Đức hạnh [Hi lạp: Arete; Latinh: Virtus; Đức: Tugend; Anh: virtue]
Xem thêm: Công bằng, Quyền/Pháp quyền, Tính dục,
Mặc dù trong CSSĐ, Kant có vẻ xem các đức hạnh truyền thống như sự tiết độ và sự tự chủ có giá trị chỉ như là phương tiện trong quan hệ với mục đích của một ý chí-thiện mà thôi, tuy nhiên ông cũng dành cho học thuyết về đức hạnh một phần đáng kể trong siêu hình học về đức lý của mình. SHHĐL được phân ra thành “hệ thống Học thuyết vê pháp quyền (ius), đề cập những nghĩa vụ có thể được mang lại do các luật pháp bên ngoài, và hệ thống Học thuyết về đức hạnh (Ethica) bàn về những nghĩa vụ không thể được mang lại như thế” (tr. 379, tr. 385). Kant phân biệt giữa những nghĩa vụ đạo đức nảy sinh từ bổn phận đạo đức nói chung và chỉ quan tâm đến “cái gì có tính hình thức trong sự quy định luân lý của ý chí”, với những nghĩa vụ của đức hạnh quan tâm đến các mục đích vốn cũng là các nghĩa vụ (SHHĐL tr. 383, tr. 188). Cái sau tạo nên những nội dung của học thuyết về đức hạnh và được phân loại theo hai loại mục đích cũng là những nghĩa vụ, nghĩa là những nghĩa vụ gắn với “sự hoàn hảo của bản thân” và những nghĩa vụ gắn với “hạnh phúc của những người khác”. Sự bàn luận về hai loại này hình thành những nội dung tưong ứng của Phần I và Phần II của “Học thuyết về đức hạnh”. Phần I bàn về những nghĩa vụ của đức hạnh đối với bản thân mình với tư cách là một tồn tại có tính cách sinh vật, như là không tự sát hay làm ô uế bản thân mình bởi khoái lạc, hoặc ăn uống quá nhiều; những nghĩa vụ đối với bản thân mình với tư cách là một tồn tại có luân lý như là tránh nói dối, tránh tính tham lam và sự hèn hạ; nghĩa vụ của lưong tâm, và nghĩa vụ không hoàn hảo trong việc hoàn thiện bản thân mình. Phần thứ hai xét đến những nghĩa vụ của đức hạnh đối với những người khác, trên hết là yêu thưong và tôn trọng họ.
Tuy Kant xác định lại nội dung và phạm vi của Học thuyết về đức hạnh có tính thực thể, truyền thống trong quan hệ với định nghĩa hình thức, mới mẻ của ông về giá trị luân lý và cái thiện, vẫn có những dấu vết của học thuyết cũ trong khắp các trước tác của ông. Một ví dụ đáng chú ý là những phần bàn về đức hạnh theo Platon và của phái Khắc kỷ trong PPLTTT như những lý tưởng cho việc phán đoán những gưong điển hình về đức hạnh (xem A 315/B 372 và A 569/B 597).
Thánh Pháp dịch