Quảng tính/Trương tộ/Hậu lượng [Đức: Ausdehnung; Anh: extension]
Xem thêm: Vật thể, Động lực học, Lực, Vật chất,
Quảng tính được Descartes định nghĩa trong Rules for the Direction of the Mind [Các quy tắc hướng dẫn trí tuệ] (1628) là “bất cứ cái gì có chiều dài, chiều rộng, và chiều sâu” và do đó nó “choán một không gian”, đồng thời vẫn phân biệt với vật thể (Descartes, 1968, tr. 57). Lý do thúc đẩy Descartes định nghĩa như thế là muốn xóa bỏ khái niệm siêu hình học về “bản thể” để thay bằng “quảng tính”. Leibniz chống lại điều này, ông bảo vệ quan điểm cho rằng quảng tính là một thuộc tính của bản thể. Kant tán thành rộng rãi quan điểm sau, trong Vài ý kiến về việc lượng định đúng đắn các lực có sức sống, ông đồng ý với Leibniz rằng lực là cố hữu trong vật thể và có “trước quảng tính của nó” (Vài ỷ kiến... § 1). Với Kant cũng như Leibniz, những vật thể có quảng tính choán một không gian không phải vì chúng có quảng tính, mà vì chúng có các phẩm tính năng động như là tính không thể thâm nhập và tính đề kháng. Vì vậy, trong Các cơ sở siêu hình học của khoa học tự nhiên, Kant cho rằng việc “lấp đầy một không gian” là một sự xác định rõ hon so với khái niệm “choán một không gian” (Các cơ sở... tr. 497, tr. 41). Vì những lý do trên, Kant khác với trường phái Descartes ở chỗ không xem quảng tính như một thuộc tính nền tảng của vật chất, và cũng vì thế, quảng tính chỉ giữ một phần tương đối không quan trọng trong triết học của ông.
Nguyễn Văn Sướng dịch