Nguồn gốc/Nguồn suối [Đức: Ursprung; Anh: origin]
Xem thêm: Sở đắc, Thông giác, xấu (cái), Loại (chủng), “Tôi tư duy (cái)”, Thuần túy, Tự khởi (tính),
Trong TG, Kant định nghĩa “nguồn gốc” là “sự rút ra một kết quả từ một nguyên nhân đầu tiên, và phân biệt giữa nguồn gốc trong lý tính với nguồn gốc trong thời gian. Cái trước liên quan đến sự tồn tại đơn thuần của một kết quả, cái sau liên quan đến sự diễn tiến của nó “như một sự kiện [có quan hệ] với nguyên nhân đầu tiên của nó trong thời gian”. Trên cơ sở của sự phân biệt này, Kant tách nguồn gốc thuần lý của cái xấu trong sự tự do của con người ra khỏi nguồn gốc thời gian của những hành vi xấu. Trong PPTTTT, Kant sử dụng khái niệm “nguồn gốc thuần lý” để phân biệt “nguyên thủy” (ursprünglich), hay đồng nghĩa của nó là “thông giác thuần túy”, với “thông giác thường nghiệm”. “Sự thống nhất tổng hợp nguyên thủy của thông giác” được tạo ra trong một tác vụ của sự tự khởi hay của “cái Tôi tư duy”, là cái mà trong khi “mọi biểu tượng khác phải đi kèm theo ngay... thì nó không thể đi kèm theo một biểu tượng nào khác nữa” (PPTTTT B 132).
Cái “Tôi tư duy” là một “nguồn gốc thuần lý” hay một kết quả đi kèm với mọi kinh nghiệm, nhưng nguyên nhân của nó lại không thể được xác định bằng kinh nghiệm. Do đó, nguồn gốc có vai trò như một sự nối kết quan trọng giữa việc nhấn mạnh đến tính tự khởi xuyên suốt trong nghiên cứu về kinh nghiệm trong triết học lý thuyết với việc nhấn mạnh về sự tự do và sự tự trị trong triết học thực hành. Chính vì thế, nó trở nên nổi bật trong thuyết Kant-mới của trường phái Marburg khoảng nửa cuối thế kỉ XIX, đặc biệt là trong những diễn giải gây ảnh hưởng của Herman Cohen về Kant (1871, 1902).
Cù Ngọc Phương dịch