Ranh giới, Giới hạn và Hữu hạn (tính/sự) [Đức: Grenze, Schranke und Endlichkeit; Anh: limit, restriction and finitude]
Cái gì có một điểm cuối hoặc đi đến một điểm cuối (Ende) là endlich (hữu hạn). (Chữ này này cũng có nghĩa là “sau cùng, chung cuộc”) và, được dùng như trạng từ (sau cuối, rốt cục)). Endlichkeit nghĩa là “tính hữu hạn, tính hữu tận”. Cái hữu hạn có một ranh giới hay đường biên, tiếng Đức có hai từ để chỉ điều này:
1. Grenze (ranh giới, đường biên, biên giới, cực điểm) phát sinh hai động từ a) grenzen (an), cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều là “vạch đường ranh”; b) begrenzen nghĩa là “vạch biên giới, giới hạn, vạch ranh giới” chẳng hạn một bức tường giới hạn tầm nhìn của ta, một con người hẹp hòi thì bị giới hạn (begrenzt), các khả thể là không giới hạn (unbegrenzt).
2. Schranke (hạn chế, và nhất là ở số nhiều Schranken (các hạn chế, giới hạn) như trong cụm “giữ trong giới hạn”) cũng phát sinh ra các động từ, nhất là beschränken (hạn chế, giới hạn, hạn định, ngăn không cho vượt quá một giới hạn nhất định); Hegel dùng danh từ Beschränkung để chỉ “sự giới hạn” hay hạn chế, chẳng hạn những xung lực của ta bị xã hội và nhà nước giới hạn. Hàm nghĩa về “sự hạn định” trong Schranke thì nổi trội hon Grenze.
Trong triết học phi-Hegel, Grenze và Schranke thường được dùng không phân biệt. Hoặc chúng được dùng để nói về, chẳng hạn, những
ranh giới hay giới hạn của nhận thức con người, nhưng Grenze được dùng thường hơn. Với Kant, một Grenzbegriff (khái niệm ranh giới) là một khái niệm đánh dấu đường ranh mà nếu vượt khỏi nó, thì các khái niệm trong lĩnh vực thực tại (real concepts) sẽ không thể áp dụng được nữa. Khái niệm về noumenon (tức cái khả niệm) hay về VẬT Tự THÂN là một Grenzebegriff; nó không đưa ra bất kỳ yêu sách xác định nào về những gì vượt khỏi các ranh giới của kinh nghiệm, nhưng phục vụ như một biển báo “Hãy tránh xa!”. Khái niệm về một ranh giới (Grenze) và về sự tự-giới hạn của cái Tôi tuyệt đối để trở thành cái Tôi hữu hạn là quan trọng trong HTKH của Fichte. Trong toán học, một Grenze hay Grenzwert (giá trị giới hạn) là giá trị mà các hạn từ thuộc một dãy vô hạn ngày càng tiệm cận nhưng không bao giờ đạt đến được: chẳng hạn ranh giới của dãy 2, 11/2, 11/4, 11/8, v.v. là 1. Hegel bàn về khái niệm này trong nghiên cứu của ông về cái nhỏ VÔ HẠN trong KHLG.
