Cơ giới luận, Hóa học luận và Mục đích luận [Đức: Mechanismus, Chemismus und Teleologie; Anh: mechanism, chemism and teleology]
Trong Lô-gíc học, nghiên cứu về khái niệm chủ quan hay TÍNH CHỦ QUAN (tức KHÁI NIỆM, PHÁN ĐOÁN và SUY LUẬN) được tiếp theo sau bằng nghiên cứu về TÍNH KHÁCH QUAN hay KHÁCH THỂ. (Tính chủ quan và tính khách quan về sau sẽ được thống nhất trong Ý NIỆM). Tính khách quan có ba hình thức nối tiếp nhau: 1) Cơ giới luận; 2) Hóa học luận; 3) Mục đích luận hay TÍNH HỢP MỤC ĐÍCH (Zweckmässigkeit).
1. Mechanismus [Cơ giới luận] xuất phát từ chữ Hy Lạp mechanẽ (dụng cụ, phương tiện, máy móc, công cụ) và có nghĩa là (a) sự sắp xếp và tương tác của các đối tượng dựa theo các nguyên tắc cơ giới, tức loại nguyên tắc mà máy móc dựa vào để vận hành (ít nhất là trong thời Hegel), và (b) học thuyết rằng các thực thể hoàn toàn phi-cơ giới, nhất là các sinh vật sống, hoạt động dựa vào các nguyên tắc cơ giới. Hegel dùng thuật ngữ này theo nghĩa (a), và phản bác lý giải cơ giới luận về sự SỐNG và TINH THẦN [cá nhân]. Mô tả ngắn gọn về cơ giới luận ở mục §§194-5 BKTI mở đầu bằng một mô tả của Leibniz về các đơn tử vốn có các trạng thái bên trong phù hợp với nhau nhờ vào một sự hài hòa tiền lập do đơn tử của các đơn tử (tức Thượng Đế) (§194) tạo ra. Theo Hegel, đó không phải là một hệ thống cơ giới, vì các đơn tử tuyệt nhiên không tương tác với nhau: nó là tính khách quan trần trụi. Cơ giới luận đúng nghĩa có ba giai đoạn:
a) Cơ giới luận hình thức: các khách thể hay vật thể tác động và đẩy lẫn nhau bằng sức ép và va chạm. Không có vật thể đơn lẻ nào thống trị vật thể khác, vì thế các vận động của các vật thể không có trọng tâm trung tâm. Các vật thể chỉ quan hệ với nhau một cách ngoại tại: các quan hệ của chúng không tác động đến bản tính bản chất của chúng. Phần này tương ứng với các mục đầu của “Vật chất và Vận động: Cơ giới luận hữu hạn” [Mechanik] trong BKTII §§ 262-5.
b) Cơ giới luận dị biệt hóa [tức là không-trung lập hay thiên-lệch]: Một vật thể là có tính trung tâm và các vật thể khác bị hút về phía nó. Phần này tương ứng với mục “sự rơi” trong BKTII §§267-9.
c) Cơ giới luận tuyệt đối: Các vật thể (các hành tinh) có quan hệ với một vật thể trung tâm (mặt trời); bản thân chúng cũng là các trung tâm đối với các vật thể kém hơn đang xoay quanh chúng (các mặt trăng). Phần này tương ứng với “Cơ giới luận Tuyệt đối” trong BKTII §§269-72. Hegel xem mặt trời, các hành tinh và các mặt trăng là tạo ra một hệ thống CÁC SUY LUẬN trong đó mỗi hạn từ lần lượt thống nhất hai hạn từ kia.
