Quy luật/Luật và Quy tắc [Đức: Gesetz und Regel; Anh: law and rule]
Chữ law tiếng Anh có thể dịch sang tiếng Đức thành một số từ, chẳng hạn: Recht (“quyền, pháp quyền”, (nói chung, chứ không phải theo nghĩa một luật đặc thù)), Bestimmung (en) (“(những) sự QUY ĐỊNH, các quy tắc, các điều khoản pháp lý”). Nhưng chữ tiếng Đức thường được dùng để dịch “Zữw” là Gesetz, từ động từ setzen (“THIẾT ĐỊNH, đặt định”, V.V.), nghĩa là cái gì đó được đặt định. Giống như “law”, Gesetz vừa chỉ đến các luật của một cộng đồng vừa chỉ đến các quy luật của Tự NHIÊN. (Chữ Đức biểu thị “luật tự nhiên” là Naturgesetz hay Gesetz der Natur, phân biệt với Gesetz des Rechts, nghĩa là “luật của đất nước”). “Luật tự nhiên”, theo nghĩa là một bộ luật đạo đức hay xã hội vốn mặc nhiên trong bản tính của con người hay trong vũ trụ là Naturrecht, phân biệt với positive Recht [luật thực định]. Tính nước đôi này đã có từ lâu: Heraclitus cho rằng vũ trụ được chi phối bởi luật thần thánh (nomos), theo một cách có thể ví với luật của con người vốn chi phối các xã hội loài người, và đây là một học thuyết trung tâm của các nhà Khắc kỷ. Cụm từ “luật tự nhiên” (leges naturae) xuất hiện nơi Lucretius thì không có những liên tưởng thần học hay đạo đức học theo nghĩa đen.
Cũng có các quy luật luân lý hay đạo đức, quy định các nghĩa vụ của ta dù chúng có được thể hiện trong các luật của đất nước hay không. Kant phân biệt các luật này với luật bên ngoài (tức, luật của đất nước), một số trong những luật ấy được cho là ràng buộc một cách tiên nghiệm, độc lập với pháp định hiện thực (tức là các luật bên ngoài, nhưng tự nhiên (natiirlische)), trong khi những luật khác chỉ mang tính ràng buộc nhờ vào sự lập pháp bên ngoài (các luật thực định [positive]). Trong thời đại của Kant, thuật ngữ Denkgesetz(e) (“(các) luật của TƯ DUY”) được áp dụng vào các luật hay các nguyên tắc về sự ĐỒNG NHÂT, sự (không) MÂU THUÂN, sự loại trừ cái thứ ba và đôi khi cả cho nguyên tắc lý do hay Cơ SỞ đầy đủ. Hegel bác bỏ danh hiệu này, vì ông tin rằng việc vi phạm các luật này trong suy tư là vừa dễ dàng vừa chính đáng.
Một Regel (“quy tắc”, theo nghĩa lý thuyết lẫn thực hành) khác với một quy luật ở chỗ nó thừa nhận những ngoại lệ (“là một quy tắc...”, “các quy tắc xã giao”, V.V.). Hegel chủ yếu sử dụng chữ Regel khi nói về HẠN ĐỘ (Mass), ở đó Regel là một chuẩn mực hay tiêu chuẩn (Masstab nghĩa đen là “thước đo”), một đơn vị đo lường cố định được thể hiện nơi một thực thể vật chất (chẳng hạn, một cái thước), dùng để xác định kích thước của các thực thể khác. Trong MH, Hegel phân biệt giữa Regelmässigkeit (“tính hợp-quy tắc”/Anh: “regularity”) với Gesetzmässigkeit (“tính hợp- quy luật”/Anh: “lawfulness”). Quy tắc chứa đựng tính chất đồng dạng vốn chưa được dị biệt hóa, vì thế tính hợp quy tắc, có quan hệ gần gũi với tính đối xứng, có mặt trong, chẳng hạn, một chuỗi các đường thẳng song song có độ dài bằng nhau, một tinh thể và một vòng tròn. Quy luật cốt yếu ở sự nối kết tất yếu giữa các đặc điểm riêng biệt; vì thế, tính hợp-quy luật có mặt trong các chuyển động không đều của các hành tinh, hình ô van không đều và đường “sóng lượn” được Hogarth ca ngợi trong cuốn Analysis of Beauty [Phân tích cái đẹp] (1753). Tính hợp-quy tắc có một vị trí trong kiến trúc và âm nhạc, nhưng lại không được hoan nghênh trong điêu khắc và nói chung là thấp kém hơn tính hợp-quy luật trên phương diện mỹ học nói chung.