Hegel phân biệt Grenze [ranh giới] và Schranke [giới hạn], và các dịch giả cũng dùng những từ khác nhau trong tiếng Anh để dịch: chẳng hạn Grenze thành limit và Schranke thành limitation (Miller); Grenze = limit, hay boundary; Schranke = barrier hay check (Wallace); Grenze = limit(ing) và Schranke = restriction, restricting (Knox). Sự phân biệt này là như sau:
1. Một thực thể hữu hạn thì có một ranh giới (Grenze). Thường thì, nó có một ranh giới về CHÂT, cũng như một ranh giới về LƯỢNG. Một cánh đồng một mẫu có một ranh giới về lượng mà nhờ đó nó là một mẫu, nhưng cũng có một ranh giới về chất mà nhờ đó nó là một cánh đồng chứ không phải một khu rừng hay cái ao. Mỗi loại ranh giới đều là một sự PHỦ ĐỊNH: nó là một mẫu chỉ vì nó không mở rộng vượt ra ngoài những đường biên của nó, và nó là một cánh đồng là vì nó không phải là rừng, là ao, v.v. Nhưng quan hệ của cánh đồng với ranh giới của nó là khác nhau trong mỗi trường hợp. Ranh giới về lượng là BÊN NGOÀI hay dửng dưng (gleichgültig): nếu cánh đồng được mở rộng về diện tích, điều ấy sẽ không ảnh hưởng gì đến phần cánh đồng nằm bên trong những đường biên ban đầu của nó, hay nếu nó bị giảm diện tích, thì cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến những gì còn lại của cánh đồng. Nhưng ranh giới về chất của nó là bên trong đối với cánh đồng: nếu cánh đồng bị ngập thành ao, điều này sẽ biến đổi cánh đồng hoàn toàn. Vì, và chỉ vì cánh đồng bị giới hạn, nên nó có khả năng thay đổi. Nhờ ranh giới về chất của mình, nó có một tính chất xác định (Beschaffenheit) giữa một dãy tính chất có thể có. Nhờ ranh giới về lượng, nó có các thực thể khác nằm bên ngoài những đường biên của nó, vốn có thể có những tính chất khác (chẳng hạn: các con sông) và thực tế là phải có tính chất khác nếu nó được làm dấu bằng những vật như hàng rào và con sông để phân biệt với những cánh đồng xung quanh. Những thực thể khác ấy tương tác qua lại với nó: chỉ qua những tương tác như thế nó mới là cánh đồng một mẫu. Nhưng chúng cũng xâm lấn nó, đến mức rốt cục sẽ xảy ra một biến đổi nào đó trong tính chất của nó, như sẽ bị ngập thành ao chẳng hạn. Một biến đổi như thế (Veränderung, từ động từ (sich) verändern (biến đổi, biến hay trở thành cái KHÁC)) có thể, và rốt cục sẽ, dẫn đến việc cánh đồng biến mất (Vergehen, từ động từ vergehen (qua đời)). Vì thế, nhờ tính hữu hạn về chất và về lượng, cánh đồng cũng hữu hạn trong thời gian và sẽ đi đến một kết thúc: “tồn tại của những sự vật hữu hạn chứa đựng hạt mầm cho sự biến mất của chúng như tồn tại-bên trong-chính mình của chúng (Insichsein); thời khắc chúng ra đời cũng là lúc chúng chết đi” (KHLG).
2. Ranh giới của một vật không nhất thiết giới hạn hay hạn chế nó. Cánh đồng là dửng dưng với những ranh giới của nó và không có xu hướng vượt qua chúng. Nhưng một hạt mầm có một xu hướng vượt qua ranh giới đã làm cho chúng là hạt mầm, và con người có thể có ý thức về ranh giới của mình như một giới hạn cần vượt qua: một người có thể (hoặc không thể) cảm nhận được những giới hạn trí tuệ của mình là cần phải vượt qua. Thế thì, ranh giới là một sự giới hạn [Schranke]. Hegel nối kết khái niệm về một Schranke với khái niệm về Sollen (cái PHẢI LÀ), vì một sự giới hạn [Schranke] là một ranh giới [Grenze], theo nghĩa là, phải được vượt qua, và ngược lại, nói rằng cái gì đó phải xảy ra thì đã hàm ý rằng trạng thái hiện thời của nó là một giới hạn [Schranke]. Trạng thái mà một thực thể nhắm đến và xu hướng nhắm đến trạng thái ấy của nó là sự QUY ĐỊNH hay vận mệnh (Bestimmung) của nó.