Phạm trù “cơ giới luận” chủ yếu áp dụng cho giới tự nhiên vô cơ. Nhưng về bản chất, cơ giới luận không cốt yếu ở những quan hệ của các vật thể vật chất hay vật lý, mà ở NHỮNG QUAN HỆ ngoại tại của các vật thể tồn tại độc lập, bển bỉ. Vì thế, tinh thần [cá nhân] được xem xét một cách cơ giới không những khi nó được xem như một cơ giới luận vật lý, tức có thể quy giản thành những mối quan hệ qua lại của các phân tử vật chất, mà cả khi nó được xem như một sự tương tự có tính vật lý của một cơ giới luận vật lý, chẳng hạn như một tập hợp các Lực tinh thần (các quan năng), hay tập hợp các ý niệm quan hệ với nhau bằng các quy tắc nối kết tương tự với các quy tắc chi phối các quan hệ của các vật thể vật lý (BKTII, §455). Tinh thần [cá nhân] và sự sống nói chung đều không phải là cơ giới luận. Tuy nhiên, phạm trù này có thể áp dụng cho một số phương diện của tự nhiên hữu cơ và cho tinh thần [cá nhân], nhất là khi các chức năng của chúng bị hư hại, chẳng hạn trong khi các quá trình tiêu hóa bình thường không thể được hiểu một cách cơ giới, thì sự tiêu hóa lại là một sự quay trở lại với cơ giới luận; ký ức, đọc, v.v. cũng cần phải trở nên có tính cơ giới; v.v. Cơ giới luận không-trung lập được minh họa không những bằng việc các vật thể rơi xuống đất, mà còn bằng sự ham muốn và tính hợp quần (BKTI, §196). Cơ giới luận tuyệt đối áp dụng cho NHÀ NƯỚC, mà các yếu tố của nó, tức những con người cá nhân, những việc làm của họ và chính quyền, hình thành nên một hệ thống xã hội kiểu hệ thống mặt trời (BKTI, §198). Việc cơ giới luận được áp dụng có giới hạn cho các hiện tượng hữu cơ và tinh thần giải thích phần nào vị trí đa nghĩa của nó trong Lô-gíc học.
2. Chemismus [Hóa học luận], xuất phát từ Chemie (hóa học) và xét cho cùng là đến từ chữ Ả-rập aỉ-kimiya (giả kim thuật) có nghĩa tương tự như chữ Mechanismus, (a) sự sắp xếp và tương tác của các sự vật dựa theo các nguyên tắc hóa học, và (b) học thuyết cho rằng thế giới xét như toàn bộ vận hành theo các nguyên tắc hóa học. Một lần nữa, Hegel sử dụng chữ này cũng chỉ theo nghĩa (a). Ông tin rằng một vật thể trong hệ thống cơ giới luận về nguyên tắc là có thể tồn tại, kể cả khi tách rời khỏi hệ thống ấy và vì thế không có quan hệ với những vật thể khác. Nhưng các chất hóa học về thực chất là có quan hệ với nhau bằng sự ĐỐI LẬP và ái lực (affinity) của chúng với nhau. Một chất a-xít về bản chất là đứng trong sự tương phản với một chất ba-zơ hay chất kiềm, và không thể tồn tại cô lập được. Khi một chất a-xít và ba-zơ kết hợp với nhau, chúng trung hòa nhau để tạo ra muối, tức đánh mất những đặc tính mà trước đây chúng có. Hợp chất này lại có thể bị bẻ gãy bằng một tiến trình ngoại tại với nó. Hegel đặc biệt quan tâm đến hiện tượng “ái lực lựa chọn” (Wahlverwandtschaft), mà ông đã xem xét trước đây trong KHLG dưới đề mục HẠN ĐỘ lẫn trong BKTII §333. Các yếu tố trong một hợp chất có một ái lực nối kết chúng lại với nhau. Nhưng ái lực giữa các yếu tố thì khác nhau về cường độ. Vì thế, nếu một hợp chất gồm X và y gặp phải chất z, ái lực của X và z có thể mạnh hơn ái lực của X và y. Bấy giờ hợp chất ban đầu xy đó sẽ gãy, hình thành một hợp chất mới là xz, và giải phóng y. Trong tiểu thuyết Elective Affinities [Các Ái lực Lựa chọn] của mình (1809), Goethe áp dụng ý niệm này vào các quan hệ con người: một trong hai người yêu nhau tỏ ra có một ái lực mạnh hơn dành cho người khác hơn là cho nhau. Với Hegel, giống Goethe, hóa học luận được minh họa không những bằng các quan hệ của các chất hóa học mà còn trong các quan hệ tính dục của các sinh vật sống và trong tình yêu và tình bạn của con người.
