Liên tục (tính, sự) [Đức: Kontinuität/Stetigkeit; Anh: continuity]
Xem thêm: Loại suy của kinh nghiệm (các), Dự đoán của trỉ giác (các), Nhân quả (tính), Khế ước, Đồng tính (tính, sự), Lượng,
Với Kant, tính liên tục là một đặc tính cơ bản xuyên suốt trực quan, giác tính và lý tính. Nó được định nghĩa trong PPLTTT là “đặc tính của những lượng, theo đó không bộ phận nào của chúng có thể là cái nhỏ nhất; tức là, theo đó không có bộ phận nào là đơn giản” (A 169/ B 211). Nó làm cơ sở cho yêu sách được đưa ra trong các dự đoán của tri giác rằng cái thực tồn của các hiện tượng có lượng cường độ hay độ, và là chất duy nhất có thể được biết một cách tiên nghiệm về lượng (PPLTTT A 176/ B 218). Những mô thức của trực quan - không gian và thời gian - được mô tả như những lượng liên tục (quanta continua) bởi vì chúng không có bộ phận nhỏ nhất; những điểm và những thời khắc được mô tả như “những vị trí ranh giới” “giả định trước các trực quan mà chúng giới hạn hoặc xác định giới hạn” (PPLTT A 169/ B 211). Những phạm trù cũng tuân theo “quy luật về tính liên tục của mọi biến đổi”, như được minh họa khi bàn về phạm trù “nhân quả” trong loại suy thứ hai của kinh nghiệm. Hành động của tính nhân quả thì liên tục; một sự biến đổi trạng thái diễn ra một cách liên tục trong thời gian vì “thời gian lẫn hiện tượng trong thời gian đều không bao gồm bộ phận nhỏ nhất” (PPLTTT A 209/ B 254). “Lý tính cũng chuẩn bị miếng đất cho giác tính” (A 657/ B 685), theo nguyên tắc điều hành về tính liên tục. Nó được giới thiệu như sự “hợp nhất” của các nguyên tắc về sự đồng tính về loài và sự dị biệt về giống hoặc sự dị loại cho phép ta “quan sát sự đồng tính ngay trong sự đa tạp tối đa thông qua bước chuyển theo cấp độ từ giống này sang giống khác...” (A 660/ B 688). Cho dù Kant có thừa nhận rằng “quy luật logic về cái continuum specierum (formarum logicarum) [Latinh: sự liên tục trong dị biệt hóa về phương diện logic của khái niệm] tiền-giả định một quy luật siêu nghiệm (đó là “lex continui in natura” [Latinh]: “quy luật về sự liên tục trong tự nhiên”)” (A 660/B 688) nhưng ông lại cẩn thận xác định rõ rằng tính liên tục siêu nghiệm như thế không thể là một đối tượng của kinh nghiệm, và với tư cách là một nguyên tắc, nó cũng không thể thực hiện một sự diễn dịch, mà chỉ có thể được sử dụng một cách điều hành (regulativ) như là một “nguyên tắc hỗ trợ khám phá” cho “sự hướng dẫn việc sử dụng thường nghiệm của lý tính” và “việc xử lý kinh nghiệm” (A 663/ B 691).
Tính liên tục cũng đóng một vai trò đáng kể trong triết học pháp quyền của Kant. Khi bàn về sự chiếm hữu/sở hữu trong SHHĐL, Kant khẳng định rằng sự chuyển nhượng bằng khế ước “diễn ra phù hợp với (quy) luật của tính liên tục (lex continuiỴ’ (SHHĐL tr. 274, tr. 93). Điều này là cần thiết để ngăn ngừa quyền sở hữu về vật bị gián đoạn trong tiến trình chuyển nhượng của nó. Kant biện minh sự sử dụng này của tính liên tục bằng cách dựa vào khái niệm của “ý chí hợp nhất” qua đó, ngay lúc chuyển nhượng, cả hai bên ký kết một khế ước tạo ra bên thứ ba, đó là “ý chí hợp nhất”, cái bảo đảm tính liên tục của sự chiếm hữu/sở hữu.
Thánh Pháp dịch