Phán đoán [Hy Lạp: krinein; Latinh: iudicium; Đức: Urteil; Anh: judgement]
Xem thêm: Chuẩn tắc (bộ), Phán đoán xác định, Quan năng phán đoán, Suy luận, Nguyên tắc (các), Phán đoán phản tư, Niệm thức (thuyết), Thâu gốm, Tổng hợp, Thống nhất,
Sự phán đoán cung cấp một ma trận của toàn bộ triết học của Kant. Trong ba cuốn phê phán thì mỗi cuốn hướng đến việc phân tích một loại phán đoán đặc thù: các phán đoán lý thuyết trong PPLTTT, các phán đoán thực hành trong PPLTTH, và các phán đoán thẩm mỹ và mục đích luận trong PPNLPĐ. Hơn nữa, trong phạm vi từng cuốn phê phán, bản thân việc phân tích phán đoán còn được nói rõ và chẻ nhỏ ra hơn nữa. Ý tưởng về tính trung tâm của phán đoán đối với triết học Kant có thể tìm thấy nơi một bài bình luận sớm nhất là vào năm 1762 trong cuốn BSL, trong đó Kant nhận diện “cái năng lực bí ẩn” “làm cho phán đoán có thể có được” và phân biệt con người với con vật “không gì khác hơn là quan năng của giác quan bên trong... quan năng biến các biểu tượng riêng của mình thành những đối tượng của tư tưởng” (tr. 60, tr. 104). Kant nói thêm rằng năng lực hay khả năng phán đoán này là “nền tảng” và “không thể được rút ra từ một quan năng nào khác”, một điểm sẽ được ông lặp lại trong PPLTTT (A 133/B 172) và PPNLPĐ (Lời tựa).
Quan năng phán đoán chỉ có thể được nhận biết qua hoạt động của nó, mà lẽ tự nhiên, hoạt động đó là ở việc đưa ra những phán đoán. Các phán đoán tạo thành khởi điểm của những phân tích của Kant về sự vận hành của quan năng phán đoán trong những thể cách (modus) lý thuyết, thực hành và thẩm mỹ/mục đích luận của nó. Mỗi thể cách phán đoán có một đặc điểm riêng để phân biệt: phán đoán lý thuyết “chứa một cái đang là hoặc một cái đang không là”; phán đoán thực hành chứa một “cái phải là, sự tất yếu tại sao cái gì đó xảy ra vì mục đích này hay khác” (“Logic học Vienna” trong L, tr. 376), trong khi phán đoán thẩm mỹ về sở thích có một sự quy chiếu đến tình cảm vui sướng hoặc không vui sướng. Triết học phê phán, như là một tổng thể, tập trung xác định những giới hạn của các phán đoán hợp thức trong mỗi lĩnh vực này, và nó làm vậy bằng một chiến lược kép nhưng có tính bổ sung. Trước hết nó cung cấp những quy tắc của sự thâu gồm cần thiết cho phán đoán hợp thức. Nó đưa ra một bộ công cụ (Organon) cho phán đoán, từ đó có thể rút ra được những tiêu chí và nguyên tắc cho bộ chuẩn tắc (Canon) nhằm phân biệt phán đoán đúng với phán đoán sai lầm. Các yếu tố của cả hai chiến lược này đều có thể tìm thấy trong từng quyển của ba quyển phê phán.
