Tiên kiến [Đức: Vorurteil; Anh: prejudice]
Xem thêm: Khai minh, Công khai (tính),
Trong PPNLPĐ, về “Sở thích như là sensus communis [cảm quan chung] ”, Kant giới thiệu ba châm ngôn của “lý trí con người bình thường”: a) tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình; b) suy nghĩ từ vị trí hay quan điểm của người khác, c) bao giờ cũng suy nghĩ nhất quán với chính mình. Cả ba châm ngôn này đều đối lập với tư duy tiên kiến, và kêu gọi có tư tưởng chủ động, rộng mở và nhất quán; nhưng châm ngôn thứ nhất là nhằm chống lại tiên kiến [hay định kiến] một cách rõ rệt. Tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình là biểu hiện của một “lý tính không bao giờ chịu thụ động”. “Nếu chiều theo loại lý tính thụ động này, tức chiều theo sự ngoại trị của lý tính thì gọi là tiên kiến” (PPNLPĐ §40). Ở đây, Kant đặc biệt nhắm tới tiên kiến của sự mê tín, và xem sự khai minh không chỉ như là sự giải phóng khỏi sự mê tín nói riêng, mà còn như là “sự giải phóng khỏi mọi tiên kiến nói chung”. Một quan niệm khoáng đạt hon về sự khai minh được ông phát triển trong KMLG, với yêu sách tự do tư tưởng chống lại những tiên kiến của cả truyền thống lẫn của tính hiện đại cách mạng [chỉ Cách mạng Pháp 1789]. Trong tiểu luận đó, Kant chỉ ra tiên kiến được cổ xúy như thế nào bởi “những vệ binh” như: các giáo sĩ, chiến binh, thầy thuốc và những người học thức khác là những người làm cho công chúng không phát huy được năng lực và dẫn họ đến với sự giám hộ dễ chịu, thụ động và tự mình chuốc lấy của tiên kiến. Giải thoát khỏi tiên kiến là phải dần dần và được thực hiện một cách hoàn toàn công khai; sự thay đổi có tính cách mạng, Kant nói, “rất có thể đặt một kết thúc cho chế độ chuyên chế độc đoán và cho sự áp bức tham tiền hám lực, nhưng nó sẽ không bao giờ tạo ra một sự đổi mới thực sự trong những lề lối tư duy. Thay vào đó, những tiên kiến mới, giống như những tiên kiến mà chúng đã thay thế, sẽ đóng vai trò như là một sợi dây ràng buộc để kiểm soát khối đông quần chúng không tư duy” (KMLG, tr. 36, tr. 55). Một trong những đặc điểm thú vị của nghiên cứu này về tiên kiến là nó không được đối lập bởi bản thân (per se) lý tính mà bởi “sự tự do sứ dụng công khai sự tự do của con người trong mọi việc” (tr. 36, tr. 55); tức là tiến hành suy luận chủ động chứ không phải thụ động. Điều này quả là nhạy cảm trước nguy cơ rằng bản thân lý tính có thể trở thành một tiên kiến, nếu giá trị hiệu lực của nó được giả định và tiêu chuẩn của nó được áp dụng một cách thụ động.
Trần Kỳ Đồng dịch