Hữu hạn (tính, sự) [Đức: Endlichkeit; Anh: finitude]
Xem thêm: Xúc cảm, Bất tử, Mệnh lệnh, Trực quan, Nhu cầu, Lý tính, Thụ nhận, Cảm năng, Tổng hợp, Thời gian, Giác tính,
Trong những trang kết thúc quyển PPLTTH, Kant nói đến “sự kính sợ và ngưỡng mộ” đã được gợi lên bởi “bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật đạo đức ở trong tôi” (tr. 162, A289). Sự phản tư về hai đối tượng trên tạo ra một sự dịch chuyển giữa những tình cảm về sự hữu hạn và sự vô nghĩa với những tình cảm về sự bất tử và giá trị vô hạn. Cảm nghĩ về sự thủ tiêu “tầm quan trọng của tôi, xét như một sinh vật thụ tạo, mà sau khi được ban cho một sự sống ngắn ngủi (không ai biết tại sao), lại phải quay về lại với cát bụi đã hình thành nên nó nổi một hành tinh vốn chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ” cùng tồn tại với cảm nghĩ về sự được nâng cao lên
qua quy luật luân lý “về một đời sống độc lập với thú tính và cả với toàn bộ thế giới cảm tính” (tr. 162, A 289). Sự dịch chuyển này thấm nhuần trong toàn bộ triết học phê phán, và biểu hiện ở việc giới ước sự nhận thức vào trong những ranh giới của một trực quan và một giác tính hữu hạn đi kèm với việc nâng mình lên khỏi những giới hạn này bằng quy luật luân lý. Trực quan hữu hạn của con người được phân biệt với trực quan thần thánh hay trực quan “trí tuệ” bởi tính chất thời gian của sự tổng hợp cấu thành nên kinh nghiệm và nhận thức. Những sự tổng hợp khác nhau hợp nhất khái niệm và trực quan đều được định hướng theo kinh nghiệm trong quá khứ và tưong lai, và về căn bản là không hoàn chỉnh. Còn trong lĩnh vực triết học thực hành, xu hướng hướng đến những mục đích riêng lẻ cụ thể nảy sinh từ nhu cầu bắt nguồn từ sự hữu hạn của thân phận con người. Đó chính là quan hệ căng bức giữa “lý tính thực hành hữu hạn” và quy luật luân lý làm cho mệnh lệnh luân lý và “nhiệm vụ không bao giờ ngừng” của việc theo đuổi mô hình của một ý chí thiêng liêng trở nên cần thiết (PPLTTH, tr. 32, tr. 32).
Trong PPLLTT, Kant luôn nhấn mạnh đến tính hữu hạn của kinh nghiệm con người, bằng việc giới ước phạm vi của nó vào những hiện tượng hay những tri giác của một trực quan hữu hạn. Ngoại lệ duy nhất là kinh nghiệm luân lý mà theo Kant bao gồm cả lòng tin. Thế nhưng nhiều nhà phê phán, nhất là Nietzsche và Heidegger hậu kỳ, đã truy vấn sự thừa nhận của Kant về những kích thước vô-hạn của kinh nghiệm luân lý. Trong triết học của ông, có một chiều hướng sai lầm rõ rệt giữa các nghiên cứu nghiêm ngặt về kinh nghiệm trong quan hệ với tính hữu hạn của con người xuyên suốt trong phê phán thứ nhất và phê phán thứ ba (tức là PPLTTT và PPNLPĐ), mà ta có thể gọi là nghiên cứu theo lối Epicurus, đồng thời lại có lối nghiên cứu theo kiểu Platon, nhấn mạnh đến sự đối lập giữa thế giới hữu hạn và thế giới vô hạn được trình bày trong PPLTTH. Liệu ta có thể giữ lại sự nhấn mạnh đến cái trước trong khi bác bỏ lối nghiên cứu sau hay không là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Một câu trả lời thỏa đáng cho nó chủ yếu xoay quanh việc ta có thể quan niệm về kinh nghiệm luân lý mà vắng mặt tính vô hạn (điều mà theo Kant là không thể), và liệu vai trò mấu chốt của sự tự do và tính tự khởi trong toàn bộ các lĩnh vực của triết học phê phán có thể được duy trì trong một khuôn khổ hữu hạn nghiêm ngặt hay không.
Đinh Hồng Phúc dịch