Đánh giá (sự) [Đức: Beurteilung; Anh: estimate]
Xem thêm: Bộ chuẩn tắc, Phán đoán, Phán đoán phản tư, Thâu gồm (sự), Chân lý,
Sự đánh giá và sự thâu gồm là hai phưong cách của phán đoán được Kant thừa nhận: cái trước phân biệt xem “sự vật có phục tùng hoặc không phục tùng một quy tắc được cho” trong khi cái sau là “quan năng thâu gồm sự vật vào dưới những quy tắc” (PPLTTT A 132/B 171). Sự đánh giá liên quan đến cách sử dụng bộ chuẩn tắc của phán đoán trong việc phân biệt giữa những phán đoán đúng và những phán đoán sai, trong khi sự thâu gồm mang lại sự phán đoán, và là bộ phận trong bộ công cụ của nó. Kant bàn về sự sử dụng có tính đánh giá của phán đoán trong ngữ cảnh những phán đoán lý thuyết, thực hành, thẩm mỹ và mục đích luận, thỉnh thoảng có quy chiếu tới “quan năng” hay “năng lực” của sự đánh giá (Beurteilung) (một thuật ngữ thường bị dịch sai là quan năng hay năng lực phán đoán). Trong CSPĐ, Kant nói đến một “nguyên tắc” là cái trong khi không được biết đến “một cách trừu tượng trong hình thức phổ quát của nó” lại giữ vai trò như một “tiêu chuẩn” hay một “la bàn” cho việc phân biệt giữa những hành động tốt và xấu (p. 404, p. 16), và là cái chưa đến mức có ảnh hưởng như trường hợp của những phán đoán lý thuyết. Những phán đoán đánh giá không cần đến nhận thức về một quy luật, nhưng chỉ cần năng lực nhận rõ sự khác nhau; điều này khiến nó có ý nghĩa đặc biệt đối với những
phán đoán thẩm mỹ phản tư và những phán đoán phản tư mục đích luận, và những phán đoán này được định nghĩa là sự vắng mặt một quy luật xác định. Theo đó, hầu hết những phán đoán được bàn trong PPNLPĐ là những phán đoán đánh giá: những phán đoán thẩm mỹ trong §9, đon cử một ví dụ, là những đánh giá về các đối tượng dựa theo trò choi tự do chủ quan của trí tưởng tượng và giác tính, trong khi những phán đoán mục đích luận là những đánh giá về giới tự nhiên dựa theo một “sự tương tự với tính nhân quả của mục đích” (PPNLPĐ Phần II, § 61).
Ý nghĩa của sự phân biệt của Kant giữa phán đoán đánh giá và phán đoán thâu gồm gần đây mới được nhìn nhận một cách đầy đủ. Điều này chủ yếu là kết quả của sự nhấn mạnh gần đây trong triết học văn hóa và triết học chính trị đến sự dị biệt và phán đoán dị biệt hóa. Những lý giải về phán đoán phản tư của Kant, bởi Arendt (1989) và Lyotard (1983) chẳng hạn, khảo sát những hàm ý của phán đoán biện biệt [có suy xét] trong hành động chính trị và trong thực tiễn phê bình văn học-nghệ thuật.
Nguyễn Thị Thu Hà dịch