Nhân học dưới giác độ thực tiễn [Đức: Anthropologie in pragmatischer Hinsicht; Anh: Anthropology from a Pragmatic Point of View]
Được xuất bản năm 1798, bản thảo của Kant được rút ra từ các ghi chú cho một loạt các bài giảng về nhân học mà ông đã giảng từ khóa học mùa thu năm 1772-1773. Những ghi chú này, đến lượt chúng, đã phát triển từ loạt bài giảng về địa lý học tự nhiên mà Kant đã giảng từ năm 1756. Trong một lưu ý cho phần dẫn nhập, Kant đề cập đến việc ông đã giảng hai lần một năm “trong khoảng 30 năm” cho một lượng cử tọa gồm các sinh viên và công chúng về “tri thức về thế giới”, tức nhân học và địa lý học tự nhiên. Mặc dù Kant bảo rằng bản thảo [viết tay] của ông cho các bài giảng địa lý học tự nhiên ngoài ông ra thì chẳng ai đọc được hết, nhưng một văn bản được Friedrich Theodor Rink biên tập đã được xuất bản năm 1802, và nếu được đọc cùng với cuốn NLH thì có thể có ích. Văn bản của cuốn NLH được xuất bản dựa theo bản thảo của Kant năm 1789, được gọi là “Ân bản A”, trong khi phiên bản được xuất bản năm 1800, được thêm vào những sửa chữa nhỏ và những thay đổi về văn phong, được gọi là “Ân bản B”. Hầu hết những ấn bản và bản dịch hiện đại đều có xu hướng đi theo “Ân bản B”, đôi khi có thêm vào những đoạn rút ra từ “Ân bản A”.
Trong phần dẫn nhập, Kant định nghĩa nhân học như một “học thuyết có hệ thống chứa đựng tri thức của chúng ta về con người” và cho rằng tri thức này có thể mang lại một viễn tượng sinh lý học hoặc thực tiễn. Cái trước gồm tri thức về các sự vật trong thế giới, hay con người xét như một đối tượng của tự nhiên và nằm trong tự nhiên; cái sau là tri thức về con người xét như một “hữu thể hoạt động tự do” hoặc “như một công dân thế giới”. Nhân học của Kant theo đuổi viễn tượng thực tiễn, phân chia chất liệu của nó dựa theo “Giáo khoa nhân học” và “Tính cách nhân học”. Cái trước là “phưong cách nhận thức cái bên trong cũng như cái bên ngoài của con người” và được chia thành ba quyển: 1) “Về quan năng nhận thức”; 2) “Về tình cảm vui sướng và không-vui sướng”; 3) “Về quan năng ham muốn”. Ba quyển này mang hình ảnh của ba cuốn Phê phán, đưa ra nhiều viễn tượng khác nhau như nhận thức, sự vui sướng và luân lý, vừa gia tăng lại thỉnh thoảng làm xói mòn những nghiên cứu phê phán về cùng các hiện tượng như nhau. Trái lại, “Tính cách nhân học” được dành để nhận thức về “cái bên trong của một con người từ cái bên ngoài của họ” và cốt yếu ở những phản tư theo kiểu giai thoại về những đặc trưng nổi bật của loài người như nhân cách, tính dục, tính dân tộc và chủng tộc.
Nhân học của Kant là chủ đề ngày càng được quan tâm, nhất là trong những cách đọc chống-bảo căn luận [anti-foundationalist] về các tác phẩm của ông (xem Heidegger, 1929). Những cách đọc chống-bảo căn luận nhấn mạnh những đặc tính lịch sử và chính trị của tác phẩm của Kant hon những đặc tính logic nghiêm ngặt vốn là tiêu điểm của những sự lý giải trước đây. Sự tưong đồng giữa “Giáo khoa nhân học” và ba cuốn Phê phán đã dẫn một số học giả đến chỗ cắt nghĩa cái sau bằng cái trước. Một ví dụ điển hình là Heidegger, khi nghiên cứu của ông về trí tưởng tượng trong PPLTTT luôn quy chiếu đến NLH. Đối với Heidegger, các bài giảng về nhân học của Kant, có trước cuốn PPLTTT ít nhất là một thập niên, “mang lại cho chúng ta thông tin về nền tảng đã được thiết lập từ trước cho siêu hình học” (Heidegger, 1929, tr. 88). Nền tảng này có thể được sử dụng để lý giải những học thuyết phê phán về sau [của Kant].
Trần Thị Ngân Hà dịch