Hegel thường đồng hóa hai kiểu quy luật chính này, khi ông gọi các quy luật của tự nhiên là một Reich (“vương quốc, lĩnh vực”) của các quy luật (tương phản với lĩnh vực HIỆN TƯỢNG) và du nhập sự TRỪNG PHẠT vào một thảo luận về các luật của tự nhiên (HTHTT, III; BKT §422A). Nhưng ông phân biệt chúng trong HTHTT, Lời Tựa. A.: Các định luật tự nhiên không phải là những mệnh đề do ta tạo ra, nhưng là những sự kiện khách quan, mà ta có thể phát hiện và không thể vi phạm. Đối với cá nhân người công dân, các luật của đất nước cũng là những sự kiện khách quan, mà họ cần phải biết, và giống như nhà khoa học tìm hiểu các định luật tự nhiên, việc tìm hiểu [pháp] luật thực định sẽ mang lại một nghiên cứu khách quan về chúng. Nhưng các luật của đất nước là do con người thiết định; nên không phải là tuyệt đối, vì chúng thay đổi từ xã hội này sang xã hội khác. Do đó có thể có một vết nứt giữa các luật này và lương tâm cá nhân của công dân. THPQ nỗ lực hòa giải (versöhnen) ta với tính hợp-lý tính của các đạo luật, trong khi nhà khoa học tự nhiên không thể và cũng không cần hòa giải ta với các quy luật tự nhiên. Trong BKTIII §529 và THPQ §211, có bàn về sự khác biệt giữa việc các vì sao và loài vật không biết (wissen) đến các quy luật chi phối hành vi cư xử của chúng, trong khi con người thì biết. (Hegel không muốn nói rằng sự vật thực sự tuân theo các quy luật của tự nhiên, trong khi con người PHẢI tuân theo các luật của đất nước: một quy luật không được tuân theo là một quy luật chết hay vô hiệu lực).
Những quy chiếu đến cả hai loại luật chính này xuất hiện xuyên suốt các tác phẩm của Hegel. Quan niệm của ông về chúng là như sau:
1. Trong THTH, ông thường so sánh các quy luật, cả quy luật đạo đức lẫn quy luật chính trị, một cách không mấy thiện cảm so với với tình yêu, nhưng ông đi đến chỗ quan niệm rằng không xã hội bền vững nào mà lại không cần luật pháp. Trong các giai đoạn đầu của LỊCH sử, các luật của nhà nước không được phân biệt với các luật của thần linh hay tôn giáo: HTHTT, VI. A, xem xét sự xung đột giữa luật người và luật thần linh trong bi kịch và xã hội Hy Lạp.
THPQ §211 và tiếp và BKTIII §529 và tiếp xem xét luật pháp trong xã hội hiện đại. Việc quản trị luật được dành cho XÃ HỘI DÂN sự chứ không cho NHÀ NƯỚC: nhà nước hay QUYỂN Lực lập pháp của nó ban hành các luật, nhưng mọi sự tương tác qua lại của con người trên diện rộng đòi hỏi một bộ khung luật pháp, chứ không đơn giản là hoạt động bên trong các ranh giới của nhà nước-quốc gia. Các luật phải là PHỔ BIẾN về hình thức, được diễn đạt rõ ràng và xác định, được các công dân biết đến, được đặt định bằng quyền uy, được quản trị công bằng và được thực thi có hiệu lực, cùng với sự trừng phạt khi chúng bị vi phạm. Luật pháp phải tinh lọc, làm rõ và phát triển các TẬP TỤC đã có từ trước; các luật hoàn toàn vi phạm các tập tục sẽ không thể thực thi được. Vì các luật là phổ biến, nên việc các công dân là bình đẳng trước pháp luật theo nghĩa rằng các luật áp dụng không thiên vị cho mọi công dân là một “sự lặp thừa hay trùng phức” (BKT III, §539). Nhưng “xét trên phượng diện cụ thể của cái cụ thể, các công dân... là bình đẳng trước luật chỉ trong những phương diện mà trong đó họ vốn đã bình đẳng bên ngoài pháp luật”. Trong chừng mực các công dân là khác nhau một cách đáng kể, thì luật quy định cho họ những nghĩa vụ và quyền hạn khác nhau.
