Cộng đồng tương tác/Cộng đồng [Đức: Gemeinschaft; Anh: community]
Xem thêm: Loại suy của kinh nghiệm (các), Phạm trù (các), Nhà thờ, Tính có thể thông báo [truyền thông], Chủ nghĩa công dân thế giới, Nhà nước,
Nói chặt chẽ, cộng đồng tương tác là phạm trù thứ ba về tương quan, và giống như mọi phạm trù được rút ra từ một mô thức của phán đoán, trong trường hợp này là từ phán đoán phân đôi. Nó mang lại một niệm thức và một nguyên tắc trong sự loại suy thứ ba. Phán đoán phân đôi là một phán đoán gồm có các mệnh đề loại trừ lẫn nhau nhưng lại bổ sung cho nhau thành một toàn bộ tri thức. Kant trình bày cái toàn bộ như “một cái toàn bộ được chia ra làm nhiều bộ phận (tức các khái niệm nằm trong các phán đoán ấy), và bởi vì một bộ phận này không thể được chứa đựng trong một bộ phận kia, nên chúng đều phải được suy tưởng như phối kết với nhau chứ không phải lệ thuộc vào nhau, khiến chúng không quy định nhau theo kiểu một chiều như trong một chuỗi mà là quy định lẫn nhau theo kiểu qua lại như trong một hỗn hợp (nếu một bộ phận của sự phân chia được thiết định thì mọi bộ phận còn lại đều bị loại trừ và ngược lại)” (PPLTTT B 112). Bằng sự loại suy, ông mở rộng mối tương quan logic này của các khái niệm đến “một cái toàn bộ của mọi sự vật”, khẳng định rằng trong cái sau “ta cần phải suy tưởng một sự nối kết tương tự như vậy”. Đó là vì, tương phản với phạm trù về tính nhân quả, “mỗi sự vật không lệ thuộc vào sự vật khác giống như kết quả bị lệ thuộc vào nguyên nhân cho sự tồn tại của nó, mà là ở bên nhau [phối kết] một cách đồng thời và hỗ tương qua lại như nguyên nhân này quy định nguyên nhân khác” (PPLTTT B 112). Sự phối kết này được đặc trưng bởi những bộ phận đang tồn tại một cách độc lập với nhau “nhưng vẫn được nối kết với nhau trong một cái toàn bộ” (PPLTTT, B 113).
Cũng như với mọi phạm trù, Kant rút ra từ cộng đồng tương tác một niệm thức và một nguyên tắc. Niệm thức làm cho phạm trù trừu tượng phù hợp với những điều kiện của một trực quan hữu hạn; đối với cộng đồng tương tác, điều này dẫn đến “niệm thức của cộng đồng tương tác hay tác động qua lại”, tức là “tính nhân quả qua lại của những bản thể trong quan hệ với những tùy thể, là sự tồn tại đồng thời của những quy định trong một cái này với những quy định trong những cái khác theo một quy luật chung” (PPLTTT, A 144/ B 183). Nguyên tắc, như đã được trình bày trong loại suy thứ ba của kinh nghiệm, cho rằng các bản thể được tri giác là cùng tồn tại trong không gian đều “nằm trong cộng đồng tương tác toàn diện, đó là, trong sự tương tác lẫn nhau” (PPLTTT, A 211), hay “nằm trong sự tương tác toàn diện với nhau” (PPLTTT, B 256). Đây là một nguyên tắc không thể được rút ra một cách thường nghiệm từ sự hiện hữu đơn thuần của nhiều đối tượng khác nhau - sự cùng-tồn tại của chúng phải được giả định một cách tiên nghiệm và không thể “trở thành một đối tượng cho một tri giác khả hữu” (PPLTTT, A 212/ B 258).
Khi bàn về loại suy thứ ba, Kant chỉ ra một sự “mơ hồ nước đôi” trong chữ Gemeinschaft [cộng đồng tương tác] mà ông đã giải quyết bằng cách đưa ra một sự phân biệt giữa communio và commercium trong tiếng Latinh. Ông định nghĩa phạm trù cộng đồng tương tác theo cái sau, “như là một cộng đồng năng động, nếu không có ý niệm đó thì sự chung đụng về không gian (communio spatii) không bao giờ có thể được nhận thức một cách thường nghiệm” (PPLTTT A 213/B 260). Nếu không có ảnh hưởng năng động tương hỗ của những bản thể trong commercium thì hẳn sẽ không thể có mối quan hệ thường nghiệm của sự cùng-tồn tại hay communio nào hết.
Sự phân biệt sau tạo ra sự quan tâm đối với những quan niệm của Kant về cộng đồng xã hội và cộng đồng chính trị. Cách hiểu của Kant về cộng đồng chính trị được định hướng chính yếu đến commercium [cộng đồng hiện thực] chứ không phải là communio [cộng đồng]. Thuật ngữ communion, vốn được rút ra từ chữ Latinh biểu thị một sự gia cố thêm, xem xét cộng đồng tương tác dựa vào một sự chia sẻ chung không gian riêng biệt được bảo vệ khỏi cái bên ngoài, trong khi cái trước [tức commercium] phái sinh từ quá trình trao đổi và truyền thông. Vì thế, khi Kant mô tả cộng đồng xã hội hay cộng đồng chính trị thì thường dựa vào sự trao đổi tự do và sự tôn trọng giữa các cá nhân chứ không phải dựa vào các đặc tính hay không gian được chia sẻ chung. Rõ ràng ông ưa chuộng thuật ngữ Gesellschaft (xã hội) hoặc Reich (vương quốc) hơn là Gemeinschaft (cộng đồng tương tác), thực vậy, ông rất hiếm khi sử dụng thuật ngữ sau, mặc dù đôi khi ông cũng sử dụng thuật ngữ Gemeinwesen (khối cộng đồng). Tuy nhiên, quan niệm của Kant về cộng đồng xã hội và cộng đồng chính trị là gần gũi trong suy nghĩ của ông với phạm trù cộng đồng tương tác, nhấn mạnh sự phối kết và cùng-tồn tại của những lợi ích riêng biệt có đi có lại, dù đối lập với nhau nhưng cùng mở rộng đến một cái toàn bộ. Mô hình này được mở rộng từ các mối quan hệ giữa các cá nhân, đến mối quan hệ giữa những nhóm xã hội và sau cùng là đến mối quan hệ giữa những nhà nước với nhau (Xem TG tập 3, Division T, PPNTPĐ §83; HBVC tr. 367, tr. 113).
Cù Ngọc Phương dịch