Điểm cốt lõi của cuốn PPLTTT là sự khẳng định rằng “mọi phán đoán đều là những chức năng mang lại tính thống nhất cho những biểu tượng của ta” (A 69 /B 93) và hệ quả của nó là “ta có thể quy mọi hành vi của giác tính vào những phán đoán” (A 69/ B 94). Với khẳng định này, Kant có thể đi từ việc xem các khái niệm như những chức năng mô thức của sự thống nhất trong phán đoán đến chỗ coi chúng có vai trò “như những vị ngữ [thuộc từ] (predicate) của những phán đoán khả hữu” quan hệ với “biểu tượng nào đó về một đối tượng chưa được xác định” (sđd). Từ những phán đoán hình thức được phân nhóm trong bảng các phán đoán xét theo lượng, chất, tưong quan và tình thái, Kant có thể rút ra bảng các phạm trù. Sự chuyển dịch từ các phán đoán hình thức đến các phạm trù là hết sức có ý nghĩa, nó bao hàm sự chuyển dịch trọng tâm từ “hình thức logic của một phán đoán” được xác định bởi sự thống nhất phân tích của các biểu tượng tạo thành một phán đoán đến hình thức logic của một phán đoán mang “một nội dung siêu nghiệm vào cho các biểu tượng của nó, bằng cách dùng sự thống nhất tổng hợp về cái đa tạp trong trực quan nói chung” (A 79/B 105). Hình thức thống nhất sau là phán đoán tổng hợp tiên nghiệm mà sự thành công hay thất bại của triết học phê phán phụ thuộc vào. Khác với các phán đoán phân tích, vốn được xác định bằng nguyên tắc mâu thuẫn, phán đoán tổng hợp tiên nghiệm có một số nguyên tắc được rút ra từ các khái niệm thuần túy của giác tính. Các nguyên tắc này được trình bày trong phần “Phân tích pháp các nguyên tắc” của PPLTTT mà Kant mô tả là “bộ chuẩn tắc chỉ dành riêng cho phán đoán để hướng dẫn nó áp dụng các khái niệm của giác tính - chứa đựng điều kiện cho các quy tắc tiên nghiệm - vào những hiện tượng” (A 132/B 171).
Phần “Phân tích pháp siêu nghiệm” trong PPLTTT trình bày các khái niệm của giác tính và thiết lập những điều kiện để sử dụng chúng một cách đúng đắn. Nó cung cấp một “Logic học về chân lý” (A 130/B 170) bằng cách phát triển một bộ công cụ để thâu gồm chính xác các khái niệm của giác tính cùng một bộ chuẩn tắc để nhận diện những phán đoán sai lầm. Trong “Logic học về ảo tượng” được trình bày nổi phần Biện chứng pháp siêu nghiệm, Kant tập trung chú ý vào việc thiết lập một bộ chuẩn tắc chống lại những suy luận ảo tưởng của lý tính. Một suy luận bao hàm sự quan hệ giữa hai phán đoán hoặc nhiều hon nữa, dẫn đến những sai lầm của giác tính khi xem là trực tiếp những gì thật ra là đã được suy luận, và những sai lầm của lý tính khi rút ra các kết luận vượt quá những giới hạn của kinh nghiệm. Biện chứng pháp siêu nghiệm cho thấy những suy luận ảo tưởng của lý tính có thể được phát hiện và hạn chế mức độ như thế nào.
Các chiến lược tưong tự về luận cứ cũng xuyên suốt những khảo sát về phán đoán thực hành và phán đoán thẩm mỹ. Các phán đoán thực hành được cung cấp một nguyên tắc dưới dạng mệnh lệnh nhất quyết để đánh giá những châm ngôn hình thành nên những phán đoán thực hành; vì thế nó (mệnh lệnh nhất quyết) giữ vai trò là bộ chuẩn tắc cho phán đoán thực hành. Tưong tự, trong PPNLPĐ, Kant thiết lập một bộ chuẩn tắc cho các phán đoán thẩm mỹ về sở thích. Ông xem trọng những yêu sách đòi biện minh cho phán đoán thẩm mỹ về sở thích được đặt ra trong học thuyết về sở thích và thẩm mỹ theo một “nguyên tắc chủ quan tiên nghiệm” của phán đoán. Chúng tỏ ra không đầy đủ về chất, lượng, tưong quan và tình thái của các phán đoán như thế. Trong PPNLPĐ, Kant rõ ràng đã chuyển trọng tâm việc nghiên cứu phán đoán của mình, từ chỗ nhấn mạnh các phán đoán hoàn chỉnh đến chỗ nhấn mạnh sự vận hành của quan năng phán đoán (Urteilskraft). Từ viễn tượng này, phán đoán ít được nhìn theo cách được thâu gồm mà theo cách “tư duy cái đặc thù như được chứa đựng trong cái phổ biến” (PPNLPĐ §IV). Khi cái phổ biến đã được mang lại, và cái đặc thù được quan năng phán đoán thâu gồm vào bên dưới nó, thì phán đoán đó có chức năng xác định; khi chỉ một mình cái đặc thù đã được mang lại và còn phải nhờ quan năng phán đoán đi tìm cái phổ biến cho nó, thì phán đoán đó có chức năng phản tư.
Mai Sơn dịch