Vận động/chuyển động [Đức: Bewegung; Anh: motion]
Xem thêm: Vật thê7Cơ thể, Động lực học, Quảng tính, Lực, Chất thể, Cơ học, Hiện tượng học, Chuyển động học, Không gian, Tiếp diễn (sự), Thời gian,
Khái niệm “vận động” là cực kỳ có ý nghĩa đối với Kant trong mọi giai đoạn nghiên cứu của ông, và thường được sử dụng để minh họa cho những lập luận siêu hình học rộng hon. Trong tác phẩm đầu tiên, cuốn LS, ông sử dụng khái niệm vận động để phê phán quan niệm của phái Descartes xem vật thể như bản thể quảng tính; ở đó, ông đi theo Leibniz trong việc chọn một sự giải thích động lực học về vận động dựa theo lực hay vis activa [lực tác động] có trước quảng tính (§1). Vận động đóng một vai trò quan trọng trong vũ trụ học của LSTN (1755), nổi Kant giả định vật chất của vũ trụ như bị phân tán, nhưng tự tạo hình thông qua sự vận động, lực hút và lực đẩy thành một cái tổng thể có trật tự, chịu sự chi phối của quy luật. Ở đây, như tám năm sau đó trong cuốn HHTĐ, Kant lập luận rằng những quy luật cơ học về vận động biểu thị một bản thiết kế căn nguyên có tính thần thánh vốn không đòi hỏi sự can thiệp thường xuyên của Thượng đế trong việc điều hành vũ trụ. Kant cũng sử dụng khái niệm vận động như một bộ phận của phê phán của ông đối với triết học Wolff bá quyền lúc ấy, và đặc biệt là sự sử dụng nguyên tắc mâu thuẫn của nó. Những nguồn gốc của lập luận này là thấy rõ trong VĐĐY (1758), nơi Kant chỉ ra tính tương đối của khái niệm vận động và khái niệm đứng yên, một điểm mà ông sử dụng trong ĐLPĐ (1763) để phân biệt giữa mâu thuẫn logic với mâu thuẫn hiện thực (xem tr. 171 và 178, tr. 211 và 217).
Trong PPLTTT, Kant, một lần nữa, sử dụng lại khái niệm vận động để phê phán nguyên tắc mâu thuẫn. Ông khẳng định rằng việc lập luận một cách phân tích chỉ dựa vào khái niệm không thể “làm cho ta có thể hiểu được khả thể của một sự biến đổi, tức là, của sự nối kết những thuộc tính đối lập-mâu thuẫn nhau trong cùng một đối tượng... Chỉ trong thời gian, hai tính quy định đối lập-mâu thuẫn mới có thể cùng tồn tại trong một sự vật, đó chính là sự tồn tại kế tiếp nhau [của hai trạng thái]” (PPLTTT, A 32/B 49). Vì thế, kinh nghiệm về vận động đòi hỏi trực quan của không gian và thời gian, nhưng không nằm tại nền tảng của chúng. Khái niệm vận động đòi hỏi một “dữ kiện thường nghiệm” được kinh nghiệm theo thời gian và không gian; nó “cần có tri giác về cái tồn tại nào đó cũng như về sự tiếp diễn của các quy định của nó, do đó, đòi hỏi phải có kinh nghiệm” (PPLTTT, A 41/B 58). Do đó, điểm này được giải thích rõ khi Kant mô tả vận động như “một hành vi của chủ thể (chứ không phải như là một quy định của đối tượng” được hoàn thành bằng “sự tổng hợp cái đa tạp trong không gian” (B 154). Kant xem tuyên bố rằng vận động là một “phẩm tính của những sự vật bên ngoài” đã lầm lẫn “cái đơn thuần tồn tại trong ý tưởng” thành “đối tượng hiện thực, trong cùng phẩm tính ấy, ở bên ngoài chủ thể tư duy” (A 384). Vì thế, quảng tính được xem không phải như một hiện tượng mà như một phẩm tính của những sự vật bên ngoài và từ đó suy ra rằng “vận động như là kết quả diễn ra một cách hiện thực và tự thân cả ở bên ngoài các giác quan của ta” (A 385). Trái với điều này, Kant xem vận động như một trong ba mối quan hệ có thể xảy ra bên trong những hiện tượng: quảng tính như “quan hệ về các vị trí trong một trực quan”; vận động như “sự biến đổi các vị trí” bên trong trực quan; và lực vận động như “các quy luật xác định sự biến đổi này” (B 67). Chủ thể nhận thức chỉ có thể có nhận thức về những mối quan hệ ấy, và không được xem chúng hoặc những đối tượng của chúng như những vật tự thân.
Trong sự trình bày của ông về những nguyên tắc của vật chất được tiền giả định bởi một khoa học tự nhiên có tính cách toán học trong LS, Kant cho thấy nguồn gốc của tuyên bố rằng “mọi thuộc tính gắn liền với bản tính của vật chất” (tr. 477, tr. 14) là từ môn khoa học này. Sau đó ông phát triển những khái niệm nền tảng về vật chất bằng việc phân tích sự vận động dựa theo bốn đề mục của bảng các phạm trù. Lượng của nó hay đặc điểm như một đại lượng thuần túy được phân tích trong chương bàn về chuyển động học; chất của nó hay sự biểu hiện của những lực cơ bản là lực hút và lực đẩy trong động lực học; tương quan của những bộ phận của vật chất đối với mỗi phần dựa theo sự vận động được phân tích trong hiện tượng học. Một lần nữa, Kant sử dụng khái niệm vận động như một phương tiện phục vụ cho mục đích là trình bày một lập luận rộng hơn về cả bản tính lẫn đặc tính của tri thức của ta về vật chất.
Hoàng Phú Phương dịch