Hegel đưa ra hai nghiên cứu về cái hữu hạn: (a) cái hữu hạn được cấu tạo bởi ranh giới của nó; (b) cái hữu hạn không thực hiện được KHÁI NIỆM của nó: chẳng hạn SINH THỂ sống chết đi vì nó chỉ là một cái cá biệt, trong khi giống (genus) là một cái PHỔ BIỂN (BKTI, §221A). Hai nghiên cứu này liên quan với nhau. Một Hữu thể vô hạn, tức THƯỢNG ĐẾ, có mọi, và chỉ có, (những) đặc tính được bao hàm trong khái niệm của Ngài, vì không có gì bên ngoài Ngài để giải thích sự vắng mặt của những đặc tính như thế hay sự có mặt của những đặc tính phụ trội. Hon nữa, khái niệm về một thực thể vô hạn tự nó là một khái niệm vô hạn: nó không bị giới hạn bởi các khái niệm khác, và cũng không tương phản với các khái niệm khác; vì thế nó không có một nội dung có giới hạn, nhưng chứa đựng mọi khả thể. Do đó, cho dù có cái gì đó khiến Thượng Đế thay đổi, thì ắt cũng không có thứ gì để Thượng Đế chuyển thành. Thượng Đế vì vậy là ĐỒNG NHÂT với khái niệm về Ngài. Điều này không có nghĩa là Thượng Đế hay khái niệm về Ngài không chứa đựng ranh giới hay giới hạn nào hết: khái niệm ấy dựng nên những ranh giới bên trong mà sau đó nó sẽ vượt qua một cách BIỆN CHỨNG. Ngược lại, một thực thể hữu hạn bị bện chặt vào những QUAN HỆ với các thực thể khác, vì thế không được khái niệm của nó quy định hoàn toàn: nó có những đặc tính không nằm trong khái niệm về nó, và thường thiếu những đặc tính nằm trong khái niệm của nó. Hơn nữa, khái niệm của nó là một khái niệm hữu hạn, bị giới hạn bởi các khái niệm khác, và tương phản với các khái niệm khác: các khái niệm như “cánh đồng” hay “loài vật” và các khái niệm thuần túy như “vật”, đều bị giới hạn bởi các khái niệm khác bên trong Ý NIỆM logic. Những khái niệm hữu hạn như thế, do đó, là phù hợp cho các thực thể hữu hạn, nhưng không bao giờ có thể là một sự phù hợp trọn vẹn giữa khái niệm và thực thể.
Thậm chí các thực thể hữu hạn, ít nhất là thuộc các loại hình cao, có thể vượt khỏi những ranh giới hay giới hạn nào đó của chúng. Đói, khát và đau đớn, chẳng hạn, được loài vật cảm nhận như những giới hạn, nhưng được chúng vượt qua nếu chúng không chết. Nhưng loài vật không thể trở nên có ý thức về, chứ chưa nói đến việc vượt qua, mọi ranh giới đã làm cho chúng thành những gì chúng đang tồn tại. Tuy nhiên, con người hay TINH THẨN, là trường hợp đặc biệt. Vì con người có thể trở nên có ý thức về mỗi ranh giới đang giới hạn và cấu thành mình. Đặc biệt, Kant lập luận rằng có các ranh giới đối với NHẬN THỨC của con người, và
ông đã nỗ lực chỉ ra những ranh giới ấy. Tuy nhiên, Hegel cho rằng điều này là bất khả: nếu có một ranh giới, thì sẽ có cái gì đó nằm ngoài ranh giới, và nếu tôi ý thức về một ranh giới (tức nâng nó lên thành một sự hạn định), tôi phải có ý thức về cái gì đó nằm ngoài ranh giới. Vì thế khi gán một ranh giới cho các năng lực nhận thức của mình, tôi đã vượt khỏi ranh giới rồi (BKTI, §60). Rốt cục, tinh thần thì không hữu hạn: nó không có một bản tính xác định, bị giới hạn bởi các bản tính tự nhiên của các sự vật khác; nó bao chứa và vượt quá (übergreift) các thực thể khác, và tìm thấy mình đang trong nhà với chính mình (bei sich) nổi chúng. Nó trở nên hoàn toàn Tự-Ý THỨC và trong suốt với chính mình, vì thế hoàn toàn phù hợp với khái niệm (vô hạn) của nó. Nó không phục tùng cái CHẾT theo cách giống như các vật thụ tạo khác.
