Chuẩn tắc (bộ) [Latinh: Canon; Đức: Kanon; Anh: canon]
Xem thêm: Phân tích pháp, Kỷ luật học, Phán đoán, Logic học, Siêu hình học, Quy tắc,
Cơ sở lịch sử của việc Kant đối lập bộ chuẩn tắc (Canon) với bộ công cụ (Organon) là sự phê phán của Epicurus (341-271 ten) về bộ công cụ của Aristoteles. Thay cho Bộ công cụ phương pháp của Aristoteles, vốn là cuốn sách trình bày những quy tắc để đạt được nhận thức chứng minh, Epicurus đề xuất một Bộ chuẩn tắc về các quy tắc để đưa ra những phán đoán đúng. Nhan đề của văn bản ông bàn đến chủ đề này là Canon, gồm nhiều quy tắc và tiêu chuẩn khác nhau để phân biệt phán đoán đúng và phán đoán sai (Diogenes Laertius, 1925, Q. II, tr. 559-61). Epicurus phân biệt chuẩn tắc pháp với biện chứng pháp, coi nó có liên quan đến tính đúng đắn của phán đoán hơn là liên quan đến sự mở rộng tri thức.
Kant đã hình thức hóa sự phân biệt lịch sử này trong PPLTTT, cho dù ông có ám chỉ đến những căn nguyên của nó trong L, ở đó ông bàn về Logic học như là “nghệ thuật phổ quát của lý tính (caninica Epicuri)” (L tr. 529). Sự phân biệt hình thức của riêng Kant giữa bộ chuẩn tắc và bộ công cụ vẫn gắn mật thiết với tiền lệ lịch sử của nó. Chẳng hạn như phân tích pháp siêu nghiệm được quan niệm theo tinh thần của bộ chuẩn tắc Epicurus là một phương tiện cho việc phân biệt giữa phán đoán đúng và phán đoán sai, “để phán đoán trong sự sử dụng thường nghiệm của giác tính” (PPLTTT A 63/B 88). Khác với bộ công cụ của Aristoteles, nó không tự nhận là đưa ra những quy tắc cho sự mở rộng của giác tính; thay vào đó, với Kant, “nó sẽ bị lạm dụng nếu người ta cho nó có giá trị như là bộ công cụ cho một sự sử dụng phổ biến và vô giới hạn” (A 63/B 88).
Trong PPLTTT, phần “Học thuyết siêu nghiệm về phương pháp”, chương II “Bộ chuẩn tắc cho lý tính thuần túy” - Kant nhận diện “sự sử dụng duy nhất của một triết học về lý tính thuần túy” phải là một bộ chuẩn tắc phục vụ “không phải như là một bộ công cụ cho sự mở rộng tri thức mà như là một kỷ luật học cho sự giới hạn của lý tính thuần túy” (A 795/B 823). Ông mô tả phần phân tích pháp của môn Logic học phổ biến là “một bộ chuẩn tắc cho giác tính và lý tính nói chung” và phần Phân tích pháp siêu nghiệm là một “bộ chuẩn tắc của giác tính thuần túy, vì chỉ có nó mới mang lại những phương thức tổng hợp đúng đắn của nhận thức tiên nghiệm” (A 796/B 824). Ông tiếp tục xét bộ chuẩn tắc của lý tính thuần túy, vốn chỉ có thể được áp dụng trong ngữ cảnh của sự sử dụng thực hành của lý tính. Bộ chuẩn tắc của lý tính thuần túy xử lý hai câu hỏi liên quan đến mối quan tâm thực hành, đó là: “Thượng đế có tồn tại không?” và “có đời sống trong tương lai chăng?” (A 803/B 831). Những câu hỏi này được phiên dịch thành hai tiêu chuẩn của bộ chuẩn tắc của lý tính thực hành: “Tôi phải làm gì?” và “Tôi được phép hy vọng gì?” (A 805/B 835), là những tiêu chuẩn mang lại những định đề về sự tồn tại của Thượng đế và đời sống tương lai.
Ý niệm về bộ chuẩn tắc được tiếp nhận từ Epicurus có thể được mở rộng ra để làm đặc trưng cho toàn bộ công cuộc phê phán. Có thể nói triết học phê phán cung cấp những quy tắc hay tiêu chuẩn để phân biệt phán đoán đúng thật (true judgement) với phán đoán sai lầm, trong khi không trực tiếp đưa ra một nghiên cứu có hệ thống về các phán đoán đúng đắn (correct judgements) và những phương tiện dùng để mở rộng chúng. Theo nghĩa này, bộ môn chuẩn tắc học của Epicurus có thể được xem là đã được làm sống lại bởi triết học phê phán và được tiếp tục trong những bộ môn phê phán được nó truyền cảm hứng.
Thân Thanh dịch