3. Teleologie [Mục đích luận] (xuất phát từ chữ Hy Lạp telos (mục đích, mục tiêu, v.v.) và logos (lời, lý tính, học thuyết, v.v.)) nghĩa đen là “học thuyết về MỤC ĐÍCH hay tính hợp-mục đích”, nhưng Hegel chủ yếu dùng nó để nói đến tính cách mục đích luận hay hướng đích của một đối tượng hay của hệ thống các đối tượng. Giống Kant, ông phân biệt mục đích luận bên ngoài và mục đích luận bên trong. Trong mục đích luận bên ngoài: (a) mục đích được hiện thực hóa không phải nội tại ở trong các đối tượng mà nó phải được hiện thực hóa, nhưng được du nhập từ bên ngoài bởi một tác nhân có mục đích, hoặc là con người hoặc thần linh; (b) các đối tượng mà mục đích được hiện thực hóa nơi chúng, do đó, được TIỀN GIẢ ĐỊNH bởi một tác nhân, và vận hành, cả trước và sau khi có sự can thiệp của tác nhân, không theo các nguyên tắc mục đích luận, mà theo các nguyên tắc cơ giới luận hay hóa học luận; (c) tác nhân hiện thực hóa mục đích của mình nơi chúng bằng cách xử lý hành vi của chúng theo các nguyên tắc ấy; (d) khi mục đích được hiện thực hóa nơi chúng, mục đích mà chúng phục vụ không phải là của chính chúng, mà là của tác nhân và thường cũng là của thực thể khác và/hoặc hoạt động khác: chẳng hạn Thượng Đế tạo ra cây bần để ta có thể làm nút chai (một ví dụ ưa thích của Hegel, lấy từ Goethe); tôi làm thuyền để ra khơi, v.v.
Ngược lại, trong mục đích luận bên trong: (a) mục đích là nội tại trong đối tượng; b) đối tượng trong đó mục đích được hiện thực hóa, vì thế, không được tiền giả định và nó vận hành xuyên suốt chủ yếu dựa theo các nguyên tắc mục đích luận, bị chi phối bởi mục đích của nó. (Tuy nhiên, kể cả một hệ thống mục đích luận bên trong cũng tiền giả định một môi trường có trật tự một cách cơ giới luận và hóa học luận); (c) không có sự can thiệp hay thao túng bên ngoài nào ở bên trong nó cả; (d) mục đích mà đối tượng phục vụ là chính nó và những hoạt động của riêng nó. Vì thế, mục đích luận bên trong được cả Kant và Hegel minh họa bằng các sinh thể hữu cơ.
Có lẽ ta sẽ chờ mong Hegel tiếp tục tiến trình trong Lô-gíc học từ hóa học luận đến mục đích luận bên trong, như trong BKTIIlà hóa học được theo sau bằng đời sống hữu cơ (§§342). Nhưng thay vì vậy thì những gì ông mô tả lại là mục đích luận bên ngoài, chủ yếu là tác nhân con người can thiệp vào các hệ thống cơ giới và hóa học để hiện thực hóa mục đích của mình (KHLG; BKT I, §§204-12). Lý do là: (a) hình thức đơn giản hơn của mục đích luận cần phải đi trước mục đích luận bên trong vốn phức tạp hơn; b) sự phát triển lô-gíc đi theo một khuôn mẫu: trong cơ giới luận và hóa học luận, khái niệm là hoàn toàn BÊN TRONG (và do đó hoàn toàn BÊN NGOÀI) đối với các đối tượng; trong mục đích luận bên ngoài (chứ không phải mục đích luận bên trong), có một lỗ hổng giữa khái niệm (tức mục đích) và đối tượng; việc khép lỗ hổng này lại bằng việc hiện thực hóa mục đích dẫn đến Ý NIỆM, trong đó sự nội tại của khái niệm trong đối tượng được minh họa trước hết bằng sự SỐNG, với mục đích luận bên trong của nó.
Trong KHLG, Hegel lập luận rằng cơ giới luận, hóa học luận và mục đích luận đều có thể áp dụng cho các lĩnh vực tương thích của chúng. Nhưng chúng không đơn giản là “ngang bằng nhau”/“dửng dưng” (hai nghĩa này đều đúng vì gleich gültig là “có giá trị ngang bằng nhau”, nhưng Hegel chơi chữ từ chữ gleichgültig [DỬNG DƯNG]): mục đích luận là CHÂN LÝ của cơ giới luận và hóa học luận. Mục đích luận tiền giả định một môi trường có trật tự theo kiểu cơ giới và hóa học, nhưng theo một nghĩa cao hơn, cơ giới luận và hóa học luận tiền giả định mục đích luận: vì các hệ thống mục đích luận là có tính tự-quy định và tự-giải thích theo cách mà các hệ thống cơ giới và hóa học không làm được, vũ trụ phải đạt đến các hệ thống mục đích luận (các tinh thần) và phải tự mình hình thành một hệ thống mục đích luận tổng thể bao trùm, trong đó cơ giới luận và hóa học luận đóng một vai trò cần thiết nhưng phụ thuộc.
Hoàng Phú Phương dịch