Nội dung của các luật có thể là phi lý tính. Nhưng ngay cả khi các luật không phi lý tính, thì việc quyết định các điểm chi tiết theo một cách thức tùy tiện thường là cần thiết: sự cấm đoán và trừng phạt tội trộm cắp là có thể biện minh một cách hợp lý tính, nhưng, chẳng hạn, một hình phạt tù giam mười năm, chứ không phải chín năm hay mười một năm, thì không biện minh được một cách hợp lý tính. Vì thế nói rằng một luật là “thực định” có thể có ba nghĩa: (a) luật vi phạm LÝ TÍNH và vì thế là một luật tồi; (b) một cách hợp lý tính và có thể biện minh được, nhưng luật tạo nên sự cai trị không thể biện minh một cách hợp lý tính; hay (c) dù luật có thể biện minh được một cách hợp lý tính và tạo ra được một sự cai trị có thể biện minh một cách hợp lý tính, nhưng vẫn là một luật được thiết định bằng quyền uy. Tuy vậy, các luật không đơn giản là sự áp đặt bên ngoài: sự tuân thủ xét như sự tuân thủ là một giai đoạn bản chất trong sự hình thành tính cách của một con người, và tuân thủ luật có nghĩa là tuân thủ những gì là tính lý tính và Ý CHÍ bản chất của chính ta thể hiện ra, nhờ vào tính phổ biến của luật. Do đó, Hegel ưa thích một trật tự pháp lý hơn một trật tự đơn thuần của tập tục, không đơn giản vì nó điều hướng hành vi cư xử của ta hiệu quả hơn, nhưng vì nó nâng chúng ta lên một cấp độ Tự Ý THỨC cao hơn.
2. Trong HTHTT, III, sự xem xét về Lực (Kraft) dẫn đến sự du nhập các định luật, vì BẢN CHÂT bên trong phải được dị biệt hóa đầy đủ để tính đến sự đa dạng của hiện tượng. Một định luật nối kết những đặc điểm riêng biệt của hiện tượng, chẳng hạn [tính] khoảng cách đã đi, và thời gian diễn ra, bằng một vật thể rổi. Nhưng khác với hiện tượng, các định luật không thay đổi: vương quốc của các định luật là một “hình ảnh tĩnh tại” [Bild, hay bản sao, Abbild) của hiện tượng khả biến (Erscheinung)”. Nhưng điều này không có nghĩa là các định luật là ít khách quan hơn các lực: các định luật là “những sự quy định của GIÁC TÍNH vốn cố hữu bên trong bản thân thế giới” (BKTIII, §422A). Thoạt đầu Hegel xem xét các luật vận động và nhận thấy hai vấn đề chính trong chúng: (a) Vì một định luật chống đỡ việc thống nhất các hiện tượng, nên các định luật không đơn giản là khác với nhau, mà xét đến cùng là có thể quy giản vào một định luật duy nhất. Nhưng các nỗ lực quy giản số lượng các định luật có nguy cơ (như nơi Newton) dẫn tới một trùng phức hay lặp thừa trống rỗng, ở đó mọi vật đều phụ thuộc vào các điều kiện có trước mà luật áp dụng vào. (b) Các định luật không hoàn toàn ĐẶT cơ SỞ cho các hiện tượng: chúng chỉ giải thích những gì xảy ra nếu các điều kiện nào đó được đáp ứng, chứ không giải thích việc đáp ứng trọn vẹn các điều kiện ấy. Sự phản tư của ông về những vấn đề này dẫn đến việc xem xét các luật chứa những cực ĐỐI LẬP, chẳng hạn như các định luật về từ tính và điện. Điều này gợi ra ý tưởng rằng vương quốc của các định luật là một sự đảo ngược hay hình ảnh-phản chiếu của lĩnh vực hiện tượng.
Trong HTHTT, V. A, Hegel chuyển sang “LÝ TÍNH quan sát (beobachtende), và xem xét các luật liên quan đến sự SỐNG hữu cơ, cũng như các quy luật lô-gíc và tâm lý học, đặc biệt là các quy luật được cho là đối ứng giữa các đặc điểm tâm lý của con người với các đặc điểm diện mạo của họ (“nhân tướng học”) hay với hình dáng của hộp sọ của họ (Schädellehre, “tướng sọ học”). Hegel nghi ngờ khả thể của các luật như thế: sinh thể hữu cơ quá thống nhất và tự quy định đến mức không thể có các quy luật có ý nghĩa nào nối kết các trạng thái của chúng với các trạng thái môi trường của chúng. TINH THẨN cá nhân cũng thống nhất tương tự và không thể chia nhỏ thành những đặc điểm riêng hay những quan năng, mỗi đặc điểm hay quan năng tương ứng với một đặc điểm thể chất nào đó. Thậm chí, con người còn ít phục tùng các NGUYÊN NHÂN bên ngoài so với cây cối và thú vật. Thêm vào đó, một khi con người biết về một luật chi phối tư tưởng hay hành vi cư xử của mình, người ấy có thể trốn tránh hay lợi dụng sự vận hành của nó. Do đó, những luật như vậy (chứ không phải là tính hợp-quy luật bên trong, Geseztmässigkeit) là thích đáng với thuyết cơ GIỚI hơn là với các loại hình tổ chức cao hơn.
Về căn bản, Hegel không thay đổi gì quan niệm của ông về các vấn đề này trong các tác phẩm sau đó.
Nguyễn Văn Sướng dịch