Như thể [Đức: als ob; Anh: as-if ]
Xem thêm: Hành động, Loại suy, Ý niệm, Nguyên tắc điều hành,
Là một hình thức của luận chứng loại suy, “như thể” thường được Kant dùng trong triết học lý thuyết, triết học thực hành và triết học mỹ học của mình. Chữ này xuất hiện trong triết học lý thuyết như một châm ngôn của phán đoán điều hành và có mặt khắp nơi trong phần kết luận cho “Biện chứng pháp siêu nghiệm” của quyển PPLTTT.
Khi đã chứng minh rằng Thượng đế, thế giới và linh hồn không phải là những đối tượng thích hợp cho sự phán đoán bị hạn chế của con
người, Kant đi đến chỗ tái thừa nhận chúng như là những nguyên tắc điều hành. Do đó trong thần học, mặc dù ta không bao giờ có thể biết được Thượng đế có phải là nguyên nhân của thế giới hay không, nhưng ta có thể quan niệm “mọi đối tượng như thể chúng bắt nguồn từ nguyên mẫu này” (PPLTTT A 673/B 701). Cũng giống như thế trong vũ trụ học, ta không bao giờ có thể biết liệu thế giới có một sự khởi đầu hay một sự kết thúc hay không, mặc dù ta có thể tiến hành thẩm tra “như thể nó có một khởi đầu tuyệt đối, thông qua một nguyên nhân khả niệm” (PPLTTT A685/B 713). Cuối cùng, trong tâm lý học, mặc dù ta không bao giờ có thể biết được bản tính của linh hồn, ta có thể “nối kết mọi hiện tượng, mọi hành vi và cảm thụ của tâm thức chúng ta như thể tâm thức là một bản thể đơn thuần thường tồn với tính đồng nhất về nhân cách” (PPLTTT A672/B 700).
Ngoài việc giữ vai trò như mô thức của nguyên tắc điều hành của phán đoán lý thuyết, cái “như thề’ cũng rất quan trọng đối với các châm ngôn của phán đoán thực hành. Việc sử dụng có ý nghĩa nhất, nhưng thường không được biết đến, về hình thức “như thể”ìà kết hợp với “vương quốc của những mục đích” và những công thức của mệnh lệnh nhất quyết. Trong CSPĐ, Kant phát biểu rằng “mọi hữu thể có lý tính phải hành động sao cho như thể qua châm ngôn của mình, hữu thể ấy luôn là một thành viên ban bố quy luật trong vương quốc phổ quát của những mục đích”, hay phát biểu một cách hình thức hơn, “hành động sao cho như thể những châm ngôn của bạn đồng thời giữ vai trò như một quy luật phổ quát” (CSPĐ tr. 438, tr. 43). Cái “như thể” cũng kín đáo nói lên đặc trưng, ở những chỗ quan trọng, của quyển PPNTPĐ: tính hợp mục đích trong hình thức của một công trình nghệ thuật chẳng hạn, “tỏ ra tự do, thoát ly khỏi mọi cưỡng chế của các quy tắc, như thể nó là một sản phẩm của tự nhiên đơn thuần” (PPNTPĐ, § 45). Do đó, lập luận theo hình thức “như thể”, thường gặp nhưng không được chú ý, là lập luận trung tâm đối với tất cả mọi lĩnh vực của triết học Kant. Việc nó có mặt khắp nơi nhưng không có quan hệ với cách dùng của Kant về lập luận loại suy nói chung, được Vaihinger thừa nhận trong Philosophie von Als Ob (Triết học vê Như thể, 1911) của ông, và tác phẩm này đưa đến việc hình thành một câu lạc bộ những người hâm mộ với tên gọi là “Hội những người bạn của Triết học về Như thể”.
Mai Thị Thùy Chang dịch