Phổ biến/Phổ quát, Đặc thù và Cá biệt/Đơn nhất (cái) [Đức: das Allgemeine, das Besondere und das Einzelne; Anh: universal, particular and individual]
Tiếng Đức có một từ bản địa và một từ gốc La-tinh dùng cho những chữ này:
1. (a) Allgemein (“tổng quát, phổ biến”) nghĩa đen là “chung (gemein) cho tất cả (all)”. Nó phát sinh ra danh từ (das/ein) Allgemeine (“(cái) phổ biến”) và (die) Allgemeinheit (“tính phổ biến”), (b) Vào thế kỷ XVI, universal, và vào thế kỷ XVIII, universell (qua chữ universel trong tiếng Pháp) được phái sinh từ chữ universalis trong tiếng La-tinh, chữ này lại có gốc từ universus (nghĩa đen là “biến (versus) thành một (unus)”, từ đó mới có nghĩa “phổ quát, bao quát, toàn bộ”, V.V.).
Thuật ngữ Hegel thường dùng để biểu thị nghĩa “phổ biến” hay “universal” trong tiếng Anh là allgemein. Chỉ thỉnh thoảng ông mới dùng universell, nhất là về PHÁN ĐOÁN phổ quát trong KHLG. (Ông dùng Universum theo nghĩa “vũ trụ, TOÀN THỂ, (toàn) thế giới”).
2. (a) Besonder có cùng gốc với chữ “(a)sunder” trong tiếng Anh, và nguyên nghĩa là “được tách ra, được phân ranh, đặc biệt”. Nó sinh ra danh từ das Besondere (“cái đặc thù”), (die) Besonderheit (“tính đặc thù”), và (die) Besonderung (làm cho trở thành đặc thù, đặc thù hóa, chuyên biệt hóa). Mối liên kết với “sunder” (sondern) được bảo lưu trong cách sử dụng của Hegel về từ này. (b) Partikular và Partikularitdt có gốc từ chữ La-tinh pars (bộ phận, phần, phân chia).
Hegel thường dùng besonder hon partikular, nhưng ông dùng chữ sau cho, chẳng hạn, phán đoán đặc thù và cho cái đặc thù, chẳng hạn: những mối quan tâm đặc thù, đặc biệt.
3. (a) Einzeln (“cá biệt, đơn nhất, cá thể, cô lập”, v.v.) có gốc từ chữ ein (“một”). Chữ này sinh ra danh từ das Einzelne (“cái cá thể (sự vật)”), der Einzelne (“cá nhân (người)”), (die) Einzelheit (“tính cá biệt”, v.v. nhưng cũng là “điểm đặc thù, chi tiết”) và vereinzeln, Vereinzelung (cô lập, cá thể hóa/cá nhân hóa”, “sự cô lập, sự cá biệt hóa/cá nhân hóa/cá thể hóa”), (b) Chữ La-tinh individuum (“cái không thể phân chia”, dịch từ chữ atomon trong tiếng Hy Lạp). Vào thế kỷ XVI, chữ này sinh ra chữ (das) Individuum (“(cái) cá thê”) và individual, và vào thế kỷ XVIII, qua tiếng Pháp, sinh ra chữ individuell và Individualität. Những chữ này gợi lên “tính cá nhân của con người” và “chủ nghĩa cá nhân” mạnh hơn so với chữ einzeln, v.v. Nhưng lối diễn đạt thông dụng đối với chữ “cá nhân” theo nghĩa “nhân thân” (Person) là der Einzelne chứ không phải das Individuum.
Hegel thường dùng einzeln, V.V., để tương phản với allgemein, V.V., và besonder, v.v. Nhưng ông hay dùng Individuum và Individualität, nhất là cho cá nhân con người và tính cá nhân, chẳng hạn “cá nhân mang ý nghĩa LỊCH sử-thế giới” là das Individuum, chứ không phải der Einzelne. Đôi khi, ông dùng chữ singular gốc La-tinh cho phán đoán “cá biệt” hay “cá thê”.
