Giới hạn (sự) [Đức: Schranke; Anh: limit]
Xem thêm: Mục đích, Hữu hạn, Tri thức, Siêu hình học, Không gian, Siêu việt,
Trong SL, Kant đưa ra một sự phân biệt giữa các giới hạn (Schranken/ limits) và các ranh giới (Grenzen/boundaries), cái trước là “những sự phủ định đon thuần tác động lên một lượng xa đến mức mà nó không hoàn tất một cách tuyệt đối” trong khi cái sau “luôn luôn tiền giả định một không gian hiện hữu bên ngoài một vị trí xác định nào đó và bao quanh nó” (SL § 57). Kant sử dụng cả hai thuật ngữ này như những sự tương tự cho phạm vi của nhận thức chính đáng. Sự tương tự của giới hạn được rút ra từ phạm trù “hạn định”, tức phạm trù thứ ba trong các phạm trù vật chất vốn được định nghĩa như “thực tại được nối kết với phủ định” (PPLTTT B 111), trong khi sự tương tự của ranh giới được rút ra từ các đặc tính của trực quan về không gian, xem một ranh giới như đánh dấu sự rào quanh [đóng lại] của các không gian bên trong và bên ngoài. Kant sử dụng sự tương tự này để minh họa sự phân biệt giữa các giới hạn đối với toán học và tri thức khoa học tự nhiên với các ranh giới của siêu hình học: tri thức về cái trước là có giới hạn ở chỗ nó không bao giờ hoàn tất, trong khi tri thức về cái sau là nằm trên ranh giới giữa cái có thể nhận thức và cái không thể nhận thức được. Cái trước được hạn định vào kinh nghiệm và theo đuổi sự hoàn tất “từ cái có điều kiện đến sự vật khác cũng có điều kiện” (SL § 59) nhưng không cần xác định ranh giới của nó. Trong khi đó, lý tính và siêu hình học nỗ lực suy tưởng về ranh giới giữa cái có thể và không thể nhận thức, và do đó phải tự giới hạn chính mình “như vừa khít với nhận thức về một ranh giới, vào mối quan hệ giữa cái gì nằm bên ngoài nó và cái gì được bao hàm bên trong nó” (SL §59).
Sự phân biệt giữa giới hạn và ranh giới bị Hegel (1812) phê phán là trừu tượng và bất định. Việc thiết định một ranh giới giữa cái được nhận thức và cái không được nhận thức chỉ đơn thuần tạo ra một sự đối lập tuyệt đối cho phép ta kinh nghiệm về giới hạn một cách không phản tư như sự phủ định đơn thuần chứ không phải như sự phủ định nhất định, hay như một “sự trung giới qua đó cái gì đó và cái khác vừa tồn tại lại vừa không tồn tại” (Hegel, 1812, tr. 127). Đối với Hegel, Kant đã biến tư duy hữu hạn thành một cái tuyệt đối, vì thế đã trục xuất cái tuyệt đối vô hạn vào lĩnh vực của cái bất khả tri. Bằng cách tra vấn về sự phân biệt này, Hegel đã tạo ra bước đi đầu tiên hướng đến việc thấu hiểu cái tuyệt đối.
Trần Thị Ngân Hà dịch