Sự Sống/Đời sống [Đức: Leben; Anh: life]
Xem thêm: Thân xác, Tâm thức, Vui sướng,
Những tư tưởng của Kant về sự sống có thể được chia thành ba nhóm và đều được tìm thấy trong PPNLPĐ. Nhóm đầu tiên liên quan đến cái có thể được mô tả như “giá trị cuộc đời” và được minh họa bằng chú thích cuối mục §83 của PPNLPĐ. “Giá trị cuộc đời” được đo bằng sự hưởng thụ hay hạnh phúc là “hạ thấp xuống dưới số không”; nó chỉ có được giá trị khi được sống trong sự hòa hợp với lý tính hay “thông qua những gì chúng ta không chỉ làm mà còn làm một cách có mục đích, độc lập với Tự nhiên khiến cho bản thân sự hiện hữu của Tự nhiên chỉ có thể là một mục đích phục tùng điều kiện ấy”. Song hành với quan niệm này về giá trị của sự sống, Kant còn có một lập trường khác, đối lập nhưng nhất quán từ bên trong. Lập trường ấy được kết luận bằng một câu ở mục §29 rằng: “Cũng vì lẽ tâm thức, xét riêng cho bản thân nó, là toàn bộ sự sống (bản thân nguyên tắc sự sống), còn những trở ngại hay thuận lợi là phải được tìm ở bên ngoài nó, tức trong bản thân con người gắn liền với thân xác”. Trong quan niệm này, sự sống là một mối quan hệ phức hợp giữa thân xác, thế giới bên ngoài và tâm thức. Điều này có thể có liên hệ với mục §1 trong PPNLPĐ, nổi mà Kant liên hệ tình cảm về sự sống mà một chủ thể có với “tình cảm về sự vui sướng hoặc không vui sướng”, do đó mang sự sống, tinh thần hay tâm thức và sự vui sướng và đau khổ lại với nhau. Trong ánh sáng của khái niệm này về sự sống, nhiều nhận xét không được bình luận của Kant về “sự sống” trong phần đầu của cuốn PPNLPĐ có tầm ý nghĩa đáng kể. Trong nhóm thứ ba, Kant xem xét sự sống như “những sản phẩm có tổ chức” của tự nhiên; chính trong bối cảnh này ông đã đưa ra tuyên bố trứ danh về tính phi lý của hy vọng “sẽ có một Newton khác xuất hiện trong tưong lai có thể làm cho ta hiểu rõ về sự sản sinh dù chỉ là của một lá cỏ dựa theo các định luật tự nhiên mà không do một ý đồ nào sắp đặt cả” (§75).
Châu Văn Ninh dịch