Nhận định của Hegel có hai khuyết điểm chính:
1. Ông thổi phồng sự giới hạn khái niệm và sự giới hạn vật lý: nếu cái gì đó bị giới hạn về mặt khái niệm trong tồn tại hiện thời của mình, chẳng hạn một cánh đồng, chứ không phải khu rừng, cái ao, v.v. điều này không dẫn đến việc nó bị giới hạn (và được cấu tạo, hay thậm chí bị tác động) về mặt vật lý bởi những gì không phải là nó, tức bởi khu rừng, cái ao, v.v. Hoàn toàn có thể quan niệm được rằng bề mặt trái đất là một sa mạc thuần nhất; bấy giờ nó sẽ bị giới hạn về mặt khái niệm chứ không phải bị giới hạn về mặt vật lý (ít nhất là bởi cái gì đó khác ở trên bề mặt trái đất). Năng lực của ta trong việc khái niệm hóa và mô tả các thực thể quả thực đòi hỏi sự giới hạn và sự đa dạng trên phương diện vật lý. Nhưng những cái nằm bên cạnh, bao quanh một thực thể và tương tác với nó trên phương diện vật chất không nhất thiết là những láng giềng khái niệm gần gũi nhất với nó: sư tử tương tác với cỏ cây, mưa gió và linh dương, chứ không thường xuyên tương tác với những láng giềng thân thích về mặt khái niệm như hổ, báo.
2. Học thuyết cho rằng việc gán, hay có ý thức về, một ranh giới thì đã vượt khỏi ranh giới đã phạm bốn sai lầm: (a) Nó thổi phồng các khái niệm về một giới hạn (Schranke) và một ranh giới (Grenze): cánh đồng hay kho tri thức có một giới hạn (hiện thời) ngụ ý rằng có cái gì đó nằm bên ngoài giới hạn ấy. Nhưng có một ranh giới đối với những sự giảm thiểu liên tiếp về giới hạn của một cánh đồng (như tiếp tục chia đôi diện tích cánh đồng chẳng hạn), tức đến một điểm không-quảng tính, không nhất thiết ngụ ý sự hiện hữu của cái gì đó nằm ngoài ranh giới. (Cho dù nếu ta cứ nhân đôi diện tích liên tục và kết thúc là diện tích bằng toàn bộ bề mặt trái đất, thì trên đó cũng không có gì nằm ngoài ranh giới); (b) ý thức về một ranh giới không nhất thiết kéo theo một hình dung về những gì nằm ngoài ranh giới. Ta biết rằng cánh đồng không thể trở nên nhỏ hon một điểm, mà vẫn không thể có hình dung rõ ràng nào về cái gì có thể nhỏ hon một điểm. Tốc độ ánh sáng được biết là vận tốc giới hạn từ sự thật rằng khối lượng của một vật thể đang chuyển động với vận tốc ánh sáng ắt là vô hạn, nhưng không phải từ một quan niệm rõ ràng về những vật thể chuyển động vượt khỏi tốc độ ánh sáng; (c) thậm chí nếu ta có thể quan niệm về những gì nằm ngoài một ranh giới của cái mà ta đang ý thức, điều này cũng không dẫn đến việc ta biết có cái gì đó nằm ngoài ranh giới; ta có thể quan niệm về những vật-tự thân, nhưng qua đó ta vẫn không biết được có vật-tự thân nào đó; (d) thậm chí nếu ta biết rằng có cái gì đó nằm ngoài ranh giới, ta vẫn không thể biết nó là cái gì.
Các học thuyết cho rằng các mối quan hệ qua lại của sự vật phản ánh các mối quan hệ qua lại của các khái niệm và rằng ý thức về một ranh giới thì đã vượt qua ranh giới ấy rồi là trung tâm đối với THUYẾT DUY TÂM của Hegel.
Hoàng Phú Phương dịch