Quy tắc [Đức: Regel; Anh: rule]
Xem thêm: Khái niệm, Ý niệm, Mệnh lệnh, Quy luật, Lý tính, Giác tính, Thống nhất [sự] (nhất thể),
Tác phẩm SL định nghĩa quy tắc là một phán đoán “đơn thuần được xét như là điều kiện cho sự thống nhất các biểu tượng vào trong một ý thức” (§22). Nó cũng mô tả quy tắc vừa như điều kiện của sự thống nhất, vừa như phương thức thống nhất. Quy tắc giúp thống nhất các biểu tượng là do giác tính ban bố cho các hiện tượng trong “trật tự và tính hợp quy luật... mà chính chúng ta đặt vào trong tự nhiên” (PPLTTT A 125) và bởi vậy cũng lại được giác tính khám phá thông qua tiến trình nhận thức. Kant nêu đặc điểm của giác tính như là “quan năng của các quy tắc” (PPLTTT A126). Nó không chỉ áp dụng các quy tắc vào sự thống nhất cái đa tạp trong trực quan, mà “bản thân còn là nguồn suối của các nguyên tắc, theo đó: tất cả những gì có thể xuất hiện cho ta như đối tượng đều tất yếu phải phù hợp với các quy tắc” (A 158/B 198). Ở trường hợp trước, giác tính tuân theo một quy tắc có tính chất quy trình cho việc thống nhất cái đa tạp. Ở trường hợp sau, nó cung cấp các điều kiện cho sự thống nhất. Vai trò của giác tính như “quan năng tạo ra sự thống nhất cho những hiện tượng nhờ các quy tắc” được bổ sung bởi vai trò của lý tính “tạo ra sự thống nhất cho các quy tắc của giác tính vào dưới các nguyên tắc” (A 302/B 359). Tuy nhiên, ở mỗi trường hợp, quy tắc của sự thống nhất mang chức năng khác nhau: đối với giác tính, quy tắc là có tính cấu tạo (constitutive); nó thiết lập nên các điều kiện cho cả kinh nghiệm lẫn đối tượng của kinh nghiệm; trong khi đối với lý tính, chức năng của quy tắc là có tính nghi vấn (problematic); nó “tiến hành một sự quy thoái trong chuỗi những điều kiện của những hiện tượng được mang lại chứ không bao giờ cho phép [sự quy thoái] dừng lại ở một cái Vô-điều kiện tuyệt đối”.
Trong triết học thực hành của mình, Kant tách biệt hai nghĩa của quy tắc, đó là: điều kiện và quy trình. Trong một văn cảnh, một “quy tắc thực hành” được hiểu như là điều kiện cho những gì chúng ta nhất thiết phải làm - nó “luôn là một sản phẩm của lý tính, vì nó đề ra hành vi như là phương tiện để đạt được ý đồ như một kết quả” (PPLTTH, tr.[20], [18]). Trong văn cảnh khác, một “quy tắc thực hành” lại được hiểu như là những gì được áp dụng vào một “quy tắc của kỹ năng”, nhằm đạt tới một mục đích cụ thể (CSSĐ tr. 416, 26).
Sự phân chia giữa các kiểu quy tắc thể hiện rõ trong phần bàn luận về tài năng thiên bẩm và tính độc đáo trong cuốn PPNLPĐ. Khả năng sản tạo độc đáo (original productivity) của tài năng thiên bẩm “mang lại quy tắc cho nghệ thuật” qua việc sản tạo những tác phẩm mà “không có quy tắc nhất định nào có thể được mang lại cho chúng” (PPNLPĐ §46). Ở đây, quy tắc cung cấp điều kiện cho nghệ phẩm; nó không thể bị chuyển đổi thành một quy trình hay quy tắc của kỹ năng, bởi nó “không thể được đề ra như một công thức để dùng như một bài bản quy định” (§47). Việc làm cho quy tắc trở nên có tính quy phạm sẽ bóp nghẹt tính độc đáo và biến sản phẩm của tài năng thiên bẩm thành ra những đối tượng cho sự bắt chước mù quáng. Hơn thế, quy tắc được tìm ra trong các tác phẩm của tài năng thiên bẩm phải tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm khác nữa, “quy tắc phải được rút ra từ việc đã làm, tức từ sản phẩm, được những người khác sử dụng như là thước đo để thẩm tra chính tài năng riêng của họ” (§47). Quan điểm này về quy tắc như cái gì vừa có tính năng sản, vừa có tính chuẩn tắc, tức vừa phục vụ như một điều kiện cho các tác phẩm và khám phá xa hơn, vừa cung cấp một kinh nghiệm mang tính cấu tạo cho chủ thể, là đối lập lại với quan điểm xem các quy tắc như một quy trình đơn thuần cho việc sản tạo ra các hiệu ứng giống hệt nhau. Thật ra, có lẽ sự phân chia giữa quy tắc độc đáo và quy tắc mô phỏng ở cuốn PPNLPĐ có thể được đọc một cách tinh tế và bổ ích khi ta thấy rằng chúng đã có mặt ngay trong phần thảo luận về các quy tắc ở hai cuốn phê phán đầu tiên. Ở đó, nó được hiểu là một sự phân chia giữa quy tắc như một điều kiện cho sự thống nhất, và quy tắc như một quy trĩnh của sự thống nhất.
Như Huy dịch