Trong Lô-gíc học thời Hegel, các thuật ngữ này có hai cách dùng chính:
1. Sự phân biệt giữa “cái phổ biến” và “cái đặc thù” tương ứng phần nào với sự phân biệt giữa giống (hay “cái có thể quy định”) và loài (hay “cái bị quy định”). Một cái phổ biến (ví dụ: khái niệm, v.v.) là khái niệm áp dụng cho, hay một đặc điểm cố hữu trong, mọi thực thể, hay tất cả mọi thực thể thuộc một loại hình nào đó: ví dụ “có màu”. Còn [khái niệm] đặc thù thì chỉ áp dụng cho một số thực thể nào đấy: ví dụ “đỏ”. (“Cái phổ biến” và “cái đặc thù” ở đây là các thuật ngữ có tính tương đối: ở điểm nhìn này thì là cái đặc thù, tức là sự đặc thù hóa của cái phổ biến, ở điểm nhìn kia thì lại là cái phổ biến, tức là một thuật ngữ tổng quát có thể được đặc thù hóa thành những cái đặc thù). Một cá nhân là một thực thể đơn nhất: ví dụ Socrates.
2. Các thuật ngữ này cũng áp dụng cho các kiểu phán đoán: phán đoán phổ biến liên quan đến tất cả các thực thể thuộc một kiểu nào đó: ví dụ: “Mọi người đều thông thái”. (Hegel thường gọi loại hình của tính phổ biến này là “tính tất cả”, Allheit). Phán đoán đặc thù liên quan đến một số thực thể thuộc một kiểu nào đó: ví dụ “Một số người là thông thái”. Phán đoán cá biệt liên quan đến một cá nhân/cá thể: ví dụ “Socrates là thông thái”. Phán đoán cá biệt được Kant (PPLTTT, A71, B 96) và các nhà Lô-gíc học khác coi là giống với phán đoán phổ biến, ở chỗ thuộc từ áp dụng cho toàn bộ chủ từ (ví dụ Socrates), chứ không phải cho một bộ phận của chủ từ ấy, như trong trường hợp của phán đoán đặc thù. (Điều này, cùng với sự kiện là tính cá biệt biểu thị sự nhất thể, tương phản với “việc tách ra” của tính đặc thù, phần nào giải thích quan niệm của Hegel khi ông cho rằng tính cá biệt là sự khôi phục tính phổ biến ở cấp độ cao hơn).
Trong Lô-gíc học truyền thống, không có cái gì có thể vừa mang tính cá biệt vừa mang tính phổ biến cả. Nhưng trong cách dùng ít tính hình thức hơn thì một cái cá biệt có thể được coi là phổ biến: Krug lập luận rằng một DÂN TỘC (Volk), tương phản với các dân tộc khác, là cái gì đó đặc thù (etwas Besonderes), nhưng khi được coi là một cái toàn bộ và tương phản với những cá nhân mà nó bao hàm thì nó là phổ biến. Hegel dùng chữ allgemein theo cách tương tự. Trong HTHTT, I, cái “ở đây” và cái “bây giờ” là phổ biến, không chỉ vì các thuật ngữ này áp dụng cho bất cứ một không gian và thời gian nào, mà vì bất cứ phạm vi nào của không gian được gọi là “ở đây” đều chứa đựng những phạm vi nhỏ hơn, mà mỗi một phạm vi nhỏ hơn ấy đều có thể được gọi là “ở đây”, và bất cứ một quãng thời gian nào được gọi là “bây giờ” đều chứa những quãng thời gian ngắn hơn, vốn cũng là “những cái bây giờ”. Cái Tôi là phổ biến không chỉ vì ai ai đều là một cái Tôi (BKTI, §20), mà còn vì nó là một “chỗ chứa” mọi quan niệm của ta, v.v. (BKTI, §24A.l). Vì thế, “cái phổ biến” gần với cái “TOÀN BỘ”, “bao hàm” (tất cả), hay “toàn diện”. Một lý do khác cho tính phổ biến của cái Tôi, đó là nó “trống rỗng” hay vô quy định (không được quy định). Vì thế, Hegel cũng liên kết tính phổ biến với tính đơn giản, tính không được quy định hay không có đặc điểm riêng. Ông coi tính phổ biến (như KHÁI NIỆM) là sự phát triển từ tính đơn giản không được quy định thành tính toàn diện phong phú trong đó nó trùng khít với tính cá biệt. (So sánh: universaler Mensch, “con người phổ quát” (hay con người “Phục hưng”), tức con người của những tài năng và những mối quan tâm toàn diện, nhưng cũng là của tính cá biệt nổi bật).
Những cái cá biệt, về mặt Lô-gíc học, nhận thức luận và/hay bản thể học, thường được coi là thấp hơn những cái phổ biến, nhất là nơi những người ủng hộ quan niệm của Plato rằng những MÔ THỨC, Ý NIỆM hay cái phổ biến có trước những cái cá biệt. Những cái cá biệt có được tư cách đáng kính hơn về mặt lô-gíc từ việc định đề hóa đối với các mô thức cá biệt, cũng như các mô thức phổ biến (Plotinus), đối với các bản chất cá biệt (haecceitas, “cái đây này”, của Duns Scotus), và đối với khái niệm về mỗi cái cá thể khác biệt với khái niệm về bất kỳ một cái cá biệt nào khác (Leibniz). Hegel bác bỏ những nỗ lực gán cho cái cá biệt một vị thế ngang bằng và “phối hợp” với vị thế của cái phổ biến nói trên. Đối với ông, TƯ TƯỞNG và NGÔN NGỮ gắn liền với những cái phổ biến, chứ không thể quy chiếu đến những cái cá biệt độc nhất, vì các thuật ngữ như “cái Tôi” “này” và “cái cá biệt này” đều là những thuật ngữ phổ biến (BKT, I, §20). Những cái cá biệt nhận được vị thế của chúng từ tính phổ biến được bao hàm trong chúng. Giống với Spinoza, ông không coi những cái cá biệt là các tùy thể đon thuần của BẢN THỂ.
Phong trào Khai Minh coi các cá nhân con người là thuần lý một cách đồng dạng, những sự dị biệt cá nhân của họ chỉ là thứ yếu. Nhưng Herder và các nhà lãng mạn đã nhấn mạnh đến Individualität độc đáo của, chẳng hạn những con người cá biệt và các công trình NGHỆ THUẬT. Hegel thừa nhận những sự dị biệt đặc thù giữa con người, nhưng ông lại đặt chúng phụ thuộc vào những gì mà con người có chung với nhau. Đối với quan năng cao nhất là LÝ TÍNH, con người về bản chất là không khác nhau: “cái hợp lý tính là đại lộ mà ai ai cũng đi chứ không dành riêng cho kẻ nào cả” (THPQ, §15A). Trong xã hội, lĩnh vực của tính đặc thù, tức XÃ HỘI DÂN Sự, phụ thuộc vào tính cá biệt của NHÀ NƯỚC, trong đó các nhu cầu và các lợi ích đặc thù được tái hòa nhập và được vượt bỏ trong một tính phổ biến toàn diện có tính phân thù hon tính phổ biến đon giản của GIA ĐÌNH.
Tính phổ biến (Allgemeinheit/Anh: universality), tính đặc thù (Besonderheit/Anh: particularity) và tính cá biệt (Einzehnheit/singularity) là ba MÔ-MEN của khái niệm. Hegel bác bỏ quan niệm coi các cái phổ biến, đặc thù và cá biệt, về mặt Lô-gíc học, bản thể học hay nhận thức luận, là phân biệt với nhau một cách rạch ròi. Cái phổ biến thì cụ THỂ chứ không TRỪU TƯỢNG, và PHÁT TRIỂN thành, nhưng bảo lưu chính mình trong cái đặc thù và cái cá biệt. Hegel biện luận cho ý tưởng này ở nhiều cấp độ khác nhau:
1. Khái niệm về tính phổ biến phát triển thành khái niệm về tính đặc thù và khái niệm về tính cá biệt (chẳng hạn BKTI, §163-5). Chẳng hạn, nó chỉ là phổ biến nhờ vào việc tưong phản với chúng. Tính phổ biến đặc thù hóa chính mình thành tính phổ biến, tính đặc thù, và tính cá biệt: tính phổ biến vì thế vừa là giống phổ biến vừa là một loài đặc thù của giống này, ngang hàng với tính đặc thù và tính cá biệt. (Thao tác này có thể được lặp lại: cái phổ biến đặc thù có thể lại đặc thù hóa chính mình thành các phân loài nhỏ hơn nữa của tính phổ biến, tính đặc thù và tính cá biệt). Ông thường khai thác ý tưởng cho rằng một giống phổ biến có thể là một trong các loài của chính nó: nó giải thích phần nào cách sử dụng từ ngữ của ông như “TỒN TẠI” theo nghĩa rộng hơn và hẹp hơn. Nó gần với ý tưởng cho rằng tư tưởng “bao trùm” hay “vượt quá” (“übergreift”/Anh: “overreaches”' ) cái khác với tư tưởng.
2. Trong Lô-gíc học nói chung, tư tưởng phổ biến đặc thù hóa chính mình thành những tư tưởng đặc thù, và cuối cùng quay trở lại với tính thống nhất hay nhất thể của Ý NIỆM tuyệt đối.
3. Tính phổ biến “bao trùm” hay “vượt quá” những cái đặc thù và những cái cá biệt. Những cái cá biệt chỉ có thể được mô tả và đề cập đến bằng các thuật ngữ phổ biến, kể cả “cái cá biệt (này)”. Những cái phổ biến được hiện thân trong những cái đặc thù và những cái cá biệt, cấu thành BẢN CHẤT của chúng.
4. Vì những cái phổ biến được hiện thân nơi các sự vật, nên các sự vật bao hàm sự tự-dị biệt hóa của một cái phổ biến thành những cái đặc thù và rồi cả sự hợp nhất lại của tính cá biệt. Điều này có thể hoặc không phải là một diễn trình thời gian: ví dụ: một hạt giống phổ biến, vô quy định đặc thù hóa chính mình thành một cái cây được dị biệt hóa, rồi rút vào trong tính cá biệt bằng cách tạo ra hạt giống mới; nhưng tại bất cứ thời điểm nào, một con vật là một sự sống phổ biến bất định tự dị biệt hóa chính mình thành những cơ quan đặc thù, nhưng vẫn giữ chúng được hợp nhất trong một cá thể đơn nhất.
Xuyên suốt các công trình của Hegel, cả tư tưởng lẫn sự vật đều được coi là những sự minh họa cho mô hình PHÁT TRIỂN theo NHỊP BA là: phổ biến-đặc thù-cá biệt: cái Tôi phổ biến đặc thù hóa chính mình thành ý thức về các ĐỐI TƯỢNG, và tiếp đó khôi phục tính cá biệt của nó trong Tự-Ý THỨC; tính phổ biến của ý niệm lô-gíc đặc thù hóa chính mình thành Tự NHIÊN và được cá biệt hóa trong TINH THẦN. Cái cá biệt giữ vai trò là kết quả [của tiến trình đặc thù hóa] vừa mang tính phổ biến vừa mang tính cá biệt. Nhưng nó là phổ biến không phải theo nghĩa “đơn giản, vô quy định”, mà theo nghĩa “bao hàm toàn bộ, toàn diện”: chẳng hạn, các nền triết học đặc thù khác nhau ra đời từ tính đơn giản nguyên thủy hay tính phổ biến của tư tưởng được tiếp thu, hay được vượt bỏ trong TRIẾT HỌC Hegel, vì thế nền triết học này là phổ biến ở một cấp độ cao hơn (BKTI, §13). Xem thêm: PHÂN LOẠI, ĐỊNH NGHĨA, PHỦ ĐỊNH.
Đinh Hồng Phúc dịch