em
- dt. 1. Người con trai hay con gái sinh sau mình, cùng cha, cùng mẹ, hoặc chỉ cùng cha hay cùng mẹ với mình: Em tôi là học sinh của chị 2. Người con trai hay con gái là con vợ kế hay vợ lẽ của cha mình khi mình là con vợ cả: Cô nó là em khác mẹ của tôi 3. Con trai hay con gái của chú, cậu, cô, dì mình: Chú nó là em con chú của tôi 4. Từ chỉ một người nhỏ tuổi: Em thiếu nhi; Em học sinh lớp Một. // đt. 1 Ngôi thứ nhất xưng với anh hay chị của mình: Em đến muộn, em xin lỗi anh chị 2. Ngôi thứ hai nói với em của mình hoặc một người nhỏ tuổi hơn mình: Chị nhờ em đưa giúp chị bức thư này 3. Ngôi thứ ba chỉ người em của mình khi nói với người cũng là anh hay chị của người ấy, hoặc chỉ người con nhỏ của mình khi nói với người anh hay người chị của người ấy: Em khóc, sao anh không dỗ; Các con đi chơi thì cho em đi với 4. Ngôi thứ nhất xứng với người đáng tuổi anh hay chị mình, hoặc với thầy, cô giáo còn trẻ: Anh bộ đội ơi, anh cho em cái hoa này nhé; Thưa cô, nhà em có giỗ, em xin phép cô cho nghỉ. // tt. Bé: Buồng cau em này mà bán thế thì dắt quá.
ém
- đgt. 1. Giấu kín, che đậy, lấp liếm: Hắn ém câu chuyện đi để không ai biết 2. Nhét xuống dưới: ém màn dưới chiếu 3. Nép vào; ẩn vào: ém mình trong góc tối; Các tổ du kích ém gò vẫn nín thinh (Phan Tứ).
êm
- tt. trgt. 1. Mềm và dịu: Đệm êm 2. Yên lặng, không dữ dội: Bao giờ gió đứng sóng êm, con thuyền anh xuôi ngược qua đêm lại về (cd) 3. Nghe dễ chịu: Tiếng đàn rất êm, Giọng hát êm 4. Không rắc rối, không lôi thôi: Câu chuyện dàn xếp đã êm; Trong ấm, ngoài êm (tng) 5. Nhẹ nhàng trong chuyển động: Xe chạy êm.
ếm
- đg. 1. ám ảnh làm cho mất cái may, theo mê tín: Ngồi ếm người ta. Ngr. Yểm cho mất linh nghiệm, theo mê tín: ếm mả. 2. (đph). Dùng bùa hay pháp thuật để hãm hại, theo mê tín. 3. Làm phép trừ tà: ếm quỷ trừ ma.