tuyệt đối là (1), (2) và (3) cùng với nhau.
3. Bản tính đúng thật của một thực thể là ở trạng thái đã phát triển đầy đủ của nó chứ không phải ở trạng thái bào thai (con ếch chứ không phải con nòng nọc): vì thế, cái tuyệt đối đúng thật chính là cái (1) đã được phát triển thành (2) và (3) hơn là cái (1) đơn độc.
4. Cái tuyệt đối, tức cái (1), về mặt nhận thức, không phải là tuyệt đối hay vô điều kiện: nhận thức của ta về nó không phải là trực tiếp và vô điều kiện (như trong học thuyết của Schelling về “TRựC QUAN trí tuệ”); ngược lại, đó là một tiến trình lâu dài của việc nghiên cứu, đối với cá nhân cũng như đối với nhân loại xét như một cái toàn bộ. Cái tuyệt đối không thể mãi mãi là đơn giản và tĩnh tại, mà phải phản ánh sự phát triển của nhận thức của ta về nó, tức cái (3), bởi lẽ nhận thức này (3) không tách rời với cái tuyệt đối, mà chính là giai đoạn cao nhất của nó.
5. Cái tuyệt đối trong nghĩa nguyên thủy của nó, tức cái (1), là thừa thãi: một mệnh đề, chẳng hạn: “cái tuyệt đối là (một/cái) bản thê” (khác với mệnh đề: “ông chủ đang nóng giận”), không có một chủ ngữ có thể nhận thức được mà lại tách rời với khái niệm được ta áp dụng vào cho nó. Vì thế, ta có thể xóa bỏ nó hoàn toàn và chỉ tập trung vào những khái niệm như là “bản thê”, tức những khái niệm được ta áp dụng vào cho thế giới hiện tượng, tức (2), và vào cho bản thân ta, tức (3), và đó chính là những khái niệm cấu tạo nên BẢN CHÂT của những lĩnh vực này, bởi cả ta lẫn thế giới hiện tượng đều không thể hiện hữu, trừ khi những khái niệm như thế được áp dụng vào cho chúng. Hegel kết luận rằng: cái tuyệt đối không phải là cái gì nằm bên dưới thế giới hiện tượng, trái lại, chính là hệ thống khái niệm được khắc ghi vào trong nó. Vì lẽ hệ thống khái niệm này không phải là tĩnh tại, mà phát triển và tự biểu hiện vừa ở những cấp độ ngày càng cao hon của tự nhiên, vừa ở trong sự tiến lên của tri thức con người thông qua quá trình lịch sử, nên cái tuyệt đối là không tĩnh tại, mà luôn phát triển, và đạt được cấp độ tối hậu trong triết học của chính Hegel.
6. Cái tuyệt đối không đon thuần là trực tiếp hay vô điều kiện, trái lại, có những điều kiện và những sự trung giới, nhưng đã được cái tuyệt đối vượt bỏ và chuyển thành tính trực tiếp. Chẳng hạn, triết học, giai đoạn cao nhất của cái tuyệt đối, và bản thân là “tri thức tuyệt đối”, lại phụ thuộc vào một môi trường tự nhiên và văn hóa nhất định, nhưng nó giải phóng mình khỏi môi trường này bằng cách, chẳng hạn, nghi ngờ sự hiện hữu của môi trường này, và tập trung vào những khái niệm thuần túy, không- thường nghiệm, hay bằng cách khái niệm hóa môi trường ấy. Tưong tự như thế, con người nói chung vượt bỏ môi trường tự nhiên mà mình bị lệ thuộc bằng những hoạt động nhận thức và thực hành (“TINH THẦN”). Vừa vì lý do đó, vừa vì lẽ hệ thống khái niệm - là cái mang lại cấu trúc cho tự nhiên và lịch sử - tạo nên cái cốt lõi của TINH THẦN con người, do đó cái tuyệt đối là tinh thần.
Hegel cũng dùng từ “tuyệt đối” như là một tính từ. Đỉnh cao của HTHTT là “TRI THỨC tuyệt đối” - tưong phản với sự sống và ý niệm về nhận thức; và cao điểm của toàn bộ HỆ THỐNG, trong BKTIII, là “Tinh thần tuyệt đối” - tưong phản với tinh thần chủ quan và tinh thần khách quan. KHLG cũng bàn về “sự DỊ BIỆT tuyệt đối” - tưong phản với sự khác nhau và sự ĐỐI LẬP; bàn về “Cơ SỞ tuyệt đối” - tưong phản với Cổ sở nhất định và điều kiện; bàn về cái “vô điều kiện tuyệt đối” - tương phản với cái vô điều kiện tương đối; bàn về “TƯƠNG QUAN tuyệt đối” - tương phản với tương quan bản chất, cái tuyệt đối và hiện thực; và bàn về “sự TÂT YỂU tuyệt đối” - tương phản với sự tất yếu hình thức và tương đối.
Thông thường, hạng mục nào được xem là tuyệt đối luôn đến ở chặng cuối của một chuỗi những hạng mục: tinh thần tuyệt đối đến sau, và trong một nghĩa nào đó, là cao hơn tinh thần chủ quan và tinh thần khách quan. Nhưng không phải lúc nào cũng thế: sự dị biệt tuyệt đối lại đến trước sự khác nhau và sự đối lập, cũng như cơ sở tuyệt đối lại đến trước cơ sở nhất định và điều kiện - điều này cho thấy cái được gọi là “tuyệt đối” trong một nghĩa nào đó, lại thấp hơn những gì đến sau nó. Sự khác biệt này tương ứng với sự khác biệt giữa hai nghĩa của từ “tuyệt đối”: một mặt, là “tuyệt đối”, nghĩa là loại trừ sự trung giới và các điều kiện, trong khi, theo nghĩa khác, là đã vượt bỏ được sự trung giới và các điều kiện. Một đứa bé chưa được đi học là “tuyệt đối” theo nghĩa thứ nhất, trong khi một người lớn có học là “tuyệt đối” theo nghĩa thứ hai, vì đã vượt bỏ sự giáo dục của mình (chẳng hạn bằng phát minh khoa học hay ngôn ngữ).
Bùi Văn Nam